Nghiên cứu chuyển đổi số trong phổ biến giáo dục pháp luật

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, bên cạnh triển khai phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) bằng hình thức truyền thống, cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin.

Các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện hiệu quả Đề án số hóa PBGDPL để tạo kênh tuyên truyền tiết kiệm hiệu quả hấp dẫn với phương châm lấy người dân làm trung tâm.

Đó là ý kiến được nêu ra tại hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định của Thủ tướng và xây dựng mô hình PBGDPL hiệu quả tại các Bộ, ngành, địa phương diễn ra ngày 15/12.

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Thứ trưởng Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh

Vụ trưởng Vụ PBGDPL Lê Vệ Quốc cho rằng, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tích cực thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong quá trình xây dựng, nhân rộng các mô hình PBGDPL hiệu quả. Trong đó có PBGDPL trên thiết bị di động, ứng dụng trí tuệ nhân tạo... để phù hợp với bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển với những thành tựu của cuộc CM 4.0; xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử. Đồng thời, nghiên cứu chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, xây dựng các diễn đàn đối thoại trực tuyến về chính sách pháp luật; sử dụng trí tuệ nhân tao trong hỏi đáp pháp luật.

Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh cho biết, công nghệ thông tin đang trở thành công cụ đắc lực giúp công tác PBGDPL lan tỏa rộng rãi, không chỉ đến người dân trên địa bàn TP.HCM, cả nước nói chung mà còn đến đông đảo kiều bào ở nước ngoài.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cho phép tài liệu, văn bản, âm thanh, hình ảnh... được lưu trữ, khai thác, chia sẻ dễ dàng, nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; giảm chi phí, giảm thời gian...

"Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL là hết sứa cần thiết và đang trở thành một xu thế tất yếu trong bối cảnh ngày nay", Giám đốc Sở tư pháp TP.HCM nhấn mạnh.

Dẫn chứng thực tế tại TP.HCM khi xây dựng mô hình "sách nói pháp luật", ông Hạnh cho biết, năm 2017, Sở đã tặng đĩa CD đầu tiên của bộ sách nói pháp luật cho Hội người mù. Đến nay, sở đã phối hợp với thư viện sách nói Hướng Dương dành cho người mù tổ chức ghi âm, biên tập và đăng tải 11 chương trình sách nói pháp luật, phát hành 2.700 đĩa CD đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đó có các trường hợp đặc biệt dành cho người khuyết tật.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/nghien-cuu-chuyen-doi-so-trong-pho-bien-giao-duc-phap-luat-697679.html