Nghiên cứu cung cấp giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử
Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) vừa kiến nghị Bộ GTVT cho phép lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án 'Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) trong quản lý và điều hành công tác đăng kiểm của Cục Đăng kiểm giai đoạn đến 2026'.
Tờ trình cho hay, thời gian qua, Cục Đăng kiểm đã xây dựng duy trì các hệ thống CNTT phục vụ công tác quản lý nhà nước và điều hành công việc. Các hệ thống này đã hỗ trợ tích cực trong công việc tại Cục cũng như các đơn vị trong ngành GTVT.
Cục Đăng kiểm cho rằng, việc đầu tư dự án trên là cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất, tăng cường năng lực trong hoạt động đăng kiểm để khắc phục các vấn đề cũng như thực hiện định hướng CĐS theo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong đó, tập trung triển khai các nội dung như: Hoàn thiện các phần mềm nội bộ nhằm bảo đảm 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); tối thiểu 50% cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tài liệu cuộc họp gửi trực tuyến nhằm giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy.
Hình thành hệ thống thông tin báo cáo tập trung của Cục Đăng kiểm, kết nối các nguồn số liệu từ các hệ thống nghiệp vụ và số liệu của các cơ quan quản lý khác nhằm cung cấp số liệu, báo cáo đa chiều về hoạt động đăng kiểm phương tiện phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
Với công tác phục vụ người dân, DN, hướng đến 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 100% hồ sơ TTHC giải quyết thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Đăng kiểm được quản lý theo dõi tiến độ xử lý trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ GTVT; tối thiểu 50% hồ sơ TTHC được người dân và DN thực hiện trực tuyến từ xa.
100% dữ liệu phương tiện sẽ được quản lý thống nhất, xuyên suốt từ khâu thẩm định thiết kế, thử nghiệm, sản xuất/lắp ráp/đóng mới hoặc nhập khẩu đến khâu kiểm tra trong khai thác, sử dụng nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.
Hình thành các phần mềm, công cụ hỗ trợ người dân và DN tra cứu dữ liệu, thông tin đăng kiểm phương tiện; thực hiện các dịch vụ trực tuyến (đặt lịch đăng kiểm, thanh toán giá/phí trực tuyến…) được cung cấp bởi các đơn vị đăng kiểm.
Về hoạt động quản lý chuyên ngành, sẽ hình thành các cơ sở dữ liệu tập trung để quản lý thống nhất hoạt động đăng kiểm; kết nối liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu dùng chung Bộ GTVT để tạo lập báo cáo; chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác đăng ký phương tiện, quản lý hoạt động vận tải của các cục quản lý chuyên ngành; chia sẻ dữ liệu với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành để phục vụ công tác quản lý nhà nước như: các Sở GTVT, cơ quan công an, cơ quan Thuế, Hải quan…
Nghiên cứu cung cấp hồ sơ, giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện dưới dạng điện tử thay thế hồ sơ, giấy chứng nhận bản giấy. Phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an nghiên cứu tích hợp dữ liệu đăng kiểm phương tiện và giấy chứng nhận đăng kiểm điện tử vào ứng dụng định danh điện tử (VNeID) để tạo thuận lợi cho người dân, DN và các cơ quan quản lý nhà nước.
Liên quan đến đề nghị trên, Bộ GTVT đã có công văn ủy quyền Cục trưởng Cục Đăng kiểm tổ chức thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ và dự toán chuẩn bị đầu tư dự án (bao gồm lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án).
Bộ GTVT yêu cầu Cục Đăng kiểm kiểm tra, rà soát nhiệm vụ, khối lượng, đơn giá bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí, đúng quy định của pháp luật. Nội dung các báo cáo phải bảo đảm các quy định tại Luật Đầu tư công; làm rõ được sự cần thiết đầu tư; quy mô đầu tư bảo đảm phù hợp với nhu cầu; đánh giá hiệu quả đầu tư; xây dựng phương án đầu tư… làm cơ sở xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.