Nghiên cứu đầu tiên trên thế giới xác nhận lý do thực sự khiến cá mập trắng cắn người
Các nhà nghiên cứu Australia đã xác nhận gần như chắc chắn nguyên nhân các vụ cá mập trắng tấn công con người.
Theo tờ The Age, trước đây, cá mập thường được coi là cỗ máy giết người liều lĩnh. Giới khoa học gần đây đã dần chuyển sang giả thiết cá mập là kẻ săn mồi thông minh và việc chúng tấn công những người lướt ván thường là do cá mập nhầm người đứng trên tấm ván là hải cẩu hay các động vật mồi khác.
Tuy nhiên, không có nghiên cứu nào để kiểm nghiệm giả thiết đó cho tới khi nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Macquarie thực hiện.
Cá mập trắng là kẻ săn mồi kiểu đột kích, bơi bên dưới con mồi và lao lên từ bên dưới, tấn công con mồi bằng hàm răng to lớn, mạnh mẽ.
Nathan Hart, đồng tác giả nghiên cứu và là trưởng khoa khoa học sinh học tại Đại học Macquarie, cho biết họ đã làm một thí nghiệm để xác nhận rằng trong mắt một cá mập trắng đang đói, người lướt ván có thể trông rất giống hải cẩu.
Nhóm nghiên cứu đã tới sở thú Taronga ở Sydney và đặt máy quay trong khu vực hải cẩu, quay phim hải cẩu bơi gần mặt nước và quay người lướt ván.
Giáo sư Hart nói: “Chúng tôi quay hình ảnh này từ góc nhìn của cá mập từ bên dưới. Chúng tôi sau đó lấy hình ảnh đó và lọc ra để xem cá mập sẽ nhìn thấy gì. Chúng tôi bỏ hết màu vì cá mập trắng mù màu và chúng tôi giảm chất lượng hình ảnh vì tầm nhìn của cá mập thấp hơn”.
Khi chạy qua các bộ lọc khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện ra người lướt ván và hải cẩu thực ra rất giống nhau.
Quan sát hành vi săn mồi của cá mập trắng đã khiến các nhà khoa học tin rằng loài vật này phụ thuộc vào thị giác để săn mồi cho dù chúng cũng có các giác quan khác (như thụ cảm điện tử).
Tác giả Laura Ryan cho biết kết quả thí nghiệm trên cho thấy giả thiết chính thống hiện nay là đúng, rằng cá mập cắn người là để thăm dò.
Tiến sĩ Ryan nói thêm: “Mặc dù không phải mọi vụ cá mập cắn người đều là nhầm lẫn nhưng trong trường hợp cá mập nhắm mục tiêu vào các vật thể trên mặt nước, như người lướt ván, thì nhầm lần là rất có thể xảy ra”.
Nghiên cứu cũng xác nhận giả thiết lý do đa số vụ cá mập trắng cắn người đều do cá mập nhỏ gây ra vì chúng có tầm nhìn kém hơn cá mập trưởng thành và mới bắt đầu ăn hải cẩu.
Năm 20202, có 22 vụ cá mập tấn công người ở Australia, trong đó 8 vụ gây chết người.
Các chuyên gia chỉ ra rằng về mặt thống kê, số vụ cá mập tấn công rất hiếm và tử vong vì cá mập cắn còn hiếm hơn, nhưng khi Trái đất ấm lên làm thay đổi hành vi động vật thì các vụ tấn công sẽ xảy ra nhiều hơn trong những năm tới.
Giáo sư Hart hi vọng nghiên cứu của họ có thể hỗ trợ con người và cá mập cùng dùng chung đại dương, gây ra ít sự cố chạm trán hơn. Ông nói: “Khi hiểu điều gì khiến cá mập tấn công thì bạn sẽ có cách tránh”.