Nghiên cứu đầu tư thêm đường sắt kết nối Việt Nam - Campuchia

Ông Hun Sen cổ vũ kết nối kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, còn Việt Nam xác định phát triển hành lang kinh tế, nghiên cứu xây đường sắt kết nối liên quốc gia.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen trò chuyện khi cùng dự lễ ký kết các văn kiện giữa hai nước. Ảnh: Dương Giang.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hun Sen trò chuyện khi cùng dự lễ ký kết các văn kiện giữa hai nước. Ảnh: Dương Giang.

Chiều 8/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thủ tướng Hun Sen dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia. Lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp hai nước, hai nhà lãnh đạo đã đưa ra định hướng hợp tác và cam kết tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Doanh nghiệp cần “biến nguy thành cơ”

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ tập đoàn này đầu tư vào Campuchia từ năm 2006 và chính thức khai trương mạng di động Metfone vào 2009.

Sau 13 năm, Metfone hiện là doanh nghiệp viễn thông lớn nhất Campuchia về cả thị phần, doanh thu và mạng lưới. Metfone cũng là một trong những doanh nghiệp có đóng góp ngân sách của Chính phủ Campuchia nhiều nhất.

Để xây dựng thành công Chính phủ số, kinh tế số, hạ tầng số, Chủ tịch tập đoàn Viettel nhấn mạnh hạ tầng phải đi đầu. Ông kỳ vọng Chính phủ Campuchia sẽ giao nhiệm vụ cho Metfone triển khai hạ tầng số, quan trọng nhất là hạ tầng 5G và hạ tầng điện toán đám mây Cloud, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với người đồng cấp về các sản phẩm của Việt Nam bên lề Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu với người đồng cấp về các sản phẩm của Việt Nam bên lề Diễn đàn Xúc tiến đầu tư Việt Nam - Campuchia. Ảnh: Đoàn Bắc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Dũng, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia, kiến nghị Chính phủ Campuchia có chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực được khuyến khích, khu vực có nhu cầu phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng và tiếp tục ban hành chính sách; quy định cụ thể, rõ ràng về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu để doanh nghiệp thực hiện đúng, thuận lợi trong hoạt động kinh doanh.

Với Chính phủ Việt Nam, ông Dũng kiến nghị có chủ trương, chính sách ưu đãi, đặc thù cho doanh nghiệp đầu tư sang Campuchia, đặc biệt với ngành, dự án có ý nghĩa trong quan hệ hai nước.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra dự báo sắp tới, thương mại hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự thúc đẩy bởi một số văn kiện vừa được Chính phủ hai nước ký kết, trong đó có Hiệp định Thương mại Biên giới.

Ông nhấn mạnh về giải pháp, Chính phủ hai nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tài chính, ngân hàng và dịch vụ thương mại biên giới. Các bộ, ngành, cần địa phương tăng cường hỗ trợ thương nhân, doanh nhân tổ chức mạng lưới hàng hóa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận dù tình hình thế giới biến động khó lường, tác động tiêu cực, vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan và triển vọng trong hợp tác đầu tư, thương mại của hai quốc gia.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Campuchia đang được cải thiện tích cực thông qua việc ban hành Luật Đầu tư mới và Luật Đặc khu kinh tế. Đặc biệt, Chính phủ Campuchia đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số doanh nghiệp Việt thời gian qua.

Trong giai đoạn phát triển mới khi tình hình thế giới và khu vực dự báo có nhiều diễn biến phức tạp, Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp hai nước cần đổi mới tư duy, biến nguy cơ thành cơ.

Thúc đẩy hạ tầng giao thông kết nối khu vực và quốc gia

“Tích cực cổ vũ cho kết nối kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia và thúc đẩy phát triển hạ tầng 3 nước, Thủ tướng Hun Sen cũng đề nghị Việt Nam tiếp tục kết nối các tuyến giao thông liên quan cao tốc, bến cảng, hàng không. Còn Việt Nam xác định phát triển hành lang kinh tế đông tây, như đường cao tốc Trần Đề - Sóc Trăng, TP.HCM - Tây Ninh, đồng thời nghiên cứu đầu tư thêm đường sắt kết nối liên vùng, liên quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh chính nêu định hướng.

Ông cho rằng về chiến lược, cần tăng cường kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế; trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc thực hiện các dự án đầu tư, đảm bảo đúng tiến độ, chấp hành nghiêm phát luật...

 Thủ tướng Vương quốc Campuchia, ông Hun Sen, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia. Ảnh: Đoàn Bắc.

Thủ tướng Vương quốc Campuchia, ông Hun Sen, cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở Campuchia. Ảnh: Đoàn Bắc.

Với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư.

Cam kết này cũng được người đồng cấp của ông - Thủ tướng Hun Sen - nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.

Thủ tướng Hun Sen cho biết sẽ chỉ đạo bộ, ngành liên quan của Campuchia xem xét vấn đề liên quan chính sách thuế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trên cơ sở công bằng với nhà đầu tư các nước.

Thủ tướng Hun Sen kỳ vọng Campuchia sẽ thúc đẩy dự án đường cao tốc nối đến biên giới với Việt Nam để đẩy mạnh giao lưu hàng hóa, giúp hai nước tăng cường cơ sở hạ tầng tại hành lang kinh tế phía nam, thúc đẩy du lịch.

Hoài Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghien-cuu-dau-tu-them-duong-sat-ket-noi-viet-nam-campuchia-post1373067.html