Nghiên cứu đột phá: Tạo ra chuột con từ hai con chuột đực
Việc tạo ra trứng từ tế bào con đực được đánh giá là bước tiến quan trọng, mở ra khả năng mới cho việc điều trị vô sinh ở người.
Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra một đàn chuột con khỏe mạnh từ hai cá thể chuột đực bằng cách nuôi cấy trứng từ tế bào con đực.
Trong thế giới động vật, một số loài bò sát, lưỡng cư và cá có thể sinh sản đồng giới. Nhưng đối với động vật có vú làm được điều này là một đột phá.
"Đây là trường hợp đầu tiên tạo ra tế bào trứng khỏe mạnh của động vật có vú từ tế bào con đực", Katsuhiko Hayashi, Trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Kyushu, Nhật Bản, cho biết. Hayashi nổi tiếng là nhà tiên phong trong lĩnh vực nuôi cấy trứng và tinh trùng.
Công trình của ông Hayashi dựa trên một chuỗi các bước phức tạp để biến đổi một tế bào da mang tổ hợp nhiễm sắc thể XY của giống đực thành tế bào trứng với tổ hợp nhiễm sắc thể XX của giống cái.
“Thủ thuật quan trọng nhất trong quá trình này chính là sự nhân đôi của nhiễm sắc thể X. Chúng tôi đã cố gắng thiết lập một hệ thống để có thể nhân bản nhiễm sắc thể này”, ông Hayashi cho biết.
Các tế bào trứng này sau đó đã được nuôi cấy trong một buồng trứng chuột nhân tạo. Các nhà khoa học thu được khoảng 600 phôi khi đem trứng này thụ tinh với tinh trùng chuột.
Các phôi trên sau đó được cấy vào một con chuột khác. Có 7 chuột con đã được sinh ra trong thí nghiệm, đạt hiệu quả thấp hơn 1% so với mức 5% phôi sẽ hình thành nên chuột con từ trứng của chuột cái bình thường.
Những con chuột sinh ra từ thí nghiệm được cho là khỏe mạnh, có tuổi thọ bình thường và sẽ tiếp tục sinh con khi trưởng thành. “Chúng trông ổn và có vẻ đang phát triển bình thường. Chúng cũng sẽ sớm trở thành những con chuột bố”, ông Hayashi nói.
Ông Hayashi đã trình bày nghiên cứu trong Hội nghị thượng đỉnh quốc tế lần 3 về chỉnh sửa gen người tại Viện Francis Crick, London hôm 8/3. Ông dự đoán rằng về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể tạo ra một tế bào trứng người từ tế bào da đàn ông trong vòng 10 năm tới.
“Về mặt kỹ thuật thì điều này có thể thực hiện được (đối với con người) trong 10 năm", ông Hayashi nói. Ông chia sẻ thêm mình sẽ ủng hộ nếu công nghệ này được ứng dụng lâm sàng giúp 2 người đàn ông có thể có con chung và được chứng minh là an toàn.
Kỹ thuật này cũng có thể áp dụng để điều trị các dạng vô sinh, bao gồm hội chứng Turner ở phụ nữ (người phụ nữ mắc hội chứng này thường mất hoàn toàn hoặc mất một phần nhiễm sắc thể X trong bộ gene). Theo ông Hayashi, đây cũng là động lực chính của nghiên cứu.
Giáo sư Alexander Clark, người nghiên cứu về các giao tử được nuôi trong phòng thí nghiệm tại Đại học California Los Angeles (Mỹ), nhận xét, việc áp dụng kỹ thuật này lên tế bào người sẽ là một "bước nhảy vọt" vì hiện nay các nhà khoa học vẫn chưa thể tổng hợp được tế bào trứng người từ các tế bào của nữ giới.
Thực tế, kỹ thuật này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi áp dụng trên con người. Tế bào con người đòi hỏi thời gian nuôi dưỡng lâu hơn để tạo ra một tế bào trứng trưởng thành. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra những thay đổi di truyền không mong muốn.
Giáo sư George Daley, hiệu trưởng Trường Y Harvard, mô tả công trình này là “hấp dẫn”. nhưng nói thêm rằng việc tạo ra các giao tử từ tế bào người khó hơn nhiều so với tế bào chuột. “Chúng ta vẫn chưa hiểu biết đủ về quá trình sinh sản con người để tạo ra thành quả như ông Hayashi làm trên chuột”, ông Daley nhận định.
Minh Hoa (t/h)