Nghiên cứu: Hạt vi nhựa phá hủy trạng thái cân bằng vi khuẩn đường ruột động vật
Theo nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Ecology & Evolution, một số loại hạt vi nhựa nhất định có thể 'hút cạn' các hóa chất, gây gián đoạn cho hệ vi sinh vật đường ruột của các loài chim.
Từ lâu, các nhà khoa học biết rằng các loài chim biển hoang dã thường phải tiêu hóa cả các hạt vi nhựa khi ăn những thức ăn ngày càng ô nhiễm.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố ngày 27/3 cho thấy những hạt vi nhựa này không chỉ tắc lại hay đơn giản là đi qua dạ dày mà còn phá hủy trạng thái cân bằng vi khuẩn trong ruột động vật.
Thông qua việc phân tích đường tiêu hóa chứa hạt vi nhựa ô nhiễm của 2 loài chim hải âu biển ở Đại Tây Dương, các nhà nghiên cứu phát hiện tình trạng suy giảm lợi khuẩn và xuất hiện nhiều mầm bệnh có nguy cơ gây hại.
Lượng vi khuẩn kháng kháng sinh và vi khuẩn phân hủy nhựa cũng tăng lên trong đường ruột của những loài chim này.
Các hạt vi nhựa - sinh ra trong quá trình các sản phẩm nhựa phân hủy trong môi trường, thường xâm nhập trực tiếp hoặc gián tiếp vào hầu hết các chuỗi thức ăn của động vật.
Hạt vi nhựa có thể được tìm thấy ở mọi ngóc ngách, từ đáy đại dương sâu thẳm cho tới đỉnh núi Everset - "nóc nhà của Trái đất". Hạt vi nhựa còn được phát hiện trong máu, sữa và nhau thai người.
Nghiên cứu mới củng cố cho các kết quả nghiên cứu trước đó rằng việc thường xuyên tiêu hóa các hạt vi nhựa gây mất cân bằng hệ vi sinh trong dạ dày.
Hiện vẫn chưa có nhiều thông tin về những tác động của các loại vi khuẩn tới cơ thể nhưng nhìn chung ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra tác hại của hạt vi nhựa tới sức khỏe của động vật.
Các hạt phân tử nhựa có đường kính chưa đến 5 mm có thể khiến các tế bào chết đi và gây ra các phản ứng dị ứng ở con người.
Các tác giả nghiên cứu hy vọng những kết quả tìm kiếm trên ở loài chim biển sẽ thúc đẩy nghiên cứu về tác động ở người.