Nghiên cứu hợp chất bromophenols từ rong biển: Tiềm năng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học 'Nghiên cứu thu nhận và tinh sạch hợp chất bromophenols từ một số loài rong tại vùng biển Khánh Hòa' do Tiến sĩ Nguyễn Thế Hân - Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Khánh Hòa vừa tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Nghiên cứu thu nhận và tinh sạch hợp chất bromophenols từ một số loài rong tại vùng biển Khánh Hòa” do Tiến sĩ (TS) Nguyễn Thế Hân - Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm.
Theo TS Nguyễn Thế Hân, hợp chất bromophenols được các nhà khoa học đánh giá có nhiều hoạt chất sinh học quý, có tiềm năng lớn trong y dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Hợp chất này có nhiều trong rong biển. Trong khi đó, vùng biển của Khánh Hòa và nhiều vùng biển khác của Việt Nam có nguồn lợi rong biển phong phú nên việc nghiên cứu thu nhận và tinh sạch được bromophenols là cần thiết.
Để thực hiện đề tài, TS Hân và cộng sự đã sử dụng các thiết bị, phương pháp hiện đại, phức tạp. Kết quả, đề tài đã xác định hàm lượng bromophenols/polyphenols tổng số của các loài rong. Nhìn chung, các loài rong đỏ có hàm lượng cao hơn rong nâu và rong lục. Đề tài đã tiến hành tối ưu hóa điều kiện làm khô, tách chiết để thu nhận bromophenols/polyphenols từ một số loài rong tiềm năng. Đề tài cũng đã xây dựng được quy trình tách chiết, tinh sạch bromophenols và một số chất liên quan, với hiệu suất và độ tinh khiết đạt lần lượt trên 70 và 90%. Trong các chất tách chiết được từ bromophenols và sesquiterpenes có chứa các hoạt chất chống ung thư và tiêu diệt vi sinh vật gây bệnh trên các loài thủy sản.
Phó Giáo sư, TS Phạm Việt Cường - Viện Nghiên cứu Khoa học miền Trung, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - thành viên Hội đồng phản biện nhận xét: Công trình đạt kết quả tốt mọi mặt, từ phương pháp nghiên cứu, tổng quan đến bố trí sơ đồ, phụ lục dễ hiểu, dễ thuyết phục. Phương pháp nghiên cứu tiên tiến, khoa học, sử dụng các mô hình toán học hiện đại, các thiết bị đo, kiểm tra tiên tiến. Việc xác định một hoạt chất trong vô số các hoạt chất từ tự nhiên là vô cùng khó và gian khổ nhưng công trình này đã làm được và làm tốt.
TS Hân kiến nghị, qua kết quả đề tài cần nghiên cứu thử nghiệm về hoạt tính chống oxy hóa, kháng tế bào ung thư và kháng khuẩn trên mô hình in vivo (thử nghiệm trên cơ thể sống) và đánh giá độc tính của các chất tinh sạch từ rong biển làm cơ sở cho các ứng dụng làm thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm. Đồng thời, thử nghiệm sản xuất một số sản phẩm thực phẩm chức năng từ chất tinh sạch từ rong biển sử dụng trong phòng, chống các bệnh liên quan đến quá trình oxy hóa; nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi trồng các loài rong tiềm năng để chủ động nguồn nguyên liệu và nâng cao hàm lượng các hợp chất có hoạt tính sinh học từ rong biển.
TS Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN, Chủ tịch Hội đồng KH-CN tỉnh nhận định, đề tài đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới với các hoạt chất từ rong biển có ứng dụng rộng rãi trong y học, dược học, mỹ phẩm… Sở KH-CN sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với tỉnh về hướng nghiên cứu ứng dụng nói trên.
Q.V