Nghiên cứu khoa học: 'Sân chơi' lý tưởng của sinh viên ĐH Kiểm sát Hà Nội
Dưới sự tổ chức của sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, sinh viên các trường đào tạo ngành Luật trên địa bàn TP Hà Nội đã viết bài và trình bày tham luận tại Hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học liên trường về chủ đề ' Quyền nhân thân liên quan đến các giá trị tinh thần của con người'.
Câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học trường Đại học Kiểm sát Hà Nội vừa tổ chức buổi Hội thảo sinh viên nghiên cứu khoa học liên trường về chủ đề “ Quyền nhân thân liên quan đến các giá trị tinh thần của con người”.
Đây là một trong những chương trình nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày pháp luật Việt Nam 9/11 và ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của Đoàn Thanh niên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Hội thảo có sự tham gia của cô Đàm Thị Diễm Hạnh - Trưởng khoa Pháp luật dân sự và kiểm sát dân sự (Chủ trì hội thảo), TS Đinh Hoàng Quang - Bí thư Đoàn thanh niên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, thầy Trần Sỹ Dương - Phó Bí thư Đoàn Thanh niên, cô Hoàng Thị Bích Ngọc - Ủy viên BCH Đoàn trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Đại úy Lê Quỳnh Mai - giảng viên Học viện An ninh nhân dân, thượng úy Lê Minh Phương - thường vụ Đoàn thanh niên Học viện An ninh nhân dân.
Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia viết bài và trình bày tham luận của sinh viên các trường đào tạo luật trên địa bàn TP Hà Nội như Đại học Luật Hà Nội, Học viện An ninh nhân dân, Học viện Tòa án, Học viện Ngoại giao, Đại học Kiểm sát Hà Nội.
Hội thảo là chương trình nghiên cứu khoa học đầu tiên mà sinh viên trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đứng ra làm đầu mối tổ chức dưới sự cố vấn của khoa Pháp luật dân sự và kiểm sát dân sự.
Đồng thời, đây cũng là chương trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học trường Đại học Kiểm sát Hà Nội có tính chất “liên trường”, thể hiện sự năng động, sáng tạo của sinh viên câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học.
Bạn Đoàn Hoàng Yến - Chủ nhiệm câu lạc bộ Sinh viên nghiên cứu khoa học trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trưởng ban tổ chức hội thảo cho biết “Các bạn sinh viên thường quan niệm rằng nghiên cứu khoa học là một điều gì đó rất vĩ mô và khó khăn mà không biết rằng thực ra việc nghiên cứu bắt nguồn từ những việc rất nhỏ như viết một tham luận trình bày tại hội thảo.
Chính vì vậy, mình muốn tạo ra một “sân chơi” để giúp các bạn sinh viên hiểu được phần nào về công việc nghiên cứu, rèn luyện tư duy pháp lý, trình bày vấn đề”.
Xuyên suốt buổi hội thảo, sinh viên tại các cơ sở đào tạo Luật trên địa bàn TP Hà Nội đã trình bày những góc nhìn đa chiều của mình về vấn đề: “Quyền nhân thân liên quan đến các giá trị tinh thần của con người” bằng những tham luận chất lượng như: quyền nhân thân đối với các giá trị tinh thần của con người trong BLDS Việt Nam (thành viên câu lạc bộ Sinh viên NCKH trường Đại học Kiểm sát Hà Nội); quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ( đại diện trường Đại học Luật Hà Nội); quyền của cá nhân đối với hình ảnh trong cách mạng công nghệ 4.0 (đại diện trường Học viện Ngoại giao); quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (đại diện Học viện Tòa án); cơ chế bảo vệ quyền nhân thân trong pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay (đại diện Học viện An ninh nhân dân),...
Không chỉ trình bày những góc nhìn đa chiều, sinh viên các trường còn cùng tranh luận để làm rõ những vấn đề bất cập khi thực thi các quyền và đưa ra những giải pháp hoàn thiện. Buổi hội thảo diễn ra trong không khí sôi nổi, hào hứng.
Đánh giá về buổi hội thảo, cô Đàm Thị Diễm Hạnh - trưởng khoa pháp luật dân sự và kiểm sát dân sự nhận định: “Đây là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực cho đoàn viên trong vấn đề nâng cao năng lực nghiên cứu học thuật”.
Còn cô Hoàng Thị Bích Ngọc - ủy viên BCH Đoàn trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cho rằng, chương trình không chỉ có ý nghĩa về mặt học thuật mà còn có ý nghĩa trong việc đẩy mạnh sự liên kết trong cộng đồng khối sinh viên luật”.