Nghiên cứu kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Sẽ có đề án về cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của hơn 600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Từ nay đến cuối năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ tập trung tham mưu xây dựng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư các đề án: Quy trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy trình xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy trình giải quyết tố cáo đối với tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý; Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đây là thông tin mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương cung cấp cho báo chí, liên quan đến hội nghị toàn quốc ngành kiểm tra Đảng, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm mà cơ quan này tổ chức sáng nay, 10-7.

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Phạm Cường

Lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Phạm Cường

Trong các đề án trên, cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là nội dung khó nhưng rất cần thiết, khi đặt trong bối cảnh mới của việc tổ chức thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.

Một nội dung rất mới của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và hiện đang ở năm thứ hai triển khai về mặt Nhà nước là xác minh TSTN. Quy định này được đặt trong mục về “kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị” – cũng là bước phát triển so với Luật PCTN trước đó, vốn chưa đặt ra yêu cầu “kiểm soát”.

Nội dung kiểm soát TSTN theo luật này gồm bốn mảng chính: Thiết lập hệ thống các cơ quan thực hiện chức năng kiểm soát TSTN; quy định khoa học hơn về kê khai TSTN; xác minh TSTN trong đó điểm nhấn là xác minh hàng năm; và xây dựng cơ sở quốc gia về kiểm soát TSTN.

Những quy định nêu trên của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 phần nào đã vượt qua quy định của Đảng. Trong đó, với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, quy định gần đây nhất là PLO được biết là Quy định số 85-QĐ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị.

Văn bản này có nội dung tương đồng với Luật Phòng, chống tham nhũng thời điểm đó, khi chưa đặt ra yêu cầu về kiểm soát TSTN của người có chức vụ, quyền hạn trong toàn bộ hệ thống chính trị. Vậy nên, nội dung chỉ là về thực hiện kiểm tra, giám sát việc kê khai TSTN.

Bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

Bốc thăm lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2022, thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ.

Trong lúc Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang nghiên cứu, xây dựng đề án về cơ chế kiểm soát TSTN của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì việc triển khai Luật PCTN vẫn phải thực hiện. Trong đó, 2023 này là năm đầu tiên khởi động việc kiểm soát TSTN với số cán bộ cấp cao.

Từng bước thận trọng, chặt chẽ, công việc này được triển khai trên cơ sở không chỉ Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 130, mà còn bám sát Quy chế 56 do Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 2-2022, cũng như các văn bản hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương – cơ quan thực hiện chức năng kiểm soát TSTN của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đến thời điểm này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp nhận 1.702 bản kê khai TSTN, bao gồm kê khai lần đầu, kê khai hàng năm và kê khai bổ sung. Đã kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản thu nhập đối với 50 trường hợp, trong đó 05 trường hợp có vi phạm, phải thi hành kỷ luật.

Kết quả công tác này sẽ được tổng hợp để Chính phủ đưa vào báo cáo cuối năm về công tác phòng, chống tham nhũng, trình Quốc hội.

Thực tiễn sinh động ấy sẽ là chất liệu phong phú để Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng đề án, dự kiến trình Bộ Chính trị tháng 12 tới, với đối tượng kiểm soát là TSTN của khoảng hơn 600 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Các chức danh do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý

Theo Quy định 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý gồm các nhóm sau:

Tại các cơ quan trung ương là từ phó trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương trở lên; phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trở lên, phó trưởng các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương trở lên cũng như bí thư thường trực Trung ương Đoàn; phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội và tương đương trở lên; thẩm phán TAND Tối cao, kiểm sát viên VKSND Tối cao trở lên; thứ trưởng, phó thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trở lên; ủy viên UBKT Trung ương; trợ lý của các vị lãnh đạo chủ chốt, của Thường trực Ban Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của phó chủ tịch nước, phó thủ tướng, phó chủ tịch Quốc hội.

Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM; tổng giám đốc BHXH Việt Nam; trưởng Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước.

Tại địa phương, các chức danh từ phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong quân đội, công an, từ thứ trưởng, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, phó tổng tham mưu trưởng, chính ủy, tổng cục trưởng, chủ nhiệm tổng cục; từ phó chính ủy, phó tư lệnh quân khu, quân chủng và tương đương, chính ủy, giám đốc Học viện Quốc phòng trở lên.

Ước tính, tổng số cán bộ cấp cao này khoảng hơn 600 người.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghien-cuu-kiem-soat-tai-san-thu-nhap-cua-can-bo-dien-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-quan-ly-post741622.html