Nghiên cứu lưỡng dụng góp phần tháo gỡ vướng mắc cơ chế KHCN
Tích cực triển khai các chương trình, nhiệm vụ khoa học, công nghệ (KHCN) lưỡng dụng (phục vụ cả quân sự lẫn dân sự) sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc cơ chế hiện nay để KHCN thực sự là 'quốc sách hàng đầu'.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh điều này tại Hội nghị định hướng nghiên cứu KHCN trong Bộ Quốc phòng, ngày 12/11, tại Hà Nội.
Cùng dự có Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thượng tướng Phan Văn Giang Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo một số bộ ngành Trung ương, các đơn vị trong Quân đội.
Giai đoạn 2011-2020, công tác nghiên cứu KHCN quân sự có những bước phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Công tác nghiên cứu KHCN đã bám sát yêu cầu của nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, sự phát triển của nghệ thuật quân sự, yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”. Nội dung nghiên cứu tập trung trên 3 hướng chính: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo mới vũ khí, trang bị; bảo đảm kỹ thuật, khai thác làm chủ vũ khí, trang bị công nghệ cao; cải tiến hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có.
Hằng năm quân đội đã huy động hàng nghìn nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện nâng cao mặt bằng trình độ KHCN quân sự, xây dựng đội ngũ cán bộ KHCN có trình độ cao trên các lĩnh vực.
Các viện, trung tâm nghiên cứu đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đang tích cực chuẩn bị để thực hiện cơ chế tự chủ.
Khối DN, nhà máy quốc phòng đã tích cực nghiên cứu, phát triển KHCN; tiếp thu, nhận chuyển giao công nghệ trong nước và nước ngoài để sản xuất vũ khí, trang bị. Bước đầu xây dựng được mô hình DN quân đội tham gia nghiên cứu khoa học, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Ngoài việc phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, nhiều kết quả có tính lưỡng dụng đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tham gia phát triển thị trường KHCN trong nước như sản phẩm thuộc các ngành: Y học quân sự, công nghệ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, chế tạo máy, cơ khí động lực…
Giai đoạn 2021-2025, Bộ Quốc phòng xác định tập trung thực hiện một số nhiệm vụ KHCN chủ yếu: Nghiên cứu xu hướng phát triển vũ khí, trang bị kỹ thuật của các nước trên thế giới; các giải pháp chế áp, vô hiệu hóa, hạn chế uy lực, tính năng đối với một số chủng loại vũ khí, trang bị công nghệ cao của đối phương; nâng cao năng lực nghiên cứu thiết kế, chế tạo, cải tiến hiện đại hóa, khai thác làm chủ và bảo đảm kỹ thuật đối với các loại vũ khí, trang bị; tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy nhanh chuyển đổi các tổ chức nghiên cứu KHCN trong các lĩnh vực có tính lưỡng dụng. Tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu, học viện, nhà trường… theo mô hình tiên tiến của khu vực và thế giới. Hình thành các trung tâm nghiên cứu hiện đại trong các lĩnh vực ưu tiên. Đẩy mạnh liên kết giữa các viện nghiên cứu, nhà trường và đơn vị để phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia, khu vực.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các đối tác chiến lược về lĩnh vực KHCN, mở rộng hợp tác song phương, đa phương. Nghiên cứu thí điểm mô hình trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hiện đại liên kết với nước ngoài. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tổ chức KHCN ngoài quân đội đối với việc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực KHCN.
Tiếp tục quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu KHCN, phấn đấu có các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực.
Phát biểu lại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Quốc phòng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về nghiên cứu KHCN quân sự. Những thành tựu trong thực hiện nhiệm vụ KHCN đã đáp ứng cơ bản yêu cầu làm chủ trang thiết bị mới và cũ; nâng cấp, cải tiến, sửa chữa trang thiết bị ở các cấp độ trong quân đội.
Đặc biệt, quân đội đã có các công trình nghiên cứu, tiếp thu học hỏi các công nghệ tiên tiến để làm chủ nhiều lĩnh vực khó với trình độ kỹ thuật cao, một số công nghệ ngang tầm thế giới. Các cơ sở nghiên cứu đã có gắn kết với sản xuất, cơ chế hợp tác chính thức và phi chính thức được đẩy mạnh... Những kết quả đáng khích lệ này đã góp phần nâng cao uy tín của đội ngũ nghiên cứu KHCN của quân đội.
Phó Thủ tướng đồng ý với một số kiến nghị của Bộ Quốc phòng như: Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề tài liên quan đến các sản phẩm, mục tiêu ưu tiên; đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; khuyến khích các đơn vị ngoài quân đội tham gia nghiên cứu phục vụ quốc phòng; đổi mới cơ chế tài chính để sản xuất các sản phẩm lưỡng dụng…
Bộ Quốc phòng cũng đề xuất Chính phủ cho phép mở mới một số chương trình, đề án, nhiệm vụ KHCN có tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong giai đoạn 2021-2025.
Dành thêm thời gian nói về các nhiệm vụ nghiên cứu KHCN mang tính lưỡng dụng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới cơ chế quản lý kinh phí nghiên cứu khoa học; có cơ chế kinh tế khuyến khích các DN đầu tư vào KHCN trong ngắn hạn và dài hạn sẽ được hưởng lợi ích vật chất trực tiếp (thuế, tài chính, đất đai) và cả tinh thần thông qua các hình thức tôn vinh… Vì vậy, những chương trình, đề tài “hạt nhân” của khoa học kỹ thuật quân sự, khoa học lưỡng dụng sẽ góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế quản lý hoạt động nghiên cứu KHCN hiện nay.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&CN, Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan xây dựng, lựa chọn những chương trình, nhiệm vụ KHCN lưỡng dụng, đặc biệt là những ngành tiềm năng của cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó chú trọng không gian mạng và không gian vũ trụ.
“Làm chủ KHCN, tiến tới làm ra các sản phẩm mới phục vụ quốc phòng, an ninh và cho phát triển kinh tế-xã hội phải bằng việc cụ thể và đột phá từ quân đội. Các đồng chí chọn việc, chọn nhiệm vụ, xây dựng cơ chế điều phối mang màu sắc 'kỷ luật là sức mạnh', chỉ đạo thực hiện thống nhất các đơn vị trong quân đội và dân sự, đi cùng với đó là cơ chế bảo đảm tài chính đặc thù, theo tinh thần chỉ quản kết quả nghiên cứu cuối cùng”, Phó Thủ tướng nói.