Nghiên cứu mô hình nhà vệ sinh công cộng các nước để áp dụng ở TP.HCM

Có nhiều nhà vệ sinh công cộng hiện nay đã xây dựng từ lâu, mẫu mã lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn và chưa phù hợp, hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan và kiến trúc hiện đại của TP.

UBND TP.HCM vừa ban hành đề án cải thiện số lượng và chất lượng nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2024-2025.

 Nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận 11, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận 11, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Số lượng NVSCC tăng

Theo đó, UBND TP giao các sở, ngành, UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao trong đề án.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các Sở ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp đến Sở TN&MT để tổng hợp, tham mưu trình UBND TP.HCM xem xét, giải quyết theo quy định.

Trước đó, theo Sở TN&MT, hiện nay trên địa bàn TP có khoảng 2.165 NVSCC, tăng 2.022 NVSCC so với thời điểm thống kê năm 2018.

Trong đó, tại các khu vực công cộng như các bến xe, bến thủy, nhà ga, vỉa hè... có 283 NVSCC. Ngoài ra còn có 1.882 cơ sở kinh doanh, dịch vụ đồng ý cho người dân sử dụng NVSCC.

"Có nhiều NVSCC hiện nay đã xây dựng từ lâu, mẫu mã lạc hậu, chưa đạt tiêu chuẩn và chưa phù hợp, hài hòa với thiên nhiên, cảnh quan và kiến trúc hiện đại của TP.

Nhiều đối tượng sử dụng NVSCC không đúng mục đích; không giữ gìn chất lượng vệ sinh và trang thiết bị sau khi sử dụng; có hành vi vệ sinh bừa bãi xung quanh NVSCC, chưa được dọn dẹp và vệ sinh kịp thời gây phát sinh mùi hôi, mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

"Có nhiều NVSCC đã xuống cấp, thậm chí hư hỏng nặng không còn sử dụng được, các trang thiết bị trong NVSCC bị hư hỏng, bị mất cắp"- Sở TN&MT đánh giá.

Chính vì vậy, đề án trên đã đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện số lượng và chất lượng NVSCC để phục vụ khách du lịch, người dân trên địa bàn TP.

Cụ thể là tiếp tục rà soát, kiến nghị bổ sung và kịp thời thay thế các quy định, cơ chế, chính sách đã lạc hậu để thúc đẩy, hỗ trợ cho việc xây dựng mới và cải tạo, nâng cao chất lượng NVSCC bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hoặc nguồn kinh phí khác.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho người dân, khách du lịch sử dụng nhà vệ sinh để thực hiện bảo trì, bảo dưỡng và hỗ trợ các chi phí phát sinh khác.

Tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch và triển khai nâng cấp, cải tạo các NVSCC hiện hữu đã xuống cấp, hư hỏng tại khu vực, địa điểm đang quản lý.

Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu các đơn vị công lập trên địa bàn có giải pháp phù hợp mở cửa cho khách du lịch, người dân sử dụng nhà vệ sinh tại đơn vị khi có nhu cầu.

TP tiếp tục tuyên truyền, vận động các chủ sở hữu, đơn vị quản lý, cơ sở kinh doanh, dịch vụ như: cây xăng, trung tâm văn hóa, trung tâm đào tạo, siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn... đồng ý cho khách du lịch, người dân được sử dụng nhà vệ sinh tại cơ sở của mình.

Theo nghiên cứu của Sở TN&MT TP, mô hình NVSCC của một số nước như sau:

Tại Úc, nhà nước bỏ ra ngân sách để xây dựng và lắp đặt NVSCC. Sau đó tổ chức đấu thầu cho các công ty tư nhân quản lý vận hành các NVSCC theo từng thành phố, từng bang (liên quan đến mẫu mã, thiết kế NVSCC chủ yếu do các đơn vị tư nhân phát triển và cung cấp thông qua đấu thầu.

Ở Pháp có gần 25.000 NVSCC ở khoảng 7.000 thị trấn và TP nhưng tập trung ở Paris các đô thị lớn; tất cả các dịch vụ vệ sinh công cộng được chính quyền Pháp trao cho tư nhân đấu thầu thực hiện, phần lớn sử dụng miễn phí.

Tại Nhật Bản, vừa chú trọng xây dựng các khu NVSCC với nhiều kiến trúc độc đáo do các kiến trúc sư danh tiếng thiết kế riêng như một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc và xây dựng. Đồng thời Nhật bản cũng chú trọng đến các kiosk tiện ích kèm theo cabin vệ sinh tự động đặt ngay trên phố đông người.

Nguồn kinh phí xây dựng lắp đặt nhà vệ sinh từ tổ chức phi lợi nhuận NPO (NonProfit Organization), có nhiều tổ chức phi lợi nhuận trên toàn nước Nhật, lớn nhất là tổ chức phi lợi nhuận Nippon Foundation.

Các đơn vị này đảm nhận việc bỏ kinh phí xây dựng NVSCC, trả lương cao cho nhân viên vệ sinh, trả tiền điện nước và vật tư dụng cụ hóa chất dùng trong NVSCC, Nhà nước không kinh phí nào ngoài giải thưởng hàng năm trao cho các NVSCC đạt giải.

Tại Singapore, mô hình quản lý và đầu tư NVSCC ở Singapore cũng rất phát triển và có một số điểm tương đồng với Nhật Bản. Trong đó, chính quyền địa phương tại Singapore chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý và bảo trì các NVSCC (bao gồm các trung tâm thương mại, công viên, trạm xe buýt và các khu vực công cộng khác).

Bên cạnh việc huy động sự tham gia từ lĩnh vực tư nhân, Chính phủ Singapore cũng đầu tư mạnh vào việc xây dựng và duy trì các NVSCC (ngân sách này thường được sử dụng để nâng cấp, bảo trì cơ sở hạ tầng hiện có).

Lắp đặt nhiều NVSCC phục vụ miễn phí cho người dân

Được sự chấp thuận của UBND TP, UBND quận 1 đã chủ trì, phối hợp với các nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư các NVSCC (có kèm kiosk) theo hình thức xã hội hóa kể từ tháng 4-2023 đến nay.

Cụ thể, UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Tiên Phong thí điểm đầu tư hai NVSCC có kèm kiosk theo hình thức xã hội hóa tại các địa chỉ số 8-12 đường Lê Duẩn và số 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, các NVSCC phục vụ miễn phí đối với người sử dụng.

UBND quận 1 chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam thí điểm đầu tư hai NVSCC có kèm kiosk theo hình thức xã hội hóa tại các địa chỉ số 8 đường Nguyễn Trung Trực và Dự án Thương xá Tax tại số 135 đường Nguyễn Huệ (phía đường Pasteur).

Ngoài ra, thời gian qua UBND quận 7 cũng đã chủ trì, phối hợp với nhà đầu tư triển khai thí điểm đầu tư các NVSCC (có kèm kiosk) theo hình thức xã hội hóa kể từ năm 2023 cho đến nay tại đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng và đường Phú Thuận, phường Phú Thuận.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/nghien-cuu-mo-hinh-nha-ve-sinh-cong-cong-cac-nuoc-de-ap-dung-o-tphcm-post820207.html