Nghiên cứu mới: Covid-19 có thể đã bùng phát từ tháng 9
Các nhà khoa học giới hạn nguồn gốc bùng phát của đại dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ tháng 9-12/2019, có thể khởi đầu xa hơn về phía nam Trung Quốc chứ không phải Vũ Hán.
Đợt bùng phát lây nhiễm trên người đầu tiên của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) có thể đã xảy ra ở phía nam Trung Quốc chứ không phải thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung nước này, theo nhóm nghiên cứu quốc tế do Đại học Cambridge (Anh) dẫn đầu.
Các nhà khoa học đã điều tra nguồn gốc của virus, phân tích các mẫu virus trên khắp thế giới và tính toán mốc thời gian đại dịch Covid-19 bắt đầu. Họ xác định đợt bùng phát đầu tiên có thể đã xảy ra vào một thời điểm giữa ngày 13/9 và ngày 7/12/2019.
Đi tìm cột mốc số 0
"Virus có thể đã đột biến và đạt đến biến thể cuối cùng để truyền nhiễm hiệu quả trên người trước đó vài tháng. Tuy nhiên, nó ở yên trong cơ thể một con dơi, một loài vật nào đó hoặc thậm chí là một người nào đó trong vài tháng trước khi bắt đầu nhảy sang những cá thể khác", Peter Foster, chuyên gia nghiên cứu di truyền Đại học Cambridge, ngày 16/4 nhận định.
"Sau đó, virus bắt đầu truyền nhiễm và lây lan từ người sang người khoảng từ 13/9 đến 7/12, tạo ra một mạng lưới mà chúng tôi trình bày trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS)", ông cho biết.
Nhóm chuyên gia đã phân tích các mẫu virus bằng một mạng lưới phát sinh chủng loài (cây phả hệ loài). Họ thông qua thuật toán di truyền học và nghiên cứu đột biến gen để lập bản đồ sự phát sinh của chủng virus trên toàn cầu, theo South China Morning Post.
Cũng dựa vào phương pháp nghiên cứu đường phát tán của virus dựa trên hiện tượng đột biến, các nhà khoa học đang tìm cách ước tính vị trí xuất hiện "bệnh nhân số 0" của đại dịch toàn cầu. Nhóm hy vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp Trung Quốc.
Những dấu vết duy truyền đầu tiên hướng nhóm tập trung đến khu vực phía nam Vũ Hán.
"Nếu tôi buộc phải trả lời lúc này, tôi sẽ nói đợt lây nhiễm gốc có khả năng bắt đầu ở miền Nam Trung Quốc cao hơn Vũ Hán. Nhưng để chứng minh điều này, chúng ta cần phân tích thêm nhiều mẫu dơi, các loài vật khác có tiềm năng là vật chủ, và mẫu xét nghiệm được các bệnh viện Trung Quốc lưu giữ từ tháng 9-12", Foster cho biết.
Virus ở Trung Quốc lại "trẻ" hơn virus ở Mỹ
Nhóm nghiên cứu của Cambridge thu hút sự quan tâm quốc tế với bài viết khoa học về lịch sử tiến hóa của chủng virus SARS-CoV-2 đăng trên PNAS vào tháng 4.
Các nhà khoa học phát hiện phần lớn chủng nòi (strain) virus ở Australia và Mỹ về mặt di truyền có quan hệ gần hơn với virus corona được tìm thấy trên loài dơi. Chủng đang lây nhiễm ở Đông Á có quan hệ xa hơn với virus corona trên dơi. Trong khi đó, phần lớn biến chủng ở châu Âu lại là "hậu duệ" của chủng lây lan rộng khắp Đông Á.
Foster cho rằng chủng SARS-CoV-2 đầu tiên có thể đã khởi phát ở Trung Quốc nhưng có khả năng thích nghi tốt hơn với đặc điểm dân cư và môi trường tại Mỹ. Vì vậy, biến chủng virus ở Mỹ "già hơn" và gần với phiên bản gốc trên loài dơi hơn chủng lây lan mạnh ở khu vực Đông Á.
Tuy nhiên, bài viết cho biết nhóm nghiên cứu chỉ mới phân tích được 160 chủng SARS-CoV-2 được thu thập từ cuối tháng 12/2019. Lượng mẫu hạn chế khiến các nhà khoa học khó xác định được chính xác thời điểm và địa điểm bùng phát xảy ra lần đầu tiên.
Trong nghiên cứu mới nhất, còn đang chờ phản biện, Foster và các cộng sự từ nhiều viện nghiên cứu khác nhau, trong đó có Viện Pháp y Di truyền học ở Đức, đã mở rộng cơ sở dữ liệu. Họ đưa vào nghiên cứu thêm 1.001 mẫu gen được giải trình tự ở chất lượng cao của SARS-CoV-2 được các nhà khoa học trên toàn cầu công bố thời gian qua.
Càng nhiều mẫu nghiên cứu, nhóm càng xác định chính xác hơn thời gian và địa điểm đại dịch bắt đầu. Thông qua phương pháp "đếm" đột biến, các nhà khoa học tiến gần hơn đến mục tiêu xác định thời điểm "bệnh nhân số 0" nhiễm mầm bệnh có họ hàng gần nhất với virus corona trên loài dơi.
Tuy nhiên, theo Su Bing, nhà nghiên cứu di truyền học tại Viện Động vật học Côn Minh, tỉnh Vân Nam, phương pháp mạng lưới phát sinh chủng loài có một số hạn chế khi áp dụng để vẽ lại con đường lây lan của dịch bệnh.
Ông lập luận đại dịch Covid-19 là đợt bùng phát lây nhiễm chưa từng có tiền lệ nên virus SARS-CoV-2 có thể đã trải qua nhiều biến đổi với mô hình nằm ngoài khả năng dự đoán.
"Không thể hoàn toàn chính xác. Sẽ luôn có dung sai. Nghiên cứu này có thể mở ra nhiều manh mối quan trọng cho các điều tra trong tương lai, nhưng cần nhìn nhận những kết luận đó một cách cẩn thận", ông đánh giá.