Nghiên cứu mới: Đứng cách 50cm vẫn nhiễm Omicron dù đeo khẩu trang

Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

* Biến thể "Omicron tàng hình" xuất hiện ở nhiều quốc gia châu Phi

Kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy một người có khả năng mắc bệnh COVID-19 khi nói chuyện với người mang biến thể Omicron trong khoảng cách 50cm ngay cả khi cả hai đều đeo khẩu trang.

Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở phân tích các chùm ca nhiễm trước đây. Để tìm hiểu về khả năng lây lan của biến thể Omicron, các nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng siêu máy tính Fugaku để mô phỏng sự lây lan của các giọt bắn có chứa biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, với giả định rằng biến thể này có khả năng lây lan cao hơn 50% so với biến thể Delta.

Kết quả phân tích của siêu máy tính Fugaku cho thấy nguy cơ nhiễm bệnh là gần như bằng 0 nếu một người đeo khẩu trang nói chuyện khoảng 15 phút trong khoảng cách từ 1m trở lên với một người nhiễm biến thể Omicron đeo khẩu trang. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh sẽ tăng lên khoảng 14% khi họ nói chuyện trong khoảng cách 50cm.

Trong trường hợp người nhiễm biến thể Omicron không đeo khẩu trang, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên khoảng 60% nếu họ đứng hoặc ngồi cách nhau khoảng 1m và gần 100% nếu họ đứng hoặc ngồi cách nhau dưới 50cm.

Trong trường hợp họ ngồi gần nhau tại một sự kiện, nguy cơ lây nhiễm sẽ là 40% ngay cả khi cả hai đều mang khẩu trang. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên 50% đối với những người ngồi gần đó nếu người nhiễm bệnh không đeo khẩu trang.

Với các kết quả này, giới nghiên cứu Nhật Bản khuyến cáo việc duy trì khoảng cách đủ lớn khi tiếp xúc sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron.

Ông Makoto Tsubokura, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh ngoài việc đeo khẩu trang, điều quan trọng là phải để ý tới thời gian và khoảng cách khi tương tác hoặc nói chuyện với người khác.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ lây nhiễm trong lớp học sẽ thấp nếu mọi học sinh và giáo viên đều đeo khẩu trang và giữ khoảng cách đủ lớn. Ngoài ra, có thể cho phép học sinh nghỉ giữa giờ thường xuyên hơn để giảm số lượng giọt bắn gia tăng trong không gian sau các tiết học.

* Ngày 3/2, tiến sĩ Nicksy Gumede-Moainsti, nhà khoa học tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2) - được gọi là "Omicron tàng hình", đã xuất hiện tại 5 quốc gia châu Phi.

Bà đồng thời bày tỏ lo ngại việc các phương pháp xét nghiệm hiện nay có thể sẽ không phát hiện được BA.2. Phát biểu họp báo trực tuyến, tiến sĩ Gumede-Moainsti nêu rõ BA.2 đã được báo cáo ở 5 nước châu Phi gồm Botswana, Kenya, Malawi, Senegal và Nam Phi.

Bà cho biết biến thể "tàng hình" này của Omicron rất khó phát hiện vì không phải lúc nào cũng có thể sử dụng phương pháp xét nghiệm gene mục tiêu được phát triển để nhận diện biến thể Omicron và các biến thể khác trước đó.

Hiện WHO đang nỗ lực phối hợp với các phòng thí nghiệm để phân tích thêm các mẫu được xác định không phải là biến thể Omicron nhằm hiểu sâu hơn về sự lây truyền của BA.2.

Biến thể phụ BA.2 đã bắt đầu thay thế biến thể ban đầu của Omicron (BA.1) trở thành biến thể chủ đạo ở một số nước, trong đó có Đan Mạch. Dữ liệu tại Đan Mạch cho thấy không có sự khác biệt về mức độ gây bệnh của hai biến thể phụ này.

Theo các kết quả nghiên cứu gần đây, BA.2 có khả năng lây lan gấp 1,5 lần so với phiên bản BA.1. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cho thấy biến thể phụ này có thể dễ dàng tránh được sự bảo vệ của vắc xin.

Trước đó, bản cập nhật dịch tễ học hàng tuần công bố ngày 1/2, WHO thông báo BA.2 đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới. Omicron có các biến thể phụ gồm BA.1, BA.1.1, BA.2 và BA.3.

Trong đó, số liệu từ cơ sở dữ liệu GISAID cho thấy BA.1 và BA.1.1 hiện chiếm hơn 96% tổng số mẫu nhiễm Omicron được giải trình tự gene.

Đặc biệt, số ca nhiễm biến thể BA.2, phiên bản "tàng hình" của Omicron do khó bị phát hiện trong các xét nghiệm PCR, đang gia tăng nhanh chóng.

T.LÊ (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/270541/nghien-cuu-moi--dung-cach-50cm-van-nhiem-omicron-du-deo-khau-trang.html