Nghiên cứu mới giúp giảm nhu cầu thay thế răng giả

Trong tương lai, những bộ răng giả hoặc các biện pháp cấy ghép có thể không còn cần thiết nhờ công nghệ nuôi cấy răng trong phòng thí nghiệm.

Ảnh minh họa: Đan Phương

Ảnh minh họa: Đan Phương

Theo các chuyên gia, những răng mới được phát triển từ tế bào răng khôn kết hợp với tế bào răng lợn có thể được nuôi dưỡng trong phòng thí nghiệm và cấy vào hàm để thay thế răng bị mất.

Theo giáo sư Pamela Yelick, chuyên gia chỉnh nha tại Đại học Tufts (Boston, Mỹ), công nghệ nuôi cấy răng nhân tạo có thể được ứng dụng rộng rãi trong vòng 20 năm tới.

Bà cho biết có rất nhiều tiến bộ đang diễn ra trong công nghệ, kỹ thuật mô, y học tái tạo và nha khoa và tất cả chúng đều hỗ trợ lẫn nhau. “Tôi hoàn toàn tin rằng việc tái tạo răng người là có thể. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được điều này khi tôi còn sống, mặc dù tôi đã ngoài 60 tuổi”, bà Yelick phát biểu tại hội nghị thường niên của Hiệp hội tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS).

Trong nghiên cứu gần đây được đăng trên tạp chí Stem Cells Translational Medicine, các nhà khoa học đã nuôi cấy thành công răng có cấu trúc tương tự như răng người trong cơ thể lợn. Những răng lai giữa người và lợn đã được cấy ghép vào hàm của lợn thí nghiệm, nơi chúng phát triển hoàn chỉnh trong chưa đầy 4 tháng.

Các tác giả viết trong bài báo rằng: "Nghiên cứu được trình bày ở đây xác nhận liệu pháp thay thế răng sinh học có tiềm năng ứng dụng lâm sàng để sử dụng cho con người".

Theo số liệu chính thức, mỗi người Anh trên 75 tuổi bị mất trung bình 10 chiếc răng và 10% người trưởng thành gặp vấn đề với các biện pháp trám hoặc làm cầu răng, điều thường gây khó chịu.

Giáo sư Yelick nhấn mạnh rằng răng nuôi cấy sẽ mang lại cảm giác tự nhiên hơn so với răng cây ghép bán công nghiệp do chúng giữ được hệ thống thần kinh và tuần hoàn. "Chúng tôi dùng tế bào từ răng khôn đã nhổ bỏ, nuôi dưỡng chúng trong phòng thí nghiệm để nhân lên hàng chục triệu tế bào. Sau đó, chúng tôi đặt chúng lên các giá đỡ sinh học có thể phân hủy và để chúng tự phát triển thành tế bào răng. Ngay cả sau khi lấy tế bào ra, đông lạnh, rã đông và lắp lại, chúng vẫn nhớ phải làm gì và cách hình thành những chiếc răng nhỏ xíu”.

Phòng thí nghiệm bắt đầu quá trình phát triển của răng trước khi răng tiếp tục phát triển thành hình dạng và kích thước đầy đủ trong nướu của người nhận.

Hiện nay, giáo sư Yelick đã thành lập công ty Regendodent tại Boston để biến các nghiên cứu khoa học thành sản phẩm thương mại.

Phúc Toàn/Báo Tin tức (Theo independent)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-doi-song/nghien-cuu-moi-giup-giam-nhu-cau-thay-the-rang-gia-20250218101330464.htm