Nghiên cứu mới: Hiệu quả chống Omicron của Sputnik V cao hơn Pfizer
Nghiên cứu từ nhóm chuyên gia tại Italy và Nga cho thấy 100% người được tiêm hai liều vaccine Sputnik V có kháng thể vô hiệu hóa biến chủng Omicron.
Một nghiên cứu sơ bộ trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra mức độ kháng thể trung hòa biến chủng Omicron ở những người được tiêm vaccine Sputnik V không giảm nhiều như ở nhóm được tiêm Pfizer. Nghiên cứu được công bố trên medrxiv ngày 19/1.
Theo Reuters, nghiên cứu do nhóm chuyên gia tại Viện Spallanzani (Italy) và Viện Gamaleya (Nga - nhà phát triển vaccine Sputnik V) thực hiện. Các tác giả so sánh huyết thanh của những người được tiêm hai loại vaccine Covid-19 là Sputnik V và Pfizer.
Họ thu thập mẫu của 68 tình nguyện viên (51 người tiêm Sputnik V, 17 người tiêm Pfizer) từ 3 đến 6 tháng sau khi họ tiêm liều vaccine Covid-19 thứ hai. Kết quả cho thấy mức độ kháng thể kháng lại biến chủng Omicron ở người được tiêm hai liều Sputnik V cao hơn so với nhóm được tiêm Pfizer.
Khả năng trung hòa virus, bảo vệ khỏi Omicron của Sputnik V giảm 8,1 lần so với chủng gốc từ Vũ Hán. Trong khi đó, con số này của hai liều vaccine Pfizer là giảm 21,4 lần. Ngoài ra, kháng thể trung hòa đặc hiệu Omicron được phát hiện trong huyết thanh của 74,2% người được tiêm Sputnik V và 56,9% người được tiêm Pfizer.
Các tác giả chứng minh Sputnik V vô hiệu hóa biến chủng Omicron hiệu quả bằng cách tạo ra những phản ứng kháng thể mạnh mẽ. 100% người được tiêm hai liều vaccine này kháng thể vô hiệu hóa biến chủng Omicron. Trong khi đó, chỉ 83,3% người nhận vaccine Pfizer có kháng thể làm được điều này.
Nghiên cứu thảo luận một số lý do khiến Sputnik V tạo ra kháng thể trung hòa virus mạnh hơn trước Omicron. Theo các tác giả, vaccine do Nga sản xuất tạo ra hàng loạt kháng thể chống lại các epitop khác nhau. Epitop hay yếu tố quyết định kháng nguyên (antigenic determinant) sẽ kết hợp với các sản phẩm để đáp ứng miễn dịch đặc hiệu.
Sputnik V cũng tạo ra phản ứng tế bào T mạnh mẽ và lâu dài, điều này được cho là sẽ giúp mang tới hiệu quả bảo vệ lâu dài chống lại nguy cơ nhập viện, nguy kịch ở những người nhiễm Omicron.
Trong khi đó, cơ chế của Pfizer là sử dụng protein Spike S ở dạng proline (α-amino acid được sử dụng trong quá trình sinh tổng hợp protein) ổn định, chủ yếu hướng tới các epitop cụ thể. Khi Omicron tác động làm thay đổi các epitop, Spike S khó có thể ứng biến cho phù hợp.
Ngoài ra, các tác giả cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm phòng nhắc lại mũi 3 trong tình hình dịch hiện nay.
Trước đó, Viện Gamaleya cũng công bố nghiên cứu sơ bộ cho thấy mũi tiêm nhắc lại của loại vaccine một liều Sputnik Light mang tới phản ứng kháng thể chống lại Omicron mạnh hơn so với hai liều Sputnik V đơn lẻ.
Đặc biệt, thử nghiệm tiêm trộn Sputnik Light với vaccine do AstraZeneca, Sinopharm, Moderna và Cansino sản xuất ở 5 tỉnh tại Argentina đã chứng minh phản ứng kháng thể, tế bào T tạo ra mạnh mẽ hơn nhiều lần so với phác đồ tiêm hai mũi vaccine cùng loại. Việc tiêm trộn Sputnik Light với vaccine khác mang tới hiệu giá kháng thể cao hơn vào ngày thứ 14 sau tiêm liều hai so với tiêm hai mũi cùng loại.
Đến nay, biến chủng Omicron đã khiến số ca mắc Covid-19 tại khu vực Tây Âu và Mỹ đạt đỉnh. Tại Nga, đây là lúc biến chủng mới bắt đầu tấn công và gây ra tình trạng ca mắc mới tăng vọt lên mức 33.000 - 38.000 trong vòng hai ngày trước.
Nga chính thức ghi nhận hơn 1.600 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron và đã huy động hệ thống y tế đối phó với tình trạng ca bệnh tăng cao.