Nghiên cứu mới: Những người ngủ ngáy có nhiều khả năng bị ung thư hơn
Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Thụy Điển, những người ngủ ngáy có thể tăng nguy cơ ung thư.
Các nhà khoa học cho biết ngáy ngủ có thể liên quan đến việc thiếu oxy mà người ngủ ngáy nhận được trong đêm.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp (OSA) là một chứng rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ mỗi năm với các biểu hiện như ngáy to, thở hổn hển và buồn ngủ vào ban ngày.
Hội chứng này khiến việc nhiều người bị rơi vào tình trạng liên tục bị ngừng thở trong suốt đêm. Các nhà nghiên cứu cho rằng đó có thể là một dấu hiệu của bệnh ung thư.
Các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ 62.811 bệnh nhân - 5 năm trước khi họ bắt đầu điều trị chứng OSA.
Các nhà nghiên cứu đã phân loại bệnh nhân thành hai nhóm. Một nhóm thuần tập là 2.093 bệnh nhân mắc chứng OSA và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trước khi có chẩn đoán OSA. Nhóm đối chứng bị OSA nhưng không bị ung thư.
Nghiên cứu đã đo lường số lần rối loạn nhịp thở mà bệnh nhân gặp phải khi ngủ và cho điểm họ trên chỉ số ngưng thở (AHI). Các nhà nghiên cứu cũng xem xét số lần nồng độ oxy trong máu giảm 3% trong ít nhất 10 giây mỗi giờ - chỉ số khử bão hòa oxy (ODI).
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng tính đến các yếu tố như kích thước cơ thể, các vấn đề sức khỏe khác và tình trạng kinh tế xã hội.
Mối liên quan giữa OSA và nguy cơ ung thư
Kết quả, bệnh nhân ung thư thường bị gián đoạn giấc ngủ nhiều hơn và bị chứng OSA ở thể nghiêm trọng hơn.
"Những bệnh nhân này được đo bằng chỉ số ngưng thở trung bình là 32 so với 30, và chỉ số khử bão hòa oxy là 28 so với 26. Trong phân tích sâu hơn về các phân nhóm, ODI cao hơn ở bệnh nhân ung thư phổi (38 so với 27) ung thư tuyến tiền liệt (28 so với 24) và u hắc tố ác tính (32 so với 25)" – Tiến sĩ Andreas Palm, cố vấn cao cấp tại Đại học Uppsala, Thụy Điển, người tham gia nghiên cứu trên cho biết.
Tiến sĩ Palm giải thích thêm: "Hiện chưa rõ liệu nguy cơ ung thư là do OSA hay do các yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư, chẳng hạn như béo phì, bệnh chuyển hóa tim và các yếu tố lối sống.".
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết nghiên cứu của họ vẫn chưa thể khẳng định OSA gây ung thư – mà có liên quan đến nguy cơ ung thư. Được biết, các yếu tố lối sống như hoạt động thể chất và sở thích ăn uống không được tính toán kỹ lưỡng trong nghiên cứu.
Do đó, nhóm nghiên cứu lên kế hoạch nghiên cứu thêm với số lượng bệnh nhân tăng lên và theo dõi họ theo thời gian.
Tiến sĩ Palm nói: "Mối liên hệ giữa OSA và ung thư ít được thiết lập hơn mối liên hệ với các bệnh về tim và mạch máu, kháng insulin, bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ. Do đó, cần có thêm nhiều nghiên cứu và chúng tôi hy vọng nghiên cứu của chúng tôi sẽ khuyến khích các nhà nghiên cứu khác nghiên cứu chủ đề quan trọng này".