Nghiên cứu mới phát hiện sự thật bất ngờ về khủng long bạo chúa
Sau khi phân tích gần 40 bộ xương khủng long bạo chúa (Tyrannosaurus) được tìm thấy trong hơn một thế kỷ qua, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra sự khác biệt và mở ra manh mối về 3 loài Tyrannosaurus khác nhau.
Từ trước đến nay, khủng long bạo chúa luôn được biết đến là một trong những loài động vật săn mồi to lớn và đáng sợ nhất từng sinh sống trên Trái Đất. Nhưng theo một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học Mỹ đã thừa nhận việc có khả năng có tới 3 loài Tyrannosaurus khác nhau chứ không phải một loài như thông tin từng biết trước đây.
Theo đó, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích 37 bộ xương khủng long bạo chúa được tìm thấy trong hơn 1 thế kỷ qua. Trong đó, bao gồm cả mẫu vật “Sue” – một bộ xương hoàn chỉnh của khủng long bạo chúa hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Field ở Chicago - và “AMNH 5027” - mẫu hóa thạch được tìm thấy tại Big Dry Creek, Montana vào năm 1908.
Sau quá trình phân tích, các nhà khoa học nhận thấy sự khác biệt về thể chất ở xương đùi cũng như cấu trúc răng và một số xương khác trên các mẫu vật.
Từ đây, các nhà khoa học Mỹ cho rằng, những mẫu vật có kích thước lớn hơn được tìm thấy nên được quy cho một loài mới được gọi là Tyrannosaurus imperator (thằn lằn bạo chúa hoàng đế). Trong khi đó, các mẫu vật nhỏ, mảnh mai hơn được gọi là Tyrannosaurus regina (nữ hoàng thằn lằn bạo chúa) còn loài còn lại T.rex có xương đùi chắc khỏe, nhưng khác biệt về cấu trúc răng.
Cụ thể, Tyrannosaurus imperator (thằn lằn bạo chúa hoàng đế) có đặc điểm xương đùi khỏe mạnh và có 2 răng cửa. Các nhà khoa học cho rằng, những kết cấu xương cùng răng này được thừa kế từ tổ tiên trước đó của chúng là tyrannosaurids.
Trong khi đó, Tyrannosaurus regina (nữ hoàng thằn lằn bạo chúa) có xương đùi mảnh mai hơn và 1 răng cửa. Còn Tyrannosaurus là những con cái khỏe mạnh, xương đùi to và chỉ có 1 răng cửa.
Tuy vậy, các nhà khoa học vẫn thừa nhận rằng, họ không thể loại trừ việc có sự khác biệt trong xương là do cấu tạo riêng của từng cá thể hoặc lưỡng hình giới tính không điển hình chứ không phải là loài riêng biệt. Đồng thời, họ cũng thừa nhận có khả năng địa điểm và đặc điểm lớp trầm tích nơi tìm thấy các mẫu vật có thể làm biến đổi cấu trúc của hóa thạch.
Hiện tại, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu thêm và có khả năng sẽ đưa ra câu kết luận chính xác nhất.
Trước đó, nhà cổ sinh vật học Gregory S. Paul – trưởng nhóm nghiên cứu cũng cho biết: “Dù có sự biến đổi bất thường về độ chắc khỏe của bộ xương giữa các mẫu vật và sự khác nhau ở răng trước, nhưng để có thể kết luận về việc có loài anh em trong chi Tyrannosaurus thì cần có thêm thời gian kiểm tra chuyên sâu và cả giải phẫu cũng như địa tầng.”