Nghiên cứu: Mục tiêu khí hậu trong thỏa thuận Paris đã quá xa vời
Nhiệt độ trung bình toàn cầu tiếp tục phá kỷ lục, làm dấy lên lo ngại rằng Trái đất đang xa vời mục tiêu giữ nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C theo thỏa thuận khí hậu Paris.
Hai nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Nature Climate Change vào ngày 10/2 cảnh báo về khả năng này, đồng thời nhấn mạnh sự cấp bách trong hành động khí hậu.
Một trong những nghiên cứu, do nhà khoa học Alex Cannon thuộc Cơ quan Môi trường và Biến đổi Khí hậu Canada thực hiện, cho thấy có từ 60% đến 80% khả năng thế giới đã vượt qua ngưỡng 1,5 độ, dựa trên dữ liệu nhiệt độ của 12 tháng liên tiếp. Nếu tình trạng này kéo dài 18 tháng, vi phạm thỏa thuận Paris gần như chắc chắn.
Nghiên cứu thứ hai, do nhà khoa học khí hậu Emanuele Bevacqua tại Trung tâm Helmholtz, Đức, dẫn đầu, đã xem xét các xu hướng ấm lên trong lịch sử và phát hiện ra rằng năm đầu tiên vượt ngưỡng nhiệt độ cũng nằm trong giai đoạn 20 mà mức trung bình đạt ngưỡng này
Điều này đồng nghĩa với việc nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, năm 2024 sẽ là một phần trong giai đoạn ấm lên lâu dài, báo hiệu bước ngoặt nguy hiểm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
![Ảnh minh họa: Unsplash](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_11_197_51449648/d1103db508fbe1a5b8ea.jpg)
Ảnh minh họa: Unsplash
Thỏa thuận Paris năm 2015 đặt ra mục tiêu giới hạn nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với tham vọng duy trì ở mức 1,5 độ. Tuy nhiên với tình trạng phát thải khí nhà kính hiện nay, nhiều chuyên gia lo ngại rằng không chỉ ngưỡng 1,5 độ mà ngay cả mức 2 độ cũng khó tránh khỏi.
Nhà khoa học khí hậu James Hansen, người từng cảnh báo về biến đổi khí hậu từ những năm 1980, cho rằng mục tiêu 1,5 độ "đã không còn khả thi". Ông cũng cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu có thể vượt quá 2 độ trong hai thập kỷ tới, dẫn đến những hậu quả thảm khốc như băng tan và mực nước biển dâng cao.
Dù vậy, các nhà khoa học vẫn nhấn mạnh rằng cắt giảm khí thải nhanh chóng có thể giúp hạn chế những tác động nghiêm trọng nhất. Giáo sư Richard Allen tại Đại học Reading kêu gọi "tăng gấp đôi nỗ lực" để ngăn ngưỡng 2 độ bằng các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ.
Tuy nhiên một số chuyên gia cảnh báo rằng nếu quá tập trung vào mức 1,5 độ, thế giới có thể mất đi động lực hành động. Giáo sư Daniela Schmidt tại Đại học Bristol lưu ý rằng nếu không có tham vọng cắt giảm phát thải, hành tinh có thể nóng lên tới 3 độ C – một mức độ có thể gây hậu quả không thể đảo ngược đối với cả thiên nhiên và con người.