Nghiên cứu, nhân rộng mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trên cây trồng
Sáng ngày 27/2, Ban Thường vụ UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học Công nghệ có buổi làm việc với các thành viên Tâm Quê Hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP.Cao Lãnh) về mô hình tiêu thụ sản phẩm hữu cơ và dùng chế phẩm sinh học.
Mô hình sản xuất xoài hữu cơ bằng chế phẩm sinh học được các thành viên Tâm Quê Hội quán thực hiện khoảng 2 năm nay. Theo đó, qua việc hỗ trợ hướng dẫn của các nhà khoa học, bà con hội quán đã dùng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương (tỏi, ớt, khóm, chuối, rượu...) ngâm theo tỷ lệ 1 kg nguyên liệu cho 1 lít rượu (sau 20 ngày có thể sử dụng). Tùy theo từng loại sâu bệnh trên cây mà sử dụng loại chế phẩm phù hợp.
Qua thực hiện mô hình của 24 hộ thành viên với diện tích hơn 10ha, đã thấy được hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, chi phí sản xuất giảm 50%, giá xoài được công ty bao tiêu cao hơn thị trường từ 2.000 - 4.000 đồng/kg (tùy loại). Đặc biệt, mô hình góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng nhờ giảm hoàn toàn lượng thuốc hóa học và đảm bảo trái xoài bảo quản được thời gian lâu hơn khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ngoài việc sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ sâu bệnh trên trái xoài, hiện bà con Hội quán cũng tìm hiểu, nghiên cứu và “chế biến” thêm nhiều loại chế phẩm dùng trị sâu bệnh trên lúa, hoa kiểng, rau màu... Theo ông Đặng Văn Những - Chủ nhiệm Tâm Quê Hội Quán, việc sử dụng chế phẩm trên các loại cây trồng khác cũng đều đem lại hiệu quả rất rõ. Đặc biệt là trên cây lúa, giúp trừ được bọ trĩ trên lúa hiệu quả cao. Từ kết quả này, thời gian tới, hội quán sẽ tiếp tục khuyến khích, nhân rộng mô hình rộng rãi hơn, trước mắt là trên cây xoài, sau là các loại cây trồng khác.
Ông Lê Thành Công - Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao hiệu quả của mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trên cây xoài của bà con Tâm Quê Hội quán. Ông Lê Thành Công khẳng định, qua mô hình này, có thể thấy, khi có sự bắt tay mạnh mẽ của nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp thì chuỗi sản xuất nông sản sạch mới thành công, “nếu doanh nghiệp không đặt hàng nông dân sản xuất sạch và thu mua toàn bộ sản phẩm thì có thể nông dân chưa mặn mà tham gia thực hiện như hiện nay”, ông Công khẳng định.
Theo ông Lê Thành Công, hiện đã có 3 thành phần tham gia vào chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản hữu cơ hiệu quả. Ông Lê Thành Công đề nghị các Sở, ngành liên quan cùng vào cuộc thành lập tổ “nghiên cứu hỗ trợ chế phẩm sinh học” để nghiên cứu, thí điểm mô hình trên các cây trồng khác nhằm đưa ra một quy trình hoàn chỉnh, khuyến khích nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành đã thống nhất và cho biết sẽ rốt ráo phối hợp với bà con Tâm Quê Hội quán nghiên cứu mô hình, hỗ trợ các vấn đề pháp lý và triển khai rộng rãi đến bà con toàn tỉnh trong thời gian sớm nhất, có thể là đến cuối tháng 6/2020.