Nghiên cứu quy mô lớn khẳng định hiệu quả của vắcxin Pfizer/BioNTech

Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: THX/TTXVN

* Moderna thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa biến thể virus ở Nam Phi

Một nghiên cứu quy mô lớn của Israel cho thấy vắcxin ngừa bệnh COVID-19 của hai hãng Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) có hiệu quả 94%.

Nghiên cứu, công bố trên tạp chí y học New England, được tiến hành với 1,2 triệu người ở Israel, trong các điều kiện cuộc sống thực.

Chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Y Harvard, một trong các đồng tác giả nghiên cứu trên, ông Ben Reis cho biết: "Đây là bằng chứng lớn đầu tiên về mức độ hiệu quả của một vắcxin trong các điều kiện cuộc sống thực".

Nghiên cứu trên cũng cho thấy vắcxin trên có khả năng bảo vệ mạnh mẽ, một nhân tố quan trọng trong việc phá vỡ con đường lây lan của virus SARS-CoV-2.

Trong nghiên cứu trên, 600.000 người đã được tiêm vắcxin của Pfizer/BioNTech, 600.000 người không được tiêm nhưng đáp ứng các điều kiện tương đương như những người được tiêm về tuổi tác, giới tính, nơi sinh sống, các đặc điểm y học...

Kết quả nghiên cứu cho thấy vắcxin này có hiệu quả 94% đối với các trường hợp có triệu chứng sau khi tiêm đủ hai liều, tương đương mức 95% được ghi nhận trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Theo thống kê của hãng tin AFP, hơn 217 triệu liều vắcxin của Pfizer/BioNTech đã được tiêm trên toàn cầu, đa phần ở các nước có thu nhập cao.

Hy vọng đang ngày càng lớn rằng việc tiêm phòng sẽ cho phép thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người, khiến hơn 113 triệu người nhiễm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo đại dịch còn chưa kết thúc khi toàn thế giới chưa được tiếp cận với vắcxin.

Tin tốt lành về hiệu quả thực tế khá cao của vắcxin được công bố trong bối cảnh ngày 24/2, Ghana đã trở thành quốc gia đầu tiên được nhận vắcxin theo cơ chế phân phối công bằng vắcxin toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều phối, mở đường cho các nước nghèo theo kịp các nước giàu trong cuộc đua vắcxin. COVAX đặt mục tiêu cung cấp ít nhất 2 tỉ liều vào cuối năm nay, đặc biệt cho 92 nước nghèo.

* Ngày 24/2, công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ cho biết các liều vắcxin phiên bản mới nhằm ngăn chặn biến thể của virus SARS-Cov-2 phát hiện ở Nam Phi đã được chuyển đến Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (NIH) để tiến hành thử nghiệm lâm sàng.

Giám đốc Điều hành Moderna, ông Stephane Bancel bày tỏ lạc quan về tiến trình thử nghiệm lâm sàng và đánh giá tích cực sự hợp tác của NIH hợp tác trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Biến thể virus tại Nam Phi được cho là nguy hiểm hơn các biến thể khác hiện nay vì có khả năng kháng các kháng thể, vốn hiệu quả với các biến thể cũ hơn.

Điều đó có nghĩa là những người đã nhiễm chủng SARS-CoV-2 cơ bản có nhiều nguy cơ tái nhiễm hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng biến thể ở Nam Phi có khả năng làm giảm hiệu quả của các loại vắcxin phổ biến hiện nay.

Theo các chuyên gia của Moderna, dù các thử nghiệm ban đầu cho thấy vắcxin gốc của hãng, mang tên mRNA-1273, vẫn hiệu quả đối với các biến thể mới xuất hiện, nhưng hãng vẫn đang nghiên cứu phát triển một phiên bản vắcxin đặc biệt.

Có hai lựa chọn: một là phiên bản vắcxin đặc biệt nhằm ngăn chặn biến thể ở Nam Phi, mang tên mRNA-1273.351, sẽ được sử dụng như một vắcxin, hai là hãng có thể sử dụng một vắcxin kết hợp giữa vắcxin cơ bản mRNA-1273 với phiên bản mRNA-1273.351 để tạo ra một sản phẩm mới.

Một gợi ý khác là mọi người có thể được tiêm liều thứ ba của vắcxin cơ bản mRNA-1273 để tăng mức độ miễn dịch. Moderna cũng đang nghiên cứu khả năng sử dụng kết hợp phiên bản vắcxin đặc biệt mRNA-1273.351 vào mũi tiêm đầu tiên.

Trước đó, ngày 22/2, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông báo các nhà sản xuất vắcxin đang phát triển các phiên bản mới sẽ không cần trải qua quy trình cấp phép mất nhiều thời gian như đối với vắcxin cơ bản.

Moderna cũng thông báo sẽ tăng năng lực sản xuất toàn cầu lên tới 1,4 tỷ liều vacine năm 2022 nếu cần. Ngoài ra, hãng đang tăng cường kế hoạch sản xuất năm 2021 từ 600 triệu liều lên 700 triệu liều để phục vụ nhu cầu vắcxin toàn cầu. Đến nay, Moderna đã giao 60 triệu liều, trong đó 55 triệu liều là trong nước Mỹ.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/252682/nghien-cuu-quy-mo-lon-khang-dinh-hieu-qua-cua-vacxin-pfizer-biontech.html