Nghiên cứu, sản xuất vũ khí gắn với nghiên cứu khoa học-công nghệ

Hiện nay, công nghiệp quốc phòng (CNQP) Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa được nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) hiện đại với hàm lượng khoa học-công nghệ (KHCN) cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho LLVT. Nhiều loại VKTBKT hiện đại trước đây phải mua của nước ngoài thì nay đã tự nghiên cứu, phát triển trong nước.

Những năm qua, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học nên nhiều sản phẩm được triển khai sản xuất loạt, đưa vào trang bị trong Quân đội. Thông qua triển khai các chương trình, đề án KHCN lớn hướng đến các sản phẩm mục tiêu đồng bộ, quy mô lớn, phức tạp đã góp phần nâng cao trình độ, năng lực nghiên cứu KHCN trên một số lĩnh vực đặc thù; làm chủ thiết kế, chế tạo nhiều tổ hợp VKTBKT công nghệ cao. Trình độ nghiên cứu cơ bản, công nghệ nền, công nghệ phụ trợ có bước phát triển mới.

Ngành CNQP hiện nay cơ bản có đủ năng lực tự chủ, từ nghiên cứu đến sản xuất hầu hết các loại VKTBKT cho lục quân, thông tin liên lạc; trong đó, đã chế tạo một số hệ thống tích hợp, các cụm khối cơ khí, điện tử, vật tư, linh kiện... phục vụ chế tạo các loại vũ khí, khí tài mới; bảo đảm kỹ thuật các loại VKTBKT trong biên chế của các quân chủng, binh chủng, ngành.

 Công nhân Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: ANH TUẤN

Công nhân Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: ANH TUẤN

Thành tựu mà ngành CNQP Việt Nam đạt được có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động trong các cơ sở CNQP (phần lớn cơ sở nòng cốt do Tổng cục CNQP quản lý). Với đội ngũ cán bộ KHCN và năng lực dây chuyền công nghệ hiện có, Tổng cục CNQP có nhiều thuận lợi trong thực hiện các nhiệm vụ KHCN từ khâu tổ chức nghiên cứu, chế thử đến triển khai sản xuất loạt sản phẩm. Hơn nữa, sự gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu KHCN với sản xuất quốc phòng là nét đặc trưng riêng có của Tổng cục CNQP so với các đơn vị khác trong toàn quân.

Tổng cục CNQP đã làm chủ thiết kế, công nghệ chế tạo VKTBKT cho sư đoàn bộ binh; đáp ứng một phần VKTBKT cho Binh chủng Pháo binh, Binh chủng Tăng thiết giáp; bước đầu nghiên cứu, sản xuất được một số VKTBKT cho Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không-Không quân và đang xây dựng tiềm lực kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ nghiên cứu, sản xuất các loại VKTBKT mới cho lục quân, hải quân, không quân.

10 năm qua, tỷ lệ sản phẩm của các đề tài nghiên cứu KHCN được ứng dụng vào thực tiễn đạt khoảng 85%; các nhóm sản phẩm VKTBKT chính, gồm: Súng và đạn bộ binh; súng và đạn chống tăng; súng và đạn cối; đạn pháo cao xạ, đạn pháo mặt đất, đạn pháo hải quân; tàu quân sự, tàu bổ trợ; khí tài quang học, vật tư kỹ thuật... Trong đó, chưa đến 20% sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa về công nghệ của hầu hết sản phẩm đều đạt trên 80%, nhiều sản phẩm đạt trên 90%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế giữa nghiên cứu KHCN và sản xuất quốc phòng, như: Số lượng sản phẩm của đề tài đã nghiên cứu, chế thử thành công được đưa vào sản xuất loạt “0” chưa nhiều, nhất là các loại vật tư kỹ thuật cho các quân chủng, binh chủng; một số dây chuyền công nghệ cũ, lạc hậu, năng suất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất các sản phẩm quốc phòng đòi hỏi độ chính xác, hàm lượng khoa học cao; sự gắn kết giữa viện nghiên cứu với đơn vị sản xuất trong nghiên cứu, chế thử sản phẩm chưa chặt chẽ; nguồn lực tài chính cho công tác nghiên cứu KHCN còn hạn chế; chưa có nhiều nhiệm vụ KHCN về nghiên cứu cơ bản, chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng; cơ chế quản lý và triển khai nhiệm vụ KHCN còn bất cập...

Chúng ta chủ trương xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi CNQP phải đi trước một bước, phải có đủ năng lực nghiên cứu, sản xuất được VKTBKT, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội. Bộ Quốc phòng đã chủ trì soạn thảo dự án Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp; dự luật này sẽ được Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV xem xét thông qua.

Đây là hành lang pháp lý mở lối cho ngành CNQP phát triển; là cơ sở để công tác nghiên cứu và ứng dụng KHCN trong sản xuất quốc phòng có bước phát triển mới vững chắc, tiến tới làm chủ nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến; chế tạo các sản phẩm VKTBKT mới, công nghệ cao, tính năng hiện đại, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại.

Thực hiện nội dung này, trước mắt, tập trung hoàn thành các chương trình, dự án KHCN trọng điểm được Bộ Quốc phòng giao; phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, rà soát nhu cầu sử dụng, cải tiến, sửa chữa VKTBKT của các đơn vị trong toàn quân, đề xuất mở mới các chương trình, dự án, nhiệm vụ KHCN các cấp.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, sản xuất thành công các chủng loại VKTBKT, khí tài hiện đại và chiến lược trên 5 nhóm sản phẩm chính được xác định trong Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị. Làm chủ thiết kế, công nghệ nền, công nghệ lõi, tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm CNQP; phát triển những lĩnh vực mũi nhọn (cơ khí chế tạo, luyện kim đặc biệt, vật liệu mới, điện tử viễn thông...).

Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, chiến lược nghiên cứu KHCN và đổi mới sáng tạo, bám sát định hướng của cấp trên, gắn với chức năng, nhiệm vụ nhằm phát huy tối đa năng lực, thế mạnh của từng đơn vị. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên đào tạo những ngành kỹ thuật, công nghệ đặc thù, nhất là lĩnh vực công nghệ cao gắn với hướng phát triển trọng tâm của CNQP, như: Thiết kế, chế tạo, cải tiến VKTBKT; thiết kế, chế tạo tên lửa, vũ khí có điều khiển, đóng tàu, xe quân sự, công nghệ vật liệu mới, công nghệ điện tử-tin học, tự động hóa và điều khiển, hóa chất, cơ khí chính xác, luyện kim, gia công áp lực...

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ toàn diện cho cán bộ nghiên cứu để xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Mở rộng hợp tác KHCN với các tổ chức trong nước và quốc tế, nhất là trên các lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực KHCN chất lượng cao; ưu tiên hợp tác với các đối tác chiến lược. Gắn hợp tác quốc tế về KHCN với các chương trình, dự án phục vụ phát triển CNQP, an ninh; thúc đẩy chuyển giao công nghệ mới, làm chủ và phát triển các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quốc phòng...

Đại tá, TS NGUYỄN QUANG HUY, Phó cục trưởng Cục Quản lý công nghệ, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nghien-cuu-san-xuat-vu-khi-gan-voi-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-778398