Nghiên cứu thái độ của sinh viên về môn học hành vi tổ chức tại Trường Đại học Thủ Dầu Một

ThS. KHƯƠNG THỊ HUẾ (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một)

TÓM TẮT:

Bài viết tìm hiểu thái độ của sinh viên về môn học Hành vi tổ chức. Cụ thể,, nghiên cứu cách nhận định, cảm tình và hành vi của sinh viên đối với môn học này theo phương pháp định tính và định lượng trên 70 sinh viên đã học xong bộ môn này. Kết quả nghiên cứu là thông tin hữu ích cho giảng viên và sinh viên để hiểu rõ nguyện vọng của nhau hơn, qua đó giúp hoạt động dạy và học môn Hành vi tổ chức ngày càng hiệu quả.

Từ khóa: Thái độ, môn học hành vi tổ chức, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Hành vi tổ chức (HVTC) là môn học nghiên cứu một cách có hệ thống về các hành vi và thái độ của con người trong một tổ chức và sự tương tác giữa hành vi của con người với tổ chức nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức. Nội dung môn học gồm 9 chương nhằm trang bị kiến thức để giúp sinh viên có thể hiểu, giải thích, dự đoán được hành vi ứng xử cũng như có những biện pháp cải biến những hành vi không mong đợi ở 3 cấp độ: (1) Cấp độ cá nhân, (2) Cấp độ nhóm và (3) Cấp độ tổ chức. Mục tiêu chính của môn học này gồm:

Kiến thức: Môn học nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức để phân tích được các vấn đề cơ bản về hành vi tổ chức; phân tích các yếu tố liên quan đến cấp độ cá nhân ảnh hưởng đến tổ chức; trình bày được đặc điểm về hành vi và tác động của hành vi cá nhân, nhóm tới hoạt động của tổ chức.

Kỹ năng: Môn học nhằm trang bị cho sinh viên các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc cá nhân và làm việc nhóm hiệu quả; phát triển tư duy trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp và hành vi tổ chức.

Thái độ: Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật. Xác định rõ động cơ tự học và nghiên cứu là yếu tố quyết định thành công trong công việc.

Môn HVTC cũng giúp sinh viên nhận biết được môi trường tổ chức đang có những biến động gì, là nhà quản trị nên có những quyết định như thế nào để tổ chức có thể tồn tại và phát triển bền vững trước những biến động đó?

Bài viết tìm hiểu thái độ của sinh viên về môn học HVTC. Cụ thể, nghiên cứu cách nhận định, cảm tình và hành vi của sinh viên đối với môn học này.

1.2. Mục tiêu và phạm vi nghiên cứu 1.2.1. Mục tiêu

Thăm dò thái độ của sinh viên đối với môn học HVTC với hai mục tiêu chính:

- Nhận biết thái độ của sinh viên đối với môn học HVTC.

- Tìm hiểu mức độ tác động của hành vi học ảnh hưởng đến kết quả sau buổi học của sinh viên về môn HVTC.

1.2.2. Phạm vi nghiên cứu

Tiến hành thăm dò ý kiến của các sinh viên đã học môn HVTC, khoa Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một.

Nội dung thăm dò, tìm hiểu thái độ của sinh viên đối với phương pháp, nội dung giảng dạy, hình thức đánh giá môn học của giảng viên và hành vi học của sinh viên.

1.3. Ý nghĩa thực tiễn

Thông qua kết quả thăm dò thái độ của sinh viên đối với môn học HVTC sẽ góp phần giúp cho giảng viên và sinh viên hiểu được những mong muốn của nhau để cùng thống nhất về phương pháp dạy và học. Qua đó, giúp cho hoạt động dạy và học môn HVTC ngày càng hiệu quả hơn.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu không chỉ là thông tin dành riêng cho môn HVTC, đó cũng là những thông tin hữu ích cho các giảng viên giảng dạy các bộ môn khác tham khảo nhằm từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.

2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu 2.1. Khái niệm về thái độ

Thái độ là những lời phát biểu có tính đánh giá thích hoặc không thích về đồ vật, người và biến cố.

Thái độ là sự đánh giá tốt hay xấu của cá thể, được hình thành trên cơ sở những tri thức hiện có và bền vững về một khách thể hay ý tưởng nào đó.

Thái độ làm cho con người sẵn sàng thích hoặc không thích một đối tượng nào đó, cảm thấy gần gũi hay xa cách với nó [1].

Thái độ gồm 3 thành phần cơ bản:

+ Nhận thức

+ Cảm tình

+ Xu hướng hành vi

- Nhận thức: Là mức độ hiểu biết và có kiến thức của chủ thể về đối tượng, thành phần này còn được gọi là thành phần tin tưởng [1].

- Cảm tình: Là cảm nghĩ của chủ thể về đối tượng, cảm nghĩ này có thể là tốt hay xấu, thân thiện hay ác cảm.

- Xu hướng hành vi: Nói lên dự tính hoặc các hành động thực sự của chủ thể với đối tượng theo hướng đã nhận thức [1].

Thái độ của sinh viên đối với môn học chính là sự phản ánh tích cực hay tiêu cực, tán thành hay không tán thành đối với các yếu tố: Phương pháp giảng dạy, hình thức đánh giá, nội dung môn học.

2.2. Mô hình nghiên cứu

Dựa vào cơ sở lý thuyết ở phần trên về thái độ và các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ học, mô hình nghiên cứu được xây dựng như sau: (Hình 1)

Hình 1: Mô hình đề xuất

Theo mô hình, thái độ của sinh viên đối với môn học HVTC gồm 3 phần đó là nhận thức, tình cảm, hành vi.

Trong từng thành phần có các yếu tố liên quan, mô hình này được sử dụng để làm rõ các thành phần của thái độ.

3. Phương pháp nghiên cứu 3.1. Thiết kế nghiên cứu

Bảng 1. Các bước nghiên cứu được tiến hành

3.2. Kết quả nghiên cứu sơ bộ

Dùng kỹ thuật phỏng vấn cá nhân bằng phiếu thu thập thông tin đã được thiết kế sẵn theo mục đích, yêu cầu của nghiên cứu. Sau khi đã tiến hành phỏng vấn thử 10 sinh viên năm thứ 3, khoa Kinh tế của Trường Đại học Thủ Dầu Một, các phiếu được tiến hành chỉnh sửa và bổ sung cho phù hợp và hoàn thành trước khi tiến hành nghiên cứu định lượng.

3.3. Nghiên cứu chính thức

Đây là bước nghiên cứu định lượng với kỹ thuật phỏng vấn trực tiếp để thu thập dữ liệu. Dữ liệu thu thập sẽ được tiến hành xử lý bằng phần mềm SPSS 20.0. Sau khi được mã hóa và làm sạch, dữ liệu sẽ trải qua các phần chính sau: (1) Thống kê mô tả, (2) Phân tích tần số, (3) Phân tích bảng chéo để thấy mối quan hệ giữa các nhân tố. Thời gian thực hiện nghiên cứu này là tháng 11/2019.

3.4. Mẫu và thông tin mẫu

Mẫu được lấy theo phương pháp thuận tiện. Cụ thể, tiến hành phỏng vấn trực tiếp với 72 sinh viên đã học môn HVTC của Khoa Kinh tế.

Sau khi làm sạch, tổng số hồi đáp dùng để phân tích tiếp theo sau là 70, đạt số lượng mẫu dự tính.

Sau đây là một số thông tin về phân bố mẫu theo các biến phân loại chính:

Trong nghiên cứu này, số sinh viên nam được phỏng vấn nhiều hơn số sinh viên nữ (nam: 86%, nữ: 14%). Đáng lưu ý, nhóm sinh viên có điểm kết thúc môn HVTC đạt loại khá giỏi (≥ 7 điểm) chiếm tỷ lệ 68%; nhóm sinh viên có điểm thuộc loại trung bình (< 7 điểm), chiếm 32%.

4. Kết quả nghiên cứu

Bài viết phân tích thái độ học của sinh viên đối với môn HVTC theo từng thành phần của thái độ, cụ thểgồm: Nhận thức; Cảm tình; Hành vi. Kết quả như sau:

Nhận thức của sinh viên về môn HVTC được đánh giá qua nhiều yếu tố:

- Về cách giảng dạy:

Nhìn chung, đa số sinh viên đánh giá tốt về cách giảng dạy. 67% ý kiến của sinh viên cho biết cách giảng dạy của môn học HVTC là hấp dẫn, không khí buổi học thoải mái, không bị căng thẳng. Đa số sinh viên tán thành với cách dạy này, giúp cho khả năng theo dõi, có tác động tích cực học môn học của sinh viên ngày càng tốt hơn, chiếm 62%. Vì có trước tài liệu học tập nên khi lên lớp, sinh viên dễ tiếp thu lý thuyết cũng như các bài tập thực hành, vận dụng trong các bài tập tình huống, làm giảm bớt sự căng thẳng của buổi học, từ đó giúp sinh viên tiếp thu bài tốt hơn. Số sinh viên đánh giá phương pháp giảng dạy phù hợp với môn học là 43%. Theo nhận định này, HVTC đã có cách dạy riêng biệt để phù hợp với đặc thù của môn học. Tuy nhiên, có tới 46% ý kiến trung lập, điều này cho thấy có khá nhiều sinh viên chưa quan tâm đến phương pháp giảng dạy của giảng viên. (Bảng 2)

Bảng 2. Nhận thức về phương pháp giảng dạy của môn học

Nguồn: Tác giả tổng hợp

- Về nội dung học:

Theo kết quả thống kê, sinh viên cho biết nội dung giảng dạy phù hợp với tên môn học (48%), chỉ có (16%) đánh giá nội dung giảng dạy không phù hợp với tên môn học.

54% sinh viên đánh giá nội dung môn học HVTC rất hữu ích, giúp khả năng nhận xét và ứng xử của sinh viên nhanh hơn qua các bài tập tình huống. Môn học này giúp sinh viên hiểu biết cơ bản về hành vi trong tổ chức.

Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, tỷ lệ giữa ý kiến đồng ý nội dung học được cung cấp đầy đủ trong tài liệu (chiếm 48%) và ý kiến đánh giá nội dung môn học chưa được cung cấp đầy đủ trong tài liệu (chiếm 22%), có mức chênh lệch 26%. Điều này có thể giải thích vì HVTC là môn học liên quan nhiều lĩnh vực khác, cho nên mức độ thỏa mãn với tài liệu giảng dạy phụ thuộc vào mục đích học của mỗi người: Học vì điểm, học để thi, học để đi làm,…

Phần lớn sinh viên đồng ý là các bài tập tình huống rất dễ hiểu và gần gũi, chiếm 53%. Với nhận thức này, đa số sinh viên đều có hướng giải quyết các bài tập tình huống của giảng viên đưa ra. Tuy nhiên, có 23% sinh viên lại cho biết các bài tập tình huống khó hiểu và không gần gũi. Như vậy, vẫn còn khá nhiều sinh viên gặp khó khăn trong khi giải bài tập tình huống.

Một trong những thành phần về thái độ của sinh viên đáng được quan tâm đó là cảm tình của sinh viên đối với môn học HVTC. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn sinh viên thích nội dung hấp dẫn của bộ môn. Vì nội dung môn học giúp sinh viên nhận định được môi trường tổ chức và xác định được hành vi cá nhân, nhóm và tổ chức. (Bảng 3)

Bảng 3. Nhận thức về nội dung môn học

Nguồn: Tác giả tổng hợp

- Theo kết quả khảo sát, 77% số sinh viên thích phương pháp đánh giá kết quả của môn HVTC theo cách đánh giá 50% bài tập thực hành trên lớp và 50% tiểu luận cuối kỳ. Điều này thể hiện, cách đánh giá đó là hợp lý, chính xác và phù hợp.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên có cảm tình với môn học HVTC. Cụ thể, sinh viên thích nội dung của môn học vì tính hữu ích; thích cách học theo nhóm để cùng giải quyết bài tập tình huống và thích hình thức đánh giá môn học của giảng viên.

- Kết quả thăm dò về hành vi của sinh viên cũng cho thấy, đa số sinh viên có sự chuẩn bị trước về môn học cho buổi học tới - đây là hành vi tích cực giúp cho sinh viên tiếp thu bài trong lớp tốt hơn (chiếm 59%). Tuy nhiên, vẫn có đến 21% sinh viên không chuẩn bị bài trước buổi học - là một trong những nguyên nhân khiến họ thụ động trong giờ học và khi làm bài tập tình huống.

- Về mức độ ảnh hưởng của cách học đến kết quả môn học HVTC

Có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến kết quả học tập môn học, như: Phương pháp giảng dạy, phương pháp học tập, mục tiêu của người học, thái độ của sinh viên đối với môn học,… Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tìm hiểu về thái độ của sinh viên đối với môn học nên chỉ phân tích mức độ ảnh hưởng của phương pháp học tập đến kết quả học môn HVTC. Kết quả cũng cho thấy, hành vi học của sinh viên không phải là yếu tố quyết định mức độ tiếp thu bài giảng mà mức độ này có liên quan đến nhiều yếu tố khác.

5. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên có thái độ tích cực đối với môn học. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm để cải tiến sao cho phù hợp với nhu cầu của sinh viên nhằm giúp kết quả học của môn HVTC được hiệu quả hơn.

Về nhận thức:

Đa số sinh viên tán thành với các bài tập tình huống giảng viên đưa ra là gần gũi và dễ hiểu; cách giảng dạy phù hợp với đặc trưng của môn học nên có tác động tích cực đến năng lực học tập và cách đánh giá về môn học là cho kết quả chính xác.

Về cảm tình:

Đa số sinh viên thích nội dung học của môn HVTC vì giúp sinh viên biết hành vi trong tổ chức và cách đánh giá của môn học. Đặc biệt là phương pháp học theo nhóm - là một phương pháp học rất có hiệu quả.

Xu hướng hành vi:

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ tích cực về môn học của sinh viên là khá tốt: Sinh viên chủ động trao đổi với giảng viên, tìm thêm tài liệu, thái độ làm việc với nhóm.

Mức độ ảnh hưởng của hành vi học đến khả năng tiếp thu bài giảng: Hành vi học không có sự tương quan đáng kể với khả năng tiếp thu bài trên lớp, vì còn rất nhiều yếu tố khác có liên quan đến.

Riêng về việc tìm thêm tài liệu cần phải có chọn lọc, tránh những tài liệu quá xa với các chủ đề cần thảo luận trên lớp.

Kết quả nghiên cứu trênđã phần nào giúp ích cho giảng viên giảng dạy môn HVTC tại các trường đại học nói chung và giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng hiểu hơn về thái độ của sinh viên đối với môn học. Từ đó, có những cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy môn học thích hợp để sinh viên có kết quả học tập tốt hơn, giúp sinh viên vận dụng những kiến thức đã học vào xử lý vấn đề trong tổ chức thực tế hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Bùi Anh Tuấn, Phạm Thúy Hương (2013). Giáo trình Hành vi tổ chức, Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Phạm Thúy Hương, Phạm Thị Bích Ngọc (2017). Hành vi tổ chức. Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Stephen P.Robbins & Timothy A.Judge (2012). Hành vi tổ chức, Nhà xuất bản Lao động Xã hội, Hà Nội.
Lê Văn Hảo & Knud D.Larsen (2012). Hành vi tổ chức trong một thế giới thay đổi. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hoàng Trọng (2008). Phân tích dữ liệu với SPSS, tập 1, Nhà xuất bản Thống kê, TP.Hồ Chí Minh

A STUDY ON THE ATTITUDE OF STUDENTS TOWARDS

THE ORGANIZATION BEHAVIOR COURSE WHICH IS TEACHED

AT THU DAU MOT UNIVERSITY

Master. KHUONG THI HUE

Faculty of Economics, Thu Dau Mot University

ABSTRACT:

This study examines the attitude of students towards the organization behavior course. Specifically, this study focuses on how students realize, sympathize and behave to the organization behavior course by using qualitative and quantitative methods with 70 students who have studied this course. This study’s findings are expected to help teachers and students understand each other's expectations, contributing to improving the teaching quality in the near future.

Keywords: Attitude, organization behavior course, student.

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-thai-do-cua-sinh-vien-ve-mon-hoc-hanh-vi-to-chuc-tai-truong-dai-hoc-thu-dau-mot-72760.htm