Nghiên cứu thí điểm khoán gọn kinh phí 3 chương trình mục tiêu quốc gia

'Chúng ta nghiên cứu xem có thí điểm trên địa bàn 1 huyện nào đó để lồng ghép 3 chương trình này được không và giao toàn quyền cho huyện đó căn cứ nhu cầu, thực tiễn để bố trí làm sao đạt được mục tiêu của cả 3 chương trình', Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu.

Ngày 7/6, phát biểu kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, với đặc thù là một quốc gia có nhiều dân tộc cùng sinh sống, Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định và nhất quán về chính sách dân tộc theo nguyên tắc các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

“Vấn đề dân tộc và công tác dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, luôn là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và cả hệ thống chính trị”, ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Như Ý

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Như Ý

Người điều hành đánh giá, phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Câu hỏi của các đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã rất bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị tốt nội dung, cơ bản nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn.

Bộ trưởng đã tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách. Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm trách nhiệm của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, cơ quan có liên quan.

Qua phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, các trưởng ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp để thực hiện hiệu quả Kết luận 65 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 88 của Quốc hội. Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 05 ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030.

Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền những quy định và hướng dẫn còn chưa phù hợp, chưa rõ ràng, chưa đầy đủ. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua, nhất là việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn thực hiện chương trình; chỉ đạo, đôn đốc triển khai các dự án, tiểu dự án, nội dung trong chương trình bảo đảm hiệu quả thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu nghiên cứu thí điểm việc phân cấp khoán gọn kinh phí 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn 1 huyện, báo cáo Quốc hội tại kỳ giám sát tối cao của Quốc hội vào kỳ họp tháng 6/2023.

"Chúng ta nghiên cứu xem có thí điểm trên địa bàn 1 huyện nào đó để lồng ghép 3 chương trình này được không và giao toàn quyền cho huyện đó căn cứ nhu cầu, thực tiễn để bố trí làm sao đạt được mục tiêu của cả 3 chương trình, nhưng không chi ly đến mức độ đồng này mua muối, đồng này mua mắm, đồng này của chương trình này, đồng kia của chương trình kia”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh Như Ý

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh. Ảnh Như Ý

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh đến việc huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc biệt, ưu tiên nhóm đối tượng nghèo là phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số.

Đồng thời, chú trọng phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nâng cao tinh thần tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên của người dân. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về đầu tư, doanh nghiệp, quy hoạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

“Vấn đề này các đại biểu nói rất nhiều, làm sao thu hút được đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này. Khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng của từng vùng, tập trung nguồn lực đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các dự án liên kết có tác động lan tỏa về phát triển kinh tế - xã hội của vùng để rút ngắn thời gian lưu thông hàng hóa từ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện khó khăn tới các thị trường tiêu thụ”, ông nói.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý hạn chế tối đa chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích ngoài lâm nghiệp, hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cho thuê rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, bảo đảm tất cả diện tích rừng và đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp phải được giao, cho thuê đến những chủ rừng thực sự.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghien-cuu-thi-diem-khoan-gon-kinh-phi-3-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-post1541012.tpo