Nghiên cứu tiết lộ số bước đi bộ giúp đánh bay mỡ thừa, đẩy lùi ung thư và bệnh mạn tính

Thói quen đi bộ vốn đã mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe thế nhưng chúng ta nên đi bộ bao nhiêu bước để có thể giảm cân hiệu quả và đẩy lùi bệnh mạn tính? Nghiên cứu dưới đây sẽ tiết lộ điều đó.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trung bình một người tăng từ 0,5 đến 1kg mỗi năm từ khi trưởng thành đến khi bước vào tuổi trung niên, điều này dần dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì theo thời gian nếu không có phương pháp kiểm soát cân nặng kịp thời.

Đi bộ bao nhiêu bước là tốt nhất?

Theo một nghiên cứu vào tháng 10 năm 2022, đi bộ khoảng hơn 8.000 bước mỗi ngày sẽ ngăn ngừa tăng cân ở người trưởng thành, trong khi những người vốn đã thừa cân có thể giảm một nửa tỷ lệ mắc bệnh béo phì tăng số bước đi bộ lên 11.000 bước mỗi ngày.

Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 6000 người ở độ tuổi từ 41 - 67 trong vòng 4 năm liên tiếp. Những người tham gia được yêu cầu đeo thiết bị theo dõi hoạt động thể chất ít nhất 10 giờ mỗi ngày. Những người tham gia nghiên cứu có chỉ số khối cơ thể từ 24,3 (mức cân nặng khỏe mạnh) đến 32,9 (được coi là béo phì).

PGS Brittain, phó giáo sư Khoa tim mạch tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học Vanderbilt ở Nashville, Hoa Kỳcho biết: “Chúng tôi có thể tính toán toàn bộ hoạt động từ khi bắt đầu theo dõi đến khi chẩn đoán bệnh, đây là một lợi thế lớn vì chúng tôi không phải đưa ra các giả định về hoạt động theo thời gian, không giống như tất cả các nghiên cứu trước đây”.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đi bộ 4 dặm (6,44km)/ngày - tương đương với khoảng 8.200 bước - ít có khả năng bị béo phì, mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc trào ngược axit dạ dày hơn. Còn những người tham gia nghiên cứu bị thừa cân cũng giảm một nửa nguy cơ béo phì nếu họ tăng số bước đi bộ lên 11.000 bước/ngày.

Trên thực tế, sự gia tăng số bước đi bộ giúp giảm 50% tỷ lệ mắc bệnh béo phì; còn những người có chỉ số BMI là 28 có thể giảm 64% nguy cơ béo phì bằng cách đi bộ từ khoảng 6.000 lên 11.000 bước mỗi ngày.

PGS Evan Brittain, cho biết: “Mọi người thực sự có thể giảm nguy cơ béo phì bằng cách đi bộ nhiều hơn”.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nghiên cứu cũng tìm thấy những lợi ích của việc đi bộ đối với các tình trạng bệnh mạn tính như bệnh tiểu đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ, tăng huyết áp, trầm cảm và trào ngược dạ dày thực quản cho thấy lợi ích khi bước cao hơn.

PGS Brittain cho biết: “Các vấn đề kể trên được cải thiện khi chúng ta đi bộ với số bước nhiều hơn. Tình trạng tăng huyết áp và bệnh tiểu đường có thể ổn định hơn sau khi đi bộ khoảng 8.000 - 9.000 bước và lợi ích sức khỏe này sẽ tăng dần khi số bước đi bộ tăng lên”.

Trước đó, một nghiên cứu khác cũng chỉ ra lợi ích của việc đi bộ khoảng theo số bước mỗi ngày. Theo đó, việc đi bộ 10.000 bước có thể giúp giảm 50% nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ và giảm 25% nguy cơ mắc sa sút trí tuệ nếu đi bộ 3.800 bước mỗi ngày.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nếu bạn đi bộ với tốc độ nhanh hơn (trung bình 112 bước/phút) trong vòng 30 phút, bạn có thể giảm 62% nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ, giảm 80% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm khoảng 20% nguy cơ mắc ung thư.

Một nghiên cứu khác cũng mô tả những tác động mạnh mẽ của việc đi bộ và các hình thức tập thể dục khác đối với sức khỏe của chúng ta. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nếu bạn đứng dậy và đi lại trong 21,43 phút mỗi ngày, bạn sẽ giảm 1/3 nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân.

Tiến sĩ Andrew Freeman, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Chăm sóc sức khỏe Tim mạch National Jewish Health ở Denver, Hoa Kỳ cho biết: “Khi bạn kết hợp thói quen đi bộ hoặc tập luyện thể dục với một chế độ ăn giàu rau củ quả, điều này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc và giúp bạn khỏe mạnh hơn”.

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nghien-cuu-tiet-lo-so-buoc-di-bo-giup-danh-bay-mo-thua-day-lui-ung-thu-va-benh-man-tinh-20230216145526444.htm