Nghiên cứu trung tâm hỗn hợp kết nối, điều hành giao thông

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, nên nghiên cứu trung tâm hỗn hợp kết nối, liên thông, chia sẻ để điều hành giao thông.

Giao thông thông minh phải giải quyết vấn đề nóng nhất của giao thông hiện nay

Chiều nay (18/10), tại nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 9, thẩm tra dự án Luật Đường bộ.

Trình bày Tờ trình, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết, việc xây dựng Luật Đường bộ nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách kết cấu hạ tầng đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm.

Dự thảo luật gồm 6 chương, 92 điều; trong đó đã chuyển 3 chương sang Luật Trật tự ATGT đường bộ, gồm: quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đồng thời, bổ sung thêm một chương riêng về đường bộ cao tốc (chương III), gồm 14 điều (từ điều 47 đến điều 60).

Dự thảo luật quy định một số trung tâm quản lý, điều hành giao thông, như Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh (Điều 43), Trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia (Điều 57), Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến (Điều 58).

Qua thẩm tra, có ý kiến trong Ủy ban An ninh và Quốc phòng đề nghị làm rõ quy định về chức năng, nhiệm vụ, hạ tầng... của trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia, đồng thời quy định chi phí thực hiện quản lý, vận hành và bảo trì trung tâm này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước, đánh giá tác động quy định này có làm tăng chi phí hoạt động vận tải đường bộ không?

Có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 43 dự thảo Luật Đường bộ quy định việc thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu của Trung tâm quản lý hệ thống giao thông thông minh giống với nhiệm vụ của Trung tâm chỉ huy giao thông của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) quy định tại khoản 2, Điều 67 Luật Trật tự ATGT đường bộ.

"Đều là nơi thu thập, lưu trữ, phân tích và xử lý dữ liệu để phục vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động đường bộ và chỉ huy, điều hành giao thông. Do đó, đề nghị làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đặc biệt là các thông tin cần thu thập, phân tích, xử lý của hai trung tâm này để tránh trùng lặp, chồng chéo về nhiệm vụ và lãng phí về nguồn lực", thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và an ninh nhấn mạnh.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia.

Thảo luận tại cuộc họp, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, chức năng trung tâm quản lý giao thông thông minh cũng như trung tâm quản lý điều hành đường cao tốc và trung tâm chỉ huy giao thông của CSGT phải thiết kế tách bạch, rõ ràng.

Bởi trong Luật Trật tự ATGT đường bộ mô tả hệ thống, chức năng chỉ huy giao thông tương đối rõ. Dự thảo Luật Đường bộ cũng phải miêu tả trung tâm quản lý giao thông minh và trung tâm quản lý điều hành đường cao tốc cụ thể hơn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức.

Liên quan hệ thống giao thông thông minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Minh Đức cho biết, Bộ GTVT đang trong quá trình thực hiện. Với kinh nghiệm của các nước trên thế giới như Singapore, Úc, các nước Tây Âu..., họ đã vận dụng công nghệ AI vào hệ thống giao thông thông minh.

"Chúng tôi cho rằng, hệ thống giao thông thông minh phải tính để hướng tới giải quyết những vấn đề gì đang nóng bỏng nhất của giao thông hiện nay, ví dụ, đối với 2 đô thị lớn là Hà Nội, TP.HCM phải quy định hệ thống thông minh làm sao cảnh báo, hạn chế thấp nhất việc ùn tắc giao thông, chứ hiện tại mới chỉ đầu tư hệ thống đèn tín hiệu là chủ yếu", ông Đức cho hay.

Theo ông Đức, các nước châu Âu đã cài đặt hệ thống cảnh báo bằng vệ tinh, xe đang đi với tốc độ rất cao, nhưng đến khu vực nguy hiểm thì vệ tinh của họ đã cảnh báo, nếu người điều khiển không xử lý thì xe sẽ tự đi chậm lại. Rồi cả vấn đề khí phát thải xe hơi, trong luật phải tính tới những vấn đề này, phải có luật thì sau này mới triển khai được các ý tưởng...

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên nghiên cứu trung tâm hỗn hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ để điều hành giao thông.

"Đây là trung tâm có tính chất kỹ thuật, nên thiết kế theo hướng, các sở, ngành cử người ra làm, điều hành hoạt động của trung tâm ở cấp quốc gia như thế nào, cấp tỉnh ra sao, chứ không phải trung tâm thông minh riêng, trung tâm CSGT riêng. Vừa rồi tôi được xem phần mềm ATGT của Bộ Công an, nếu đề án đó phát triển lên, thiết kế trung tâm hỗn hợp để điều hành đường bộ thì rất hợp lý", Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sẽ có quy định để vận hành an toàn đường chuyên dùng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường thông tin, tại tỉnh Đồng Nai một năm có tới 50 đến 55 người tử vong vì tai nạn giao thông tại đường khu công nghiệp.

"Phạm vi điều chỉnh của luật này có điều chỉnh đường giao thông trong khu công nghiệp hay không? Nếu không điều chỉnh thì giao thông tại đây rất tùy tiện", ông Cường nói.

Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường.

Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường.

Ông Cường cho biết, hiện nay việc cắm biển giao thông gặp vướng mắc tại các tuyến đường giao thông ở các khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.

"Chúng tôi giao cho Sở Giao thông vận tải (GTVT) cắm biển trong khu công nghiệp thì đơn vị này nói là không phải chức năng của Sở GTVT. Như vậy thì ai cắm đây? Ban quản lý khu công nghiệp thì không có chức năng nhiệm vụ. Đây là vấn đề rất mới, chính vì vậy cần phải bổ sung nội dung quản lý các tuyến đường nằm trong khu công nghiệp", ông Cường đề xuất.

Phát biểu tiếp thu, giải trình một số ý kiến, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, tại phiên họp hôm nay rất nhiều ý kiến xác đáng liên quan đến dự thảo Luật Đường bộ. Cơ quan soạn thảo sẽ rà soát, tiếp thu để thống nhất với các luật hiện nay.

Ông Lâm cho biết, hiện nay chúng ta đang xây dựng Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bộ Công an và Bộ Giao thông đã có phối hợp chặt chẽ, tuy nhiên còn một số ý kiến băn khoăn, tiếp tục cần làm rõ.

"Đặc biệt những vấn đề liên quan đến trung tâm điều hành giao thông quốc gia, trung tâm chỉ huy của cảnh sát, trong dự thảo luật đã nêu ra nguyên tắc chức năng, còn cụ thể các chức năng nhiệm vụ sẽ được quy định tại nghị định hướng dẫn", ông Lâm nói.

Liên quan đến đề xuất của Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết, dự thảo luật cũng quy định cụ thể các vấn đề liên quan, khái niệm đường chuyên dùng, trong đó có bao gồm đường nội bộ của các cơ sở sản xuất, khu đô thị, khu công nghiệp.

Trong đó, có điều khoản quy định đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác đường chuyên dùng như thế nào, trách nhiệm cơ quan liên quan như chủ quản lý, sở hữu, sử dụng các tuyến đường này ra sao? Dự thảo luật cũng quy định việc phối hợp với các cơ quan quản lý giao thông như thế nào, trong quá trình đầu tư xây dựng phải có cơ quan chuyên môn thẩm định, thẩm tra bước đầu.

Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng, trong quá trình sử dụng, vận hành việc cắm biển chỉ dẫn, quản lý giao thông đảm bảo an toàn của loại đường này đã được quy định trong dự thảo.

"Chúng tôi sẽ rà soát, nghiên cứu tiếp thu thêm để điều khoản quy định cho rõ hơn từ đó hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn trong quá trình tổ chức xây dựng, quản lý tuyến đường chuyên dùng cho an toàn", ông Lâm nói.

Các dự án phát sinh nhu cầu giao thông lớn cần đánh giá tác động ATGT

Ông Khuất Việt Hùng nhấn mạnh, Chỉ thị 23 của Ban Bí thư có chỉ đạo rất rõ "trong bước phê duyệt chủ trương của các dự án làm phát sinh nhu cầu giao thông lớn phải có đánh giá tác động về trật tự ATGT".

"Ví dụ, một khu đô thị có khoảng 20 nghìn hộ dân, cứ hai hộ có một ô tô thì mỗi buổi sáng có 10 nghìn ô tô ra khỏi đô thị đó. Để đáp ứng được lượng phương tiện thì đường dẫn vào khu đô thị này phải có 6 làn. Khi chúng ta phê duyệt chủ trương quy hoạch đô thị phải xác định khu đô thị đó hoàn thiện xong phát sinh bao nhiêu phương tiện", ông Hùng phân tích.

Theo Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, giả sử đường dẫn vào khu đô thị cần 6 làn thì mới đáp ứng nhu cầu giao thông mà quy hoạch giao thông chỉ có 4 làn, thì chắc chắn không để khu đô thị với quy mô như vậy. Điều này nằm trong phần quy hoạch và quản lý quy hoạch ở hạ tầng cứng, vì vậy nên bổ sung vào Luật Đường bộ.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nen-nghien-cuu-trung-tam-hon-hop-ket-noi-dieu-hanh-giao-thong-192231018180703541.htm