Nghiên cứu tự sự trong tiểu thuyết chiến tranh cách mạng
Chiến tranh cách mạng và người lính là đề tài trung tâm, xuyên suốt thế kỷ 20 của văn học Việt Nam với nhiều tên tuổi và tác phẩm lớn. Do đó, rất cần có những công trình nghiên cứu chuyên sâu để làm rõ diện mạo, khuynh hướng, giá trị nội dung cũng như nghệ thuật trong các tác phẩm viết về đề tài này.
Chuyên luận “Tự sự về một cuộc chiến tranh-Qua “Dấu chân người lính”, “Đất trắng” và “Nỗi buồn chiến tranh” của Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Tổng biên tập Báo Văn hóa là một công trình nghiên cứu công phu, tiếp cận dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính từ một trong những điểm nhìn quan trọng: Tự sự. Đây là công trình nằm trong chương trình đầu tư sáng tác văn học về đề tài LLVT-chiến tranh cách mạng của Bộ Quốc phòng năm 2021, do Nhà xuất bản Văn học ấn hành.
Ngoài các phần "Dẫn nhập", "Kết luận" và "Tài liệu tham khảo", chuyên luận được chia làm 4 chương. Mỗi chương “giải quyết” một vấn đề khác nhau, qua đó cung cấp một cái nhìn vừa toàn diện, vừa có điểm nhấn về nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng và người lính.
Chương 1 (Nghiên cứu về văn xuôi chiến tranh trước và sau 1975) có nhiệm vụ trình bày các khuynh hướng, phương pháp nghiên cứu, thành tựu và những vấn đề còn bỏ ngỏ trong các công trình nghiên cứu về văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính trước đây, nhằm tạo dựng khung pháp lý khoa học vững chắc cho hướng tiếp cận của chuyên luận.
Chương 2 (Diễn trình tự sự về chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại từ 1945 đến cuối thế kỷ XX) đã khái quát diện mạo, khuynh hướng và thành tựu của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính từ năm 1945 đến hết thế kỷ 20, cung cấp một cái nhìn hệ thống về tự sự chiến tranh trong văn học Việt Nam hiện đại.
Chương 3 (Cấu trúc tự sự và vấn đề tái tạo hiện thực chiến tranh qua ba tiểu thuyết) và chương 4 (Phương thức tự sự về chiến tranh qua ba tiểu thuyết) có nhiệm vụ chỉ ra sự vận động và những cách tân thể loại tiểu thuyết trong miêu tả chiến tranh thông qua việc phân tích 3 tác phẩm tiêu biểu: “Dấu chân người lính” (Nguyễn Minh Châu)-đại diện cho giai đoạn trước năm 1975, “Đất trắng” (Nguyễn Trọng Oánh)-đại diện cho giai đoạn tiền đổi mới và “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh)-đại diện cho thời kỳ sau đổi mới (1986). Đây là hai chương đặc sắc nhất của chuyên luận. Tác giả đã chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt của từng tác phẩm, từ đó thấy được giá trị nội dung và những đóng góp về cách tân nghệ thuật tiểu thuyết của mỗi nhà văn đối với dòng văn học viết về chiến tranh cách mạng và người lính.
Nếu như chiến tranh và người lính được Nguyễn Minh Châu tái hiện bằng nghệ thuật tự sự mang âm hưởng sử thi, ngợi ca thì Nguyễn Trọng Oánh lại lựa chọn lối viết thiên về hiện thực thông qua kết cấu của tiểu thuyết phóng sự với bức tranh đời sống-xã hội rộng lớn; còn Bảo Ninh chú trọng đến kỹ thuật “dòng ý thức”, khắc họa những nét vi tế nhất trong đời sống nội tâm nhân vật. Để rồi thông qua sự phân tích kỹ càng ấy, tác giả đưa đến những kết luận xác đáng: “Từ “Dấu chân người lính” đến “Đất trắng” tới “Nỗi buồn chiến tranh”, tự sự về chiến tranh đã trải qua một chặng đường khá dài, đi từ những vấn đề mang tính cộng đồng đến số phận cá nhân của mỗi con người... Nhìn vào sự vận động từ tư tưởng nội dung đến hình thức thể loại của các tác phẩm, có thể thấy, từ tâm thức hiện đại, văn học Việt Nam đã, đang chuyển mình về phía tâm thức hậu hiện đại”.
Có thể nói, với “Tự sự về một cuộc chiến tranh”, Nguyễn Anh Vũ đã thành công trong việc tổng kết về tiểu thuyết viết về chiến tranh cách mạng và người lính từ góc nhìn tự sự. Và những đóng góp đó của chuyên luận đã được ghi nhận thông qua tặng thưởng mức C của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương năm 2022.
Theo qdnd.vn