Nghiên cứu, ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Thuốc bảo vệ thực vật là một trong những vật tư quan trọng quyết định đến giá trị và chất lượng nông sản. Trong đó, thuốc bảo vệ thực vật sinh học được xem là nền tảng của nền nông nghiệp xanh vì ít để lại dư lượng trong sản phẩm; an toàn với con người, môi trường và hệ sinh thái.

Vận hành thiết bị bay không người lái phun thuốc trừ sâu trên đồng lúa xã Thư Lâm, thành phố Hà Nội. (Ảnh ANH SƠN)
Xuất phát từ nhu cầu thực tế, thời gian qua, công tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nước ta đã có nhiều chuyển biển tích cực.
Từ phòng thí nghiệm đến đồng ruộng
Năm 2001, khoa Nông nghiệp, Trường đại học Cần Thơ bắt đầu đặt nền móng phát triển trong bảo vệ thực vật. Sau bảy năm nghiên cứu, tuyển chọn các chủng Trichoderma ưu việt, đến năm 2009, công nghệ này đã được chuyển giao cho Tập đoàn Lộc Trời (trước đây là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang).
Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm (Tập đoàn Lộc Trời) Huỳnh Minh Châu cho biết, thuốc trừ bệnh sinh học Tricô ĐHCT là sản phẩm đầu tiên sử dụng hoạt chất từ các chủng Trichoderma spp được Cục Bảo vệ thực vật (nay là Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cấp phép lưu hành với tư cách là thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu và Sản xuất sinh học Lộc Trời ra đời đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ từ phòng thí nghiệm sang sản xuất công nghiệp và thương mại hóa các sản phẩm, chế phẩm sinh học. Từ sản phẩm Tricô ĐHCT ban đầu, Trường đại học Cần Thơ tiếp tục chuyển giao các sản phẩm khác cho Lộc Trời như: Tricô ĐHCT-Phytopth, Tricô ĐHCT-Nấm hồng, Tricô ĐHCT-Lúa von...
Các chủng Trichoderma spp hoạt động như một hàng rào phòng thủ sinh học, vừa ngăn chặn, vừa tấn công các vi sinh vật gây hại nhờ vào khả năng cạnh tranh dinh dưỡng, tiết enzyme phân hủy vách tế bào và kích thích hệ miễn dịch cây trồng. Việc ứng dụng Trichoderma nói riêng và vi sinh vật có lợi nói chung không chỉ giúp kiểm soát dịch hại bền vững mà còn góp phần bảo vệ, cân bằng hệ vi sinh, hướng đến canh tác an toàn và phục hồi hệ sinh thái đất lâu dài.
Chuỗi sản phẩm này được tuyển chọn từ các chủng Trichoderma spp bản địa và được xây dựng công thức với cơ chế tác động chuyên biệt trên từng nhóm đối tượng dịch hại. Trong đó, tập trung ở nhóm cây trồng như: Các loại cây ăn trái, cây công nghiệp như hồ tiêu, cà-phê, rau. Bình quân mỗi năm Tập đoàn Lộc Trời cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thuốc Tricô ĐHCT, có thời điểm sản lượng tiêu thụ đạt hơn 200 tấn/năm.
Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Huỳnh Tấn Đạt cho biết, hiện cả nước có 94 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện theo quy định, trong đó, có 85 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Các dạng thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật vi sinh vật, thảo mộc và các thuốc nhóm hóa sinh.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật thành phẩm khác nhau. Trong đó, có rất nhiều dạng tiên tiến và an toàn cho con người như: Dạng hạt phân tán trong nước, dầu phân tán, đậm đặc tan trong nước, dạng hạt (WG, OD, SL, GR,...).
Cùng với đó, các công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học phổ biến trên thế giới cũng đã được đăng ký, sản xuất và ứng dụng tại Việt Nam như: Thuốc bảo vệ thực vật sinh học nano, chiết xuất từ thảo mộc, chứa các vi sinh vật và một số loại thuốc có nguồn gốc virus hay từ tuyến trùng...
Thời gian qua, một số dự án sản xuất thử nghiệm nhằm chuyển giao, ứng dụng vào thực tế sản xuất cũng đã được nghiên cứu, phát triển như: Nghiên cứu sản xuất chế phẩm Chaetomium trừ nấm gây bệnh trên cây chè, cà-phê và cao su; nghiên cứu công nghệ sản xuất và ứng dụng chế phẩm sinh học Bio-VAAS.1 kiểm soát bệnh vàng lá, thối rễ và chảy gôm trên cây cam, sầu riêng; dự án hoàn thiện công nghệ sản xuất, ứng dụng chế phẩm BIOFUN để phòng trừ rệp sáp hại cà-phê; hoàn thiện công nghệ sản xuất và sử dụng chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh héo xanh vi khuẩn trên lạc...
Tự chủ động công nghệ, đầu tư trọng điểm
Công tác nghiên cứu, ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở nước ta thời gian qua đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có rất ít dây chuyền công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở quy mô công nghiệp.
Nguyên nhân là hầu hết các cơ sở vật chất thiết bị chưa đồng bộ, nhiều công đoạn vẫn thực hiện bằng phương pháp thủ công. Phần lớn các doanh nghiệp phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, nhất là về vấn đề bản quyền, nguyên liệu và công nghệ.

Người dân xã Khánh Bình, tỉnh Cà Mau phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng lúa. (Ảnh HUỲNH LÂM)
Theo , việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm, sản xuất, chuyển giao các thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện nay còn khó khăn, thiếu đồng bộ do chưa có sự phối hợp, liên kết giữa các thành phần sản xuất, dẫn đến vướng mắc khi chuyển giao và ứng dụng. Phần lớn các nghiên cứu thử nghiệm chỉ dừng ở quy mô phát hiện tiềm năng của sản phẩm trong phòng thí nghiệm, chưa có các bước nghiên cứu chuyên sâu, sản xuất ra thuốc thành phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất ở quy mô lớn và đưa được ra thị trường phục vụ người tiêu dùng.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, các chính sách về phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện nay chưa phù hợp và đủ mạnh để khuyến khích nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Thủ tục, chỉ tiêu đăng ký tuy được cắt giảm đáng kể so với thuốc hóa học nhưng vẫn còn cồng kềnh, rườm rà. Phương pháp kiểm nghiệm đánh giá đối với các thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn bị hạn chế về kỹ thuật.
Hiện nay, nước ta đã có một lực lượng cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, song chưa xây dựng được đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành về thuốc bảo vệ thực vật sinh học để có những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá. Việc nghiên cứu sản xuất loại thuốc này còn dàn trải, chưa tập trung, cho nên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bên cạnh đó, trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học ở quy mô công nghiệp là rất ít, chủ yếu là dây chuyền sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, bán thủ công.
Để nâng cao hiệu quả việc nghiên cứu, ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn kiến nghị, cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát lại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật cũng như toàn bộ quy trình, thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu chất lượng, từ đó điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp thực tế sản xuất.
Cùng với đó, cần phân nhóm cụ thể các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học và xây dựng cơ chế đăng ký phù hợp từng chủng loại. Nhằm phát huy nguồn lực sẵn có của các trung tâm, viện nghiên cứu, Nhà nước cần sớm ban hành chính sách xã hội hóa trong nghiên cứu, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học; bổ sung một số chính sách hỗ trợ khuyến khích và ưu đãi các các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học như: Hỗ trợ các thủ tục để tiếp nhận công nghệ, vay vốn, thuê đất làm nhà xưởng, các ưu đãi về thuế, phí để phát triển sản phẩm. Đồng thời, tập trung đào tạo nhân lực, bảo đảm đúng đối tượng, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực đủ mạnh để thực hiện nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ...