Nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn giá trị lịch sử, ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc ()
LTS - Trong các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm ngày mất của Người, ngày 28-8-2019, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia: '50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh'. Chúng tôi trân trọng giới thiệu Bài phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư.
Thưa các đồng chí, thưa các nhà khoa học!
Trong không khí đồng bào và chiến sĩ cả nước thi đua lập thành tích chào mừng 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9; chúng ta bồi hồi xúc động, nhớ lại cách đây tròn 50 năm, ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; người chiến sĩ cộng sản mẫu mực đã ra đi mãi mãi. Trước khi về với tổ tiên, với cõi vĩnh hằng, Người đã để lại cho chúng ta muôn vàn tình yêu thương và bản Di chúc thiêng liêng - một văn kiện lịch sử quý báu được kết tinh từ giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện sâu sắc nhất tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.
Hôm nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Hội thảo khoa học: "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh". Ðây là dịp để chúng ta nghiên cứu và nhận thức sâu sắc hơn về giá trị lịch sử và ý nghĩa lý luận, vai trò cương lĩnh định hướng của bản Di chúc mà Người để lại cho Ðảng và nhân dân ta. Ðồng thời, qua hội thảo này, chúng ta có dịp nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đã làm được, những thành tựu nổi bật và cả những hạn chế, khuyết điểm cần phải khắc phục, sửa chữa qua chặng đường 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ðảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà khoa học, các vị đại biểu khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa các quý vị đại biểu và các đồng chí!
Ngày 9 tháng 9 năm 1969, tại quảng trường Ba Ðình lịch sử, đông đảo đồng bào và chiến sĩ cả nước cùng đại biểu quốc tế đã thực hiện nghi lễ truy điệu và tiễn đưa Chủ tịch Hồ Chí Minh về nơi an nghỉ cuối cùng. Ðúng vào thời khắc ấy, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế xúc động được lắng nghe bản Di chúc của Người do Bộ Chính trị công bố.
1. Trong Di chúc, Người "trước hết nói về Ðảng", căn dặn những vấn đề trọng yếu nhất về xây dựng và chỉnh đốn Ðảng. Người chỉ rõ: "Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Ðảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân". Ðể Ðảng ta trở thành một đảng cầm quyền trong sạch, vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn vấn đề đoàn kết phải đặt lên hàng đầu: "Ðoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Ðảng và nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Ðảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Ðể có được sự đoàn kết: "Trong Ðảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình... có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau"; "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân".
Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 50 năm qua, Ðảng ta đặc biệt chú trọng đến nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Ðảng, luôn xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và then chốt. Trong các kỳ Ðại hội của Ðảng, Ban Chấp hành Trung ương đã nghiên cứu, bổ sung nội dung xây dựng Ðảng vào Cương lĩnh, Ðiều lệ Ðảng; ban hành các Nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; liên tục trong 2 nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành: Nghị quyết TW 4 (khóa XI), Nghị quyết TW 4 (khóa XII) "về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" và điều này luôn được kết hợp với việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, triển khai cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Cuộc vận động đã trở thành phong trào sinh hoạt chính trị rộng khắp trên phạm vi cả nước. Kết quả, từ Ban Chấp hành Trung ương đến các chi bộ cơ sở, đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều chi bộ, đảng bộ và cán bộ, đảng viên đã được tăng lên. Cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, vai trò lãnh đạo của Ðảng và niềm tin của nhân dân đối với Ðảng. Tuy nhiên, do tác động của bối cảnh tình hình thế giới và những vấn đề mới nảy sinh, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng; phòng, chống tham nhũng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn rất cam go, ác liệt. Như trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiên liệu: "Ðây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Ðể giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân". Bởi vậy, mỗi cấp ủy đảng và đảng viên, với thái độ thẳng thắn, xây dựng, cần nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình, nâng cao ý thức kỷ luật, xây dựng phong cách lãnh đạo, tác phong, thái độ làm việc tôn trọng nhân dân, phục vụ nhân dân; gương mẫu đi đầu trong hoạt động, công tác, nói đi đôi với làm... để có được niềm tin của nhân dân, góp phần xây dựng Ðảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh như di huấn của Người.
2. Trong Di chúc, Người không chỉ nhấn mạnh "trước hết nói về Ðảng", mà còn đặc biệt nhấn mạnh "Ðầu tiên là công việc với con người". Con người trong tư tưởng Hồ Chí Minh là Nhân dân. Người căn dặn lãnh đạo Ðảng, Nhà nước phải có chính sách cụ thể để giúp đỡ, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân sau chiến tranh. Di chúc của Người viết: "Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Thực hiện di nguyện của Người, từ năm 1986, Ðảng ta tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Dù điều kiện khó khăn sau chiến tranh, nhưng đến năm 1989, nông dân được miễn giảm thuế và miễn thuế nông nghiệp theo lời dặn trong Di chúc của Người. Ðời sống nhân dân ta từ miền núi đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị, từ biên cương đến hải đảo không ngừng được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Các đối tượng chính sách như thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người già neo đơn, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người yếu thế trong xã hội luôn được quan tâm, được hưởng các chính sách ưu đãi. Cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới" do Ðảng ta phát động đã được sự hưởng ứng và phát triển rộng khắp, tạo ra diện mạo mới ở nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân cả nước. Với quyết tâm thực hiện di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!", từ một nước nông nghiệp lạc hậu, thường xuyên thiếu lương thực, thực phẩm, phải xin viện trợ và nhập khẩu, đến nay Việt Nam trở thành một nước đang phát triển và đứng trong tốp đầu những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp trên thế giới. Ðến năm 2018, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 245 tỷ USD, đứng thứ 44 thế giới theo GDP và đứng thứ 34 theo sức mua. GDP bình quân đầu người đạt 2.580 USD và khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đã được thu hẹp đáng kể.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cần phải nhận thấy rằng, nước ta hiện nay vẫn ở nhóm thu nhập trung bình thấp. Kinh tế phát triển chưa bền vững, nguy cơ tụt hậu về năng suất lao động, chênh lệch giàu - nghèo trong xã hội vẫn còn lớn; nhiều vấn đề xã hội còn gây bức xúc...; đòi hỏi toàn Ðảng, toàn dân ta phải nỗ lực lao động sáng tạo, tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ vào đời sống sản xuất, tạo nền tảng để tiếp tục xây dựng đất nước Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu, như mong muốn của Bác.
3. Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm sâu sắc đến từng đối tượng cụ thể, nhất là chăm lo thế hệ trẻ, bồi dưỡng "thế hệ cách mạng cho đời sau"; coi đó là một việc "rất quan trọng và rất cần thiết". Thực hiện Di chúc của Người, công tác giáo dục, bồi dưỡng, chăm lo thanh thiếu niên luôn được Ðảng quan tâm chú trọng. Ðảng chỉ đạo xây dựng tổ chức Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là hạt nhân xung kích trên các mặt trận lao động, sản xuất, học tập nghiên cứu sáng tạo... để họ thực sự là đội hậu bị tin cậy của Ðảng.
Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" với các hình thức ngày càng tinh vi, làm cho một bộ phận thanh niên xa rời lý tưởng, lười lao động và học tập, thậm chí có một bộ phận bị các đối tượng xấu dụ dỗ, mua chuộc... Tình hình đó đang đặt ra cho công tác Ðoàn, công tác thanh niên nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề. Thực hiện theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật cho thế hệ trẻ; khuyến khích, cổ vũ thanh niên, thế hệ trẻ nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, tôi luyện, thử thách trong các môi trường khác nhau để có bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách; tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy sức sáng tạo của tuổi trẻ, xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng xuất sắc của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, của đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, của hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Người dành sự quan tâm sâu sắc tới việc củng cố sự đoàn kết trong phong trào cộng sản, giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em: "Tôi mong rằng Ðảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình". Ðó là nhãn quan và đức độ của một danh nhân văn hóa thế giới.
Thực hiện Di chúc của Người, trên tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản trong sáng, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ của các nước dân chủ, tiến bộ và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, Ðảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội.
Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết và hợp tác quốc tế, trong thời kỳ đổi mới đất nước, Ðảng đã lãnh đạo xây dựng và "thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế". Thực hiện đường lối đối ngoại đúng đắn của Ðảng, hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới, trong đó đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với nhiều nước; đồng thời tích cực tham gia vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế; được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc,... Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã góp phần quan trọng vào giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo môi trường hòa bình cho phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Những kết quả đó đã khẳng định tính đúng đắn của đường lối đối ngoại Hồ Chí Minh mà Ðảng ta đã vận dụng thành công vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Thưa các đồng chí!
Có thể nói, những lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc, từng chữ, từng câu thật là giản dị và thiêng liêng. Bản Di chúc của Người đi vào lịch sử như "một kiệt tác bất hủ"; một "bảo vật quốc gia" gắn liền với tên tuổi của Người - Hồ Chí Minh. Hội thảo khoa học kỷ niệm "50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" được tổ chức trọng thể vào lúc toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các chủ trương, mục tiêu và nhiệm vụ trong Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng. Hội thảo cũng là dịp để chúng ta tuyên truyền, cổ vũ mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân học tập và thực hiện tốt những di huấn của Người, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tưởng nhớ anh linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tự hào về một lãnh tụ vĩ đại, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào bởi: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta
đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử".
Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn về những cống hiến to lớn của Người với đất nước và với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như tâm nguyện của Người!
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Kính chúc các vị đại biểu, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, thành công.
Chúc Hội thảo của chúng ta thành công tốt đẹp!
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí, các nhà khoa học đã chú ý lắng nghe!
--------------------------------
() Ðầu đề là của Báo Nhân Dân.