Nghiên cứu vắc-xin phòng Covid-19 đạt nhiều kết quả tích cực
Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 22-7, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) M.Rai-ân cho biết, giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vắc-xin phòng Covid-19 với một số ít người được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vắc-xin đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng.
Theo tin nước ngoài và TTXVN, ngày 22-7, Giám đốc chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) M.Rai-ân cho biết, giới nghiên cứu quốc tế đang đạt được những bước tiến khích lệ trong việc nghiên cứu bào chế vắc-xin phòng Covid-19 với một số ít người được thử nghiệm ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, phải tới đầu năm 2021 mới có thể xác định được khi nào những liều vắc-xin đầu tiên được chính thức đưa vào sử dụng.
Cùng ngày, hai tập đoàn sản xuất dược phẩm Pfizer Inc của Mỹ và BioNTech của Đức cho biết, Chính phủ Mỹ sẽ chi 1,95 tỷ USD để mua 100 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 do hai tập đoàn bào chế, nếu sản phẩm chứng tỏ độ an toàn và hữu hiệu.
* Ngày 22-7, Bộ trưởng Y tế In-đô-nê-xi-a T.Pu-tran-tô cho biết, bộ này đang phối hợp Bộ Tài chính chuẩn bị ngân sách và nhân lực cho việc sản xuất cũng như quá trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Theo đó, Công ty PT Bio Farma sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vắc-xin dự kiến từ tháng 8 tới. Sau đó, Bio Farma sẽ bắt đầu sản xuất vắc-xin trong quý I - 2021.
* Ngày 23-7, kênh truyền hình quốc gia CCTV (Trung Quốc) cho biết, một vắc-xin tiềm năng phòng Covid-19 do Tập đoàn dược phẩm quốc gia Sinopharm bào chế khả năng sẽ được đưa vào sử dụng rộng rãi vào cuối năm nay. Trả lời kênh CCTV, Chủ tịch Sinopharm Lưu Kính Trinh tuyên bố tập đoàn dự kiến hoàn tất thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối ở người trong khoảng ba tháng tới. Như vậy, khả năng vắc-xin sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2020, sớm hơn so với dự kiến ban đầu là năm 2021.
* Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế I-ran X.Na-ma-ki cho biết, một vắc-xin tiềm năng phòng Covid-19 do các nhà khoa học nước này bào chế đã vượt qua cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu. Đây là một thành công đáng kể của I-ran trong việc sản xuất vắc-xin phòng căn bệnh chết người này.
* Sáng 23-7, Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc thông báo, trong ngày 22-7 Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 22 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó có 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng và ba ca nhập cảnh. Trong 19 ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, 18 ca tập trung tại vùng tự trị Tân Cương và 1 ca tại tỉnh Liêu Ninh.
* Hàn Quốc ghi nhận ngày 22-7 nước này có số ca lây nhiễm mới trong cộng đồng cao nhất trong 18 ngày qua, với 39 trường hợp, trong đó 11 ca tại thủ đô Xơ-un. Cùng ngày, Hàn Quốc có thêm 20 ca nhiễm mới nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 13.938 ca. Số ca Covid-19 nhập cảnh Hàn Quốc liên tục tăng theo ngày ở mức hai con số trong 28 ngày liên tiếp.
* Ngày 23-7, giới chức Ấn Độ cho biết, nước này đã ghi nhận thêm 45.720 ca nhiễm Covid-19 trong một ngày. Đây là ngày có số ca mắc Covid-19 cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số người mắc bệnh lên hơn 1,2 triệu, trong đó có 29.861 người chết. Ma-ha-ra-xtra, Ta-min Na-đu, Đê-li và Gu-gia-rát là những bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch.
* Cùng ngày, chính quyền thủ đô Tô-ki-ô của Nhật Bản thông báo lần đầu ghi nhận hơn 300 ca mắc Covid-19 trong một ngày. Số ca mắc Covid-19 tại thủ đô Tô-ki-ô và một số vùng đô thị ở Nhật Bản đã tăng mạnh kể từ khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5 vừa qua. Thủ đô Tô-ki-ô đã nâng cảnh báo đại dịch lên mức cao nhất. Tính đến nay, thủ đô Tô-ki-ô ghi nhận 10.054 ca mắc Covid-19.
* Ngày 23-7 (giờ Việt Nam), số liệu của Đại học Johns Hopkins cho biết, trên cả nước Mỹ ghi nhận thêm 63.967 ca nhiễm trong một ngày. Đến nay, tổng số ca bệnh ở Mỹ tăng lên hơn 4,1 triệu ca, trong đó hơn 146.000 người chết. Với gần 415.000 ca mắc Covid-19, Ca-li-pho-ni-a đã vượt Niu Oóc, trở thành bang có số ca nhiễm cao nhất nước Mỹ. Hơn 7.800 người ở Ca-li-pho-ni-a đã chết do Covid-19.
* Cùng ngày, Thị trưởng thành phố Niu Oóc Đ.Bla-xi-ô tuyên bố, đến đầu tháng 9 tới, ông mới quyết định có mở lại các trường học tại thành phố này hay không bởi vấn đề quan trọng nhất vẫn là phải bảo đảm an toàn cho người dân. Ông cũng tuyên bố các trường chỉ được mở lại học trực tiếp toàn phần khi nước Mỹ có vắc-xin phòng Covid-19 phát cho người dân.
* Quốc hội I-xra-en tối 22-7 đã thông qua luật cho phép chính phủ nước này toàn quyền áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan mà không cần phải đưa ra tranh luận trước Quốc hội. I-xra-en cùng ngày đã ghi nhận 2.043 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 56.085 người. Số người chết cũng tăng lên 430.
* Bộ Y tế liên bang và các bang ở Đức ngày 22-7 nhất trí sẽ tiến hành xét nghiệm ngay tại sân bay với du khách nhập cảnh Đức từ các quốc gia có nguy cơ cao với dịch Covid-19. Kế hoạch sẽ tiếp tục được thảo luận cụ thể để có thể sớm triển khai. Hiện người nhập cảnh Đức từ các nước có nguy cơ cao phải tự cách ly trong 14 ngày.
* Nam Phi hiện là tâm điểm chú ý trên bản đồ Covid-19 toàn cầu sau khi trở thành quốc gia có tổng số ca mắc cao thứ 5 thế giới, tăng gần gấp bốn lần chỉ trong một tháng qua, bất chấp việc nước này được đánh giá là một trong những quốc gia áp dụng các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt nhất thế giới. Đến nay, Nam Phi có 394.948 ca nhiễm Covid-19, đứng thứ 5 sau Mỹ, Bra-xin, Ấn Độ và Nga. Trong đó, nước này ghi nhận 5.940 người chết.