Nghiên cứu, vận dụng những bài học quý trong giai đoạn mới

LTS: Hội thảo khoa học 'Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc' do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 4 tổ chức đã nhận được gần 50 tham luận của thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Quân khu 4; các anh hùng, tướng lĩnh, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhân chứng lịch sử. Báo QĐND trân trọng trích đăng một số tham luận.

Thiếu tướng Phan Khắc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nguyên Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân:

Những tuyến đường huyết mạch tại Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong những ngày tháng đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Bình, sự chỉ đạo của Quân khu 4 và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân tỉnh Quảng Bình (tuyến đầu của Quân khu 4) đã mở 3 tuyến đường: Tuyến đường bộ từ Tây Nam huyện Lệ Thủy vào Làng Ho-Sở chỉ huy tiền phương của Đoàn 559, từ đây chuyển tiếp vào Trị-Thiên, Quân khu 5; tuyến đường biển xuất phát từ thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch chở vũ khí, thuốc men vào Nam Trung Bộ, để lại những bài học quý báu cho Bộ tư lệnh Hải quân tiếp tục mở Đường Hồ Chí Minh trên biển thắng lợi; tuyến đường hàng không với chuyến bay thử nghiệm lấy hàng từ sân bay Đồng Hới, thả hàng xuống địa điểm ở Tây Nam huyện Lệ Thủy thành công. Những tuyến đường này trở thành huyết mạch vận chuyển chi viện cho tiền tuyến, là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm và sự hy sinh vô bờ bến của bao thế hệ.

Cùng với việc mở những tuyến đường huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men và đưa các đơn vị bộ đội từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, hàng nghìn người con ưu tú của quê hương Quảng Bình được lựa chọn từ các đơn vị bộ đội Quân khu 4 dự huấn luyện đi B bổ sung, chi viện cho chiến trường Trị-Thiên, góp phần quan trọng hình thành và phát triển lực lượng Quân giải phóng, làm nên những chiến công vang dội mà điển hình là làm chủ thành phố Huế 26 ngày đêm trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Đại thắng mùa xuân 1975, giải phóng Thừa Thiên - Huế ngày 26-3-1975.

Những việc nêu trên chỉ là vài “mảnh ghép” trong bức tranh hoành tráng nhiều thành tích, đóng góp của quân và dân Quân khu 4 nói chung, tỉnh Quảng Bình nói riêng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; phản ánh quyết tâm sắt đá, tinh thần quật cường của quân và dân nơi đây trong cuộc chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước.

Thiếu tướng TRỊNH VĂN HÙNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4:

Phát huy truyền thống “Hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân Khu 4 đã huy động sức người, sức của cho chiến trường, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn với tiền tuyến lớn. Hàng chục vạn con em Khu 4 đã nhập ngũ tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Các đơn vị chủ lực nối tiếp nhau ra trận, đơn vị này lên đường, ở hậu phương lại tiếp tục tổ chức xây dựng các đơn vị khác để nối tiếp. Vượt qua gian khổ, hy sinh, quân và dân ở các vùng bị địch chiếm đóng đã kiên cường bám đất, “một tấc không đi, một ly không rời”, chiến đấu dũng cảm, vừa tiêu diệt sinh lực địch, vừa xây dựng lực lượng, giải phóng quê hương. Hậu phương-tiền tuyến Quân khu 4 phối hợp nhịp nhàng, cùng "chia lửa" chiến đấu, vừa sản xuất giỏi, vừa chiến đấu giỏi, chiến trường càng thắng lớn thì hậu phương càng phấn khởi hăng hái sản xuất, thi đua lập công.

Truyền thống “Hậu phương, tiền tuyến đồng lòng, luôn vì cả nước, với cả nước” được phát triển rực rỡ và là niềm tự hào của nhân dân cùng LLVT Quân khu 4, xứng đáng với lời khen ngợi của Bác Hồ: “Quân và dân Quân khu 4 rất xứng đáng là tuyến đầu của miền Bắc anh dũng”.

Những chiến công, thành tích của quân và dân Khu 4 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vừa thể hiện tinh hoa, khí phách của dân tộc, của Quân đội ta, vừa có những nét đặc trưng, bản sắc của vùng đất và tư chất của con người nơi đây; là kết tinh của ý chí, nghị lực, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm của quân và dân trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Những giá trị truyền thống đó là động lực để LLVT Quân khu 4 tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc”. Ảnh: TUẤN HUY

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Quân khu 4 - Tiền tuyến kiên cường, hậu phương vững chắc”. Ảnh: TUẤN HUY

Đồng chí NGUYỄN DUY LÂM, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh:

Xây dựng hậu phương vững mạnh - yếu tố then chốt bảo đảm thắng lợi

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Tĩnh vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường Bình Trị Thiên, Khu 5, Bắc Tây Nguyên và Trung-Hạ Lào, vừa giữ vai trò “tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa”. Đây là nơi tập kết cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị chủ lực, binh chủng, quân chủng chuẩn bị tham gia các chiến dịch.

Với vị trí chiến lược quan trọng, Hà Tĩnh trở thành địa bàn bị địch đánh phá ác liệt. Quân và dân Hà Tĩnh đã kiên cường bám trụ, chiến đấu dũng cảm, đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lập nên những chiến công vang dội, hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ hậu phương, chi viện đắc lực cho các chiến trường miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Phát huy truyền thống và những bài học kinh nghiệm về xây dựng hậu phương, chi viện tiền tuyến trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả lĩnh vực. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,48%; tổng thu ngân sách đạt hơn 18.100 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được triển khai đồng bộ; các dự án trọng điểm của cả nước đoạn đi qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được tập trung chỉ đạo quyết liệt, bảo đảm tiến độ, nhiều nội dung vượt kế hoạch Trung ương giao...

Thời gian tới, Hà Tĩnh tập trung tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh chuyển đổi số; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát huy giá trị văn hóa, con người Hà Tĩnh; khai thác các giá trị, di sản văn hóa gắn với lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử để phát triển du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, không ngừng củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương nước bạn Lào, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế đối ngoại...

Đại tá, PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự (nay là Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam):

Quân khu 4 là hình ảnh thu nhỏ của hậu phương lớn miền Bắc

Trải qua những năm tháng thử thách khốc liệt của cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, cũng như các quân khu khác ở miền Bắc, hoạt động xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương Quân khu 4 có nhiều nét tương đồng.

Đó là quá trình vừa xây dựng hậu phương về mọi mặt; vừa chiến đấu để bảo vệ và không ngừng củng cố, phát huy vai trò của hậu phương. Quá trình đó diễn ra trên tất cả các mặt: Chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa-xã hội. Quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương cũng chính là xây dựng và hoàn thiện thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, do sự chi phối bởi các điều kiện, đặc điểm về tự nhiên, kinh tế và xã hội, nhất là do sự chi phối bởi diễn biến và cường độ khốc liệt của cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc nói riêng, của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung, nên quá trình xây dựng, bảo vệ và phát huy vai trò của hậu phương Quân khu 4 có một số đặc điểm nổi bật, đó là: Hậu phương Quân khu 4 hội tụ đủ cả 3 vùng kinh tế-quốc phòng và 3 chiến trường. Ba vùng kinh tế-quốc phòng là: Vùng rừng núi, vùng trung du đồng bằng và vùng ven biển. Ba chiến trường gồm: Chiến trường A (chiến trường tại chỗ), Chiến trường B (bao gồm B4-Trị Thiên và B5-Mặt trận Bắc Quảng Trị), Chiến trường C (Lào). Xuyên suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), hậu phương Quân khu 4 luôn thể hiện một hình thái khá đặc biệt: Vừa là hậu phương trực tiếp của chiến trường Trị-Thiên và chiến trường Lào, vừa là tuyến đầu chống Mỹ của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa...

Vì thế, có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, hậu phương Quân khu 4 chính là hình ảnh thu nhỏ của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, Tiến sĩ Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam:

Bài học về sự phối hợp của Quân khu 4 với các lực lượng trong chiến tranh nhân dân

Cùng với bài học xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Quân khu 4, bài học về sự phối hợp giữa LLVT Quân khu 4 với các lực lượng trong thế trận chiến tranh nhân dân cũng để lại những kinh nghiệm hết sức quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đó là sự phối hợp giữa các lực lượng của Quân khu, phối hợp với lực lượng chủ lực của Bộ, với các chiến trường, các địa phương trong cả nước và với nước bạn Lào đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để quân và dân Quân khu 4 hoàn thành nhiệm vụ vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó chính là sự kết hợp chặt chẽ hậu phương với tiền tuyến, dân tộc và quốc tế-một trong những quy luật để tồn tại, phát triển và chiến thắng của quân dân ta.

Trong chiến tranh tương lai, dự báo khi xâm lược nước ta, địch sẽ tiến hành chia cắt chiến lược giữa các vùng, miền, nhằm phá vỡ thế liên kết trong tác chiến phòng thủ của ta, tạo thuận lợi cho những hoạt động tác chiến kế tiếp để nhanh chóng giành thắng lợi. Quân khu 4 là địa bàn chiến lược hết sức quan trọng, dễ bị chia cắt, bởi đây là một hướng chiến lược quan trọng trực tiếp với Đồng bằng Bắc Bộ, cùng nhân dân cách mạng Lào giữ vững biên giới phía Tây, bảo vệ vững chắc hành lang Nam-Bắc, là hậu phương chiến lược của cả nước. Do vậy, Quân khu 4 cần vận dụng bài học kinh nghiệm phối hợp giữa các lực lượng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để hoàn thành nhiệm vụ vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ củng cố hậu phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, nâng cao khả năng phòng thủ, xây dựng LLVT có sức chiến đấu cao, hợp tác chặt chẽ với LLVT nước bạn Lào xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, bảo vệ vững chắc địa bàn, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân TRẦN HỮU BÀO:

“Còn người còn trận địa”

Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị, nơi quân Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm: Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn. Điểm cao 595 trước đó địch chiếm đóng, nằm giữa các điểm cao 832, 689, 500, 506 và án ngữ trục phía Tây Đường 9, cách căn cứ Tà Cơn của địch gần 2km. Sau khi quân ta chiếm được điểm cao 595, đơn vị tôi là Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66, Sư đoàn 304) được giao nhiệm vụ chốt giữ, tiêu diệt quân địch.

Với quyết tâm “còn người còn trận địa”, đến ngày 6-4-1968, đơn vị đã có 45 ngày chốt giữ điểm cao 595 trong điều kiện gặp nhiều thiếu thốn, gian khổ. Khoảng 9 giờ cùng ngày, địch ném bom, bắn pháo cối từ sân bay Tà Cơn vào trận địa. Tiểu đội chúng tôi phát hiện nhiều tốp thủy quân lục chiến Mỹ tiến vào trận địa. Khi chúng tiến vào cách khoảng 10-15m, anh em trong tiểu đội kiên cường đánh trả và tiêu diệt tốp đầu; 10 tên lính Mỹ hoảng hốt nhảy xuống hố bom và nhanh chóng bị tiêu diệt... Trận này, Tiểu đội 3 đã lập công lớn, tiêu diệt 65 tên địch, thu 2 súng phóng lựu, 1 súng đại liên, 11 khẩu AR-15 và nhiều lựu đạn mỏ vịt. Sáng 7-4-1968, máy bay, pháo cối địch dồn dập đánh vào điểm cao 595. Khoảng 11 giờ, quân địch tiếp tục tấn công nhưng bị Tiểu đội 3 dùng lựu đạn và súng AK đánh trả; cùng với đó, hỏa lực cối 60, cối 82 của Đại đội 5 và Tiểu đoàn 8 chi viện đã tiêu diệt được nhiều tên địch...

Kết thúc 45 ngày chốt giữ điểm cao 595, đặc biệt là 2 ngày trực tiếp đánh nhau với lính thủy quân lục chiến Mỹ, với sự bí mật, bất ngờ, mưu trí, tạo bạo, đánh gần, đánh hiểm và ý chí kiên cường, chấp hành nghiêm mệnh lệnh của cấp trên, không sợ gian khổ, hy sinh, Tiểu đội 3 đã tiêu diệt 205 tên Mỹ, trong đó tôi tiêu diệt 78 tên. Tiểu đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, cá nhân tôi được tập thể bình xét tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 25-8-1970, tôi vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nghien-cuu-van-dung-nhung-bai-hoc-quy-trong-giai-doan-moi-822512