Nghiên cứu về tiêm chéo mũi tăng cường để bảo vệ trước Omicron
Những người được tiêm mũi tăng cường là vaccine Pfizer/BioNTech sau 2 mũi Astrazenca sẽ nâng cao khả năng bảo vệ trước các triệu chứng khi nhiễm Omicron lên 50% chỉ một tuần sau khi tiêm.
Tạp chí Focus của Đức ngày 2/1 đã đăng tải kết quả nghiên cứu khoa học về “công thức” tiêm chéo vaccine ngừa COVID-19 hiệu quả nhất để bảo vệ trước biến thể Omicron đang lây lan mạnh tại nước này, cũng như nhiều quốc gia khác, trong đó cho rằng việc kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau sẽ cho hiệu quả và thời gian bảo vệ khác nhau.
Nguồn tin cho biết biến thể Omicron đang lây lan mạnh ở Đức với tốc độ gia tăng số ca bệnh mới lên đến 45% trong một ngày. Câu hỏi đặt ra hiện nay là tiêm mũi tăng cường thế nào để bảo vệ cơ thể tốt nhất trước biến thể này.
Một số nghiên cứu cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 vẫn chưa đủ để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm, bởi hiệu quả của vaccine sẽ suy giảm nhanh chóng sau khi mũi thứ hai. Tuy nhiên, tiêm mũi tăng cường sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm và bệnh trở nặng.
Theo dữ liệu từ Anh, vaccine công nghệ mRNA (Pfizer/BioNTech và Moderna) có hiệu quả tốt nhất khi tiêm mũi tăng cường để chống lại biến thể Omicron.
Vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca sẽ có tác dụng bảo vệ khoảng 30% trước biến thể Omicron trong vòng 5-9 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai. Sau 15-19 tuần, những người đã được tiêm 2 mũi vaccine này hầu như không còn được bảo vệ trước biến thể Omicron.
Những người được tiêm mũi tăng cường là vaccine Pfizer/BioNTech sau 2 mũi Astrazenca sẽ nâng cao khả năng bảo vệ trước các triệu chứng khi nhiễm Omicron lên 50% chỉ một tuần sau khi tiêm. Sau 2-4 tuần, hiệu quả tăng lên 60%, nhưng sau hơn 10 tuần lại giảm xuống còn 30%. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Delta vẫn ở mức cao hơn 80% trong cùng thời gian này.
Những người được tiêm mũi tăng cường là vaccine Moderna sau 2 mũi Astrazenca sẽ có khả năng miễn dịch cao hơn trước biến thể Omicron. Cụ thể, hiệu quả sẽ tăng lên gần 60% một tuần sau mũi thứ ba và tăng cao hơn nữa trong tuần thứ tư. Sau 5-9 tuần, hiệu quả bảo vệ giảm xuống dưới mức 50%. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn rất cao đối với biến thể Delta, từ 90- 100% trong cùng thời gian.
Với các trường hợp tiêm hai mũi đầu là vaccine ngừa COVID-19 Pfizer/BioNTech, hiệu quả bảo vệ trước các triệu chứng khi nhiễm biến thể Omicron sau từ 2-4 tuần là 60%. Tuy vậy, hiệu quả sẽ giảm dần và sau từ 20-24 tuần hầu như không còn hiệu quả bảo vệ trước Omicron. Đối với biến thể Delta, hiệu quả sẽ giảm từ 90% xuống mức hơn 60% trong khoảng thời gian này.
Đối với những người đã tiêm 2 mũi đầu và mũi tăng cường đều là vaccine Pfizer/BioNTech, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron sau 1 tuần lên tới 70%; sau 10 tuần sẽ giảm xuống còn khoảng 50%. Đối với biến thể Delta, hiệu quả bảo vệ vẫn ở mức 90-100%.
Đối với những người đã tiêm 2 mũi đầu là vaccine Pfizer/BioNTech, khi tiêm mũi tăng cường là vaccine Moderna sẽ có hiệu quả bảo vệ tốt nhất, sau một tuần lên tới 80%. Sau 5-9 tuần, hiệu quả vẫn còn ở mức trên 70%. Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu nghiên cứu sau thời điểm này.
Với các trường hợp tiêm 2 mũi đầu là vaccine Moderna, hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron sau từ 2-4 tuần là 50% sau khi tiêm mũi thứ hai. Sau khoảng 19 tuần, vaccine này hầu như không còn hiệu quả trước Omicron; trong khi đối với Delta, hiệu quả vẫn mức xấp xỉ 80%. Hiện chưa có số liệu nghiên cứu về hiệu quả của mũi tăng cường với cùng loại vaccine này hoặc với vaccine khác sau khi đã tiêm 2 mũi Moderna.
Các nhà virus học cảnh báo việc tiêm mũi tăng cường cũng sẽ giảm hiệu quả theo thời gian. Vì vậy, người dân không nên bỏ qua các biện pháp phòng ngừa do đã được tiêm mũi tăng cường, bởi đã có nhiều trường hợp được tiêm mũi tăng cường song vẫn mắc bệnh và lây nhiễm cho người khác.
Một nghiên cứu quy mô nhỏ ở Áo (được thực hiện với gần 100 người) cho thấy những người đã được tiêm 1 hoặc 2 mũi vaccine Pfizer/BioNTech, sau đó bị mắc COVID-19 (hoặc nhiễm bệnh trước, sau đó được tiêm vaccine Pfizer/BioNTech), sẽ tạo nên cái gọi là “siêu kháng thể” có khả năng vô hiệu hóa biến thể Omicron.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo không nên cố ý mắc COVID-19 để có được “siêu kháng thể”, bởi đây chỉ là một nghiên cứu có quy mô nhỏ./.