Nghiên cứu, xây dựng và làm chủ trang thiết bị, sản xuất hải đồ hiện đại

10 năm liên tục (2011-2020), Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển (Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân) luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thường vụ Quân ủy Trung ương tặng Cờ 'Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu' và được Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân tặng Cờ đơn vị dẫn đầu Phong trào thi đua Quyết thắng.

Trước yêu cầu bảo đảm đo đạc, khảo sát, lập hải đồ đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng hải quân và phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 22-2-1964, Cục Hải quân (nay là Quân chủng Hải quân) ra Quyết định số 237/HQ-B4 sáp nhập hai đơn vị Đội 6 và Đội 8 đo đạc biển, thành Đại đội 6 đo đạc biển, đơn vị tiền thân của Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển, ngày nay. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn và sự đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6 đã trực tiếp thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đo đạc, khảo sát luồng lạch, xác định vị trí xây dựng khu trú đậu cho tàu thuyền, quân cảng, căn cứ hải quân, các hang hầm sơ tán cất giấu tàu thuyền quân sự... góp phần đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên miền Bắc nước ta. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975) đến nay, Đại đội 6 được quan tâm phát triển về tổ chức và lực lượng, thành lập Đoàn 6, Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển hiện nay, gồm các cơ quan, hải đội chuyên môn, đồng thời trang bị nhiều tàu chuyên dụng, khí tài đo đạc hiện đại. Đoàn đã làm chủ trang bị và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ đo đạc, thành lập mới hải đồ các loại tỷ lệ. Đoàn tham gia khảo sát đo đạc thực hiện các đề tài, chương trình, dự án có liên quan đến biển như: Đo đạc thành lập mới hệ thống hải đồ vùng biển Việt Nam, khu vực Trường Sa, DK1; đo đạc thành lập hải đồ các khu vực cửa sông, cảng biển, các đảo trên các tỷ lệ khác nhau phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; khảo sát đo đạc xác định các điểm cơ sở lãnh hải phục vụ Nhà nước tuyên bố đường cơ sở, vùng lãnh hải và phân định Vịnh Bắc Bộ. Đoàn còn tham gia cùng Ủy ban Quốc tế (IOC) Việt Nam biên tập bản đồ độ sâu vùng biển Tây Thái Bình Dương, góp phần khẳng định chủ quyền của nước ta trên Biển Đông, mở rộng hợp tác quốc tế về khoa học biển.

Chỉ huy Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển kiểm tra công tác bảo quản của Hải đội 695. Ảnh: DƯƠNG HÀ

Chỉ huy Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển kiểm tra công tác bảo quản của Hải đội 695. Ảnh: DƯƠNG HÀ

Quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng về chiến lược biển và phát triển kinh tế biển, đoàn được Quân chủng Hải quân giao nhiệm vụ tham gia nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án cấp Nhà nước về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam; dự án đo đạc thành lập bản đồ biển thuộc “Đề án quy hoạch tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên-môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” của Chính phủ; đo đạc phục vụ thăm dò và khai thác dầu khí... Đoàn hợp tác tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học với Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hải dương học, Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga... trong khảo sát đo đạc, nghiên cứu biển; điều tra, khảo sát thành lập bản đồ từ trường khu vực huyện đảo Trường Sa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Đến nay, đoàn đã và đang sản xuất nhiều loại sản phẩm, như các loại hải đồ giấy, bản đồ số, hải đồ điện tử, các bản đồ quân sự chuyên dụng có chất lượng cao, bảo đảm độ chính xác, tin cậy đưa vào sử dụng. Các sản phẩm bản đồ biển của đoàn đều hợp chuẩn kỹ thuật do Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO) ban hành và được chuyên gia quốc tế như: Anh, Pháp, Nga, Na Uy... đánh giá đạt chất lượng cao.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đã quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật có trình độ cao và đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang bị kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, hơn 90% cán bộ của đoàn có trình độ đại học và sau đại học; cán bộ, nhân viên chuyên môn làm chủ được các hệ thống trang thiết bị hiện đại: Đo sâu đa tia vùng nước nông, nước sâu; quét biển Side Scan Sonar; đo địa vật lý biển; cùng các công nghệ mới, hiện đại về đo đạc, bản đồ, như: Hypack, Caris... đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của IHO.

Thời gian tới, công tác đo đạc và nghiên cứu biển phục vụ cho nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ngày càng nặng nề, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao, với truyền thống “Khắc phục khó khăn, phát triển toàn diện, làm chủ kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển phát huy kinh nghiệm, nỗ lực học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tập trung xây dựng các loại bản đồ chuyên dùng có độ chính xác cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển. Đảng ủy, chỉ huy đoàn lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, thủ trưởng cấp trên về việc ban hành hệ thống văn bản pháp lý quản lý quốc gia trong lĩnh vực đo đạc biển; triển khai chương trình trọng điểm xây dựng Đề án “Phát triển ngành thủy đạc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”; dự án “Đóng mới tàu khảo sát đo đạc, nghiên cứu biển” và tham gia với IHO... Cùng với đó, toàn đoàn đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, góp phần xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, hiện đại.

Đại tá HÀ QUYẾT CHIẾN, Chính ủy Đoàn Đo đạc, Biên vẽ hải đồ và Nghiên cứu biển

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nghien-cuu-xay-dung-va-lam-chu-trang-thiet-bi-san-xuat-hai-do-hien-dai-651866