Nghiện game có thể dẫn đến tự sát
Bỏ học để 'cày' game thâu đêm suốt sáng, khi không được đáp ứng thì sẽ trở nên hung dữ, đập phá đồ đạc thậm chí đánh lại các thành viên trong gia đình… là những biểu hiện của những người 'nghiện' game. Theo các chuyên gia, những trường hợp nghiện game quá nặng có thể gây hại cho người khác hoặc tự sát.
Bỏ học “cày” game thâu đêm
Từng là một học sinh bình thường như nhiều bạn đồng trang lứa, nhưng từ khi biết đến game online cậu học sinh tên N.T.H (15 tuổi) đã bỏ học chỉ để “cày” game.
Theo chia sẻ của chị N.T.N (Đan Phượng, Hà Nội) chị gái của N.T.H: “Gia đình phát hiện H. chơi game từ khoảng 2 năm nay, nhưng thời gian gần đây bắt đầu thấy H. có biểu hiện thức thâu đêm để chơi game. H. cũng bỏ học từ năm lớp 9 gia đình khuyên nhủ đi học nhưng H. nhất định không chịu đi học mà chỉ ở nhà. Rồi cứ ngày này qua ngày khác chỉ chơi game online. Khi gia đình phát hiện, dùng các biện pháp “cưỡng chế” thu máy không cho chơi thì em H. có biểu hiện khùng lên, đập phá đồ đạc, có khi còn đánh lại cả người nhà”.
Cũng theo chị N., gia đình đã đưa H. đi khám tại Viện sức khỏe Tâm Thần, tại đây các bác sĩ sau khi thăm khám đã kết luận H. bị rối loạn tâm thần và kê thuốc điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, tình trạng nghiện game ở H. vẫn không thuyên giảm. Đỉnh điểm là từ khi nghỉ dịch Covid-19 H. thức xuyên đêm để chơi game, còn ban ngày thì chỉ ngủ. Cùng với đó, H. sút cân rất nhiều, không tha thiết tới những hoạt động sinh hoạt, vui chơi như mọi người mà chỉ quanh quẩn với game online.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp các bạn trẻ nghiện game dẫn đến ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần. Đã có những trường hợp nghiện game và học theo trong game gây ra những sự việc đau lòng.
Để tìm câu trả lời cho câu hỏi game online có ma lực thế nào mà khiến nhiều học sinh mê mẩn, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã trao đổi với Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Viện sức khỏe Tâm Thần, Bệnh viện Bạch Mai về nội dung trên.
Theo BS Huệ: “Nghiện game là một bệnh lý của chuyên ngành tâm thần. Theo phân loại quốc tế ICD 10 thì đây là nghiện hành vi và ICD 11 đã có trong tiêu chuẩn chuẩn hóa. Và đây chính là một bệnh lý của chuyên ngành tâm thần. Các bạn trẻ được coi là nghiện game sẽ có những tiêu chuẩn như khó khăn trong việc kiểm soát trong việc sử dụng game có thể về mặt thời gian, tần suất sử dụng, cường độ sử dụng và hoàn cảnh sử dụng”.
Cũng theo BS Huệ, những người nghiện chơi game không biết chơi một ngày bao nhiêu tiếng, khi nào dừng lại, mức độ chơi như thế nào, người ta không kiểm soát được vấn đề đấy. Đặc biệt, những người nghiện game sẽ ưu tiên cho việc sử dụng game hơn là những công việc hàng ngày, kể cả viêc học - đối với người đang đi học. Mặc dù đã có bằng chứng rõ rệt về hậu quả của game gây ra nhưng người ta vẫn tiếp tục sử dụng game.
Sức khỏe suy kiệt, não bị tổn thương vì nghiện game
Theo BS Huệ, nghiện game có tác hại về mặt thể chất, đó là ảnh hưởng đến cơ thể, đầu tiên chắc chắn là mắt, mắt sẽ bị rối loạn. Thứ hai là tay, hoạt động quá nhiều sẽ khiến ống cổ tay có vấn đề, chưa kể những rối loạn về mặt giấc ngủ, người nghiện game sẽ danh rất nhiều thời gian để chơi game. Những bạn học đại học, cấp 3 cấp 2 nghiện game thường suy kiệt rất là nhiều do các bạn chỉ dành thời gian chơi game thôi mà không ăn uống gì cả, sẽ gây ra rồi loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống. Ngoài ra về mặt tâm thần, dấu hiệu trầm cảm có thể có, sẽ cảm thấy cô đơn, cảm thấy mình không hợp với thế giới bên ngoài mà phù hợp với thế giới bên trong game.
“Người nghiện game có thể có hiện tượng phối hợp, đồng diễn với bệnh lý tâm thần. Ban đầu có thể chỉ là chơi game thôi, dần dần có những dấu hiệu như dễ bị nhạy cảm, cáu gắt, kích động, thậm chí có những hành vi tự sát. Có những trường hợp nghiện game suy kiệt có thể nghiêm trọng, có thể sút cân trong vòng 1 tháng bởi vì không ăn uống, ngủ nghỉ gì cả, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Hơn nữa còn gây ra vấn đề lạm dụng chất nữa, tỉ lệ các bạn sử dụng ma túy rất nhiều chứ không phải ít, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Khi đã lạm dụng ma túy thì chính ma túy gây rối loạn tinh thần nữa vậy nên rất là nguy hiểm”, BS Huệ nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, với những bạn nghiện game, đối với mặt xã hội, đối với những người đang đi học không tiếp thu được những cái mới và sẽ ảnh hưởng đến việc học hành. Hơn nữa còn ảnh hưởng đến các mối quan hệ bạn bè, đang lứa tuổi đi học mà các mối quan hệ xã hội bị thu hẹp lại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển. Đối với những người đang đi làm, công việc chính là kiếm tiền, nhưng giờ lại tập trung vào game, không những tiền mất, công việc mất, các mối quan hệ gia đình, xã hội, đồng nghiệp chắc chắn sẽ bị rối loạn hết.
Nghiện game chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Theo BS Huệ, cần xác định bệnh nhân nghiện game thuộc dạng bệnh lý song hành hay đơn thuần là nghiện game, bởi thuốc đặc hiệu cho bệnh này chưa có. Giả sử bệnh nhân nghiện game với bệnh lý song hành với bệnh lý trầm cảm thì cần phải điều trị lâu dài, ít nhất phải tính bằng năm chứ không thể tính bằng tháng. Nếu bệnh nhân liên quan đến sử dụng chất nữa, thì phải xác định điều trị tính bằng năm, và điều trị sao cho bệnh nhân không sử dụng lại chất nữa. Điều này liên quan đến tâm lý rất nhiều, cần tư vấn tâm lý cho gia đình và bệnh nhân để làm sao cho bệnh nhân biết được là tác hại của game, tác hại của ma túy rất là nghiêm trọng bởi game không có thuốc đặc trị và thường là bệnh lý song hành.
“Thông thường bệnh nhân trong giai đoạn điều trị, được gọi là điều trị cắt cơn, khi các bạn nghiện game mà không được chơi nữa, sẽ có những phản ứng như là cáu gắt, đập phá, phản ứng lại với gia đình. Trong khoảng hai tuần đầu tiên, những triệu chứng đấy sẽ giảm đi, khi bệnh nhân về nhà thì cần được điều trị tiếp, những hành động đấy không còn nữa, nhưng vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường, môi trường xung quanh đặc biệt là quyết tâm của chính người bệnh. Tiếp theo la cần điều trị tận gốc, đối với các bệnh nhân bị trầm cảm trước khi nghiện game, thì cần giải quyết cả hai vấn đề là trầm cảm và nghiện game”, BS Huệ cho biết.
Để phòng tránh việc các bạn trẻ quá sa đà vào những trò game online dẫn đến nghiện gia đình cần phải quan tâm nhiều hơn đến các bạn. Theo BS Huệ: “chúng ta phải xác định rõ quan điểm, đó là chơi game không phải không tốt, tất nhiên cũng có mặt lợi, game có thể làm cho đầu óc thoải mái hơn, nhanh nhạy về hoạt động trí não, chân tay. Tất nhiên cái gì cũng phải có giới hạn, nếu chơi nhiều quá thời gian quy định nếu chơi trên 3 tiếng/ngày thì cần đưa ra cảnh báo. Còn chơi game dưới 2 tiếng/ngày mà không ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần vẫn thoải mái vui vẻ thì không vấn đề gì cả”.
Thông thường cha mẹ cấm tuyệt đối con không được chơi game, điều này chưa chắc đã đúng bởi nhiều khi càng cấm sẽ càng khiến các con muốn chơi hơn, và cha mẹ cũng không thể cấm được suốt. Cha mẹ phải để cho con nhận thức được chơi game ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần. Khi các con nhận thức được vấn đề này, sẽ tốt hơn việc cha mẹ chỉ biết cầm đoán.
Đối với người trưởng thành, nếu dùng máy tính, điện thoại để làm việc là vấn đề khác. Còn nếu chơi game thì họ cũng cần được nhận thức đúng hơn về tác hại của game và họ sẽ biết được điểm dừng.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/nghien-game-co-the-dan-den-tu-sat-525821.html