Nghiện ma túy được xem là căn bệnh mãn tính

Trước đây, xã hội thường nhìn nhận người nghiện ma túy là tội phạm, cần phải bắt giữ. Nhưng theo đề án đổi mới công tác nghiện của Chính phủ, giờ đây nghiện ma túy được xem là căn bệnh mãn tính, người nghiện ma túy là người bệnh cần được chữa trị. Để điều trị tận gốc, giúp người nghiện cai nghiện thành công không phải là điều dễ dàng.

Có bạn đi 30-40km đến “mái nhà” tư vấn Long Điền.

Có bạn đi 30-40km đến “mái nhà” tư vấn Long Điền.

Do đó, theo các chuyên gia, các bác sỹ, cùng với việc để người nghiện tiếp cận dần dần với điều trị tự nguyện tại cộng đồng và với sự quan tâm chung tay của xã hội thì cơ hội khỏi bệnh của người nghiện sẽ là lớn…

Ngại… “dán nhãn ghi danh”

Vừa qua, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - SCDI phối hợp Sở LĐTB&XH tỉnh tổ chức Hội thảo Tư vấn và điều trị nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng và chương trình thực tế cho các nhà báo tại Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng huyện Long Điền.

Từ góc độ của người làm công tác giảm hại, điều trị, chuyên gia Giảm hại và Điều trị nghiện SCDI, bà Đỗ Thị Ninh Xuân cho biết, tỷ lệ vi phạm pháp luật của người nghiện ma túy đang có xu hướng giảm, nhưng số người nghiện ma túy lại tăng lên rất nhanh và tập trung vào loại ma túy dạng đá.

Để giúp những người nghiện không tái nghiện và tái hòa nhập cuộc sống thì cần sự chung tay giúp của gia đình, cộng đồng xã hội và chính bản thân người nghiện cần được điều trị đúng cách với các biện pháp y tế và tâm lý xã hội. Hiện cả nước có khoảng 235.000 người có hồ sơ quản lý về nghiện ma túy, trong đó có khoảng 50% là nghiện heroin, còn lại là nghiện ma túy tổng hợp, mà chủ yếu là ma túy dạng đá.

Theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, điều trị sớm sẽ giảm thiểu tác hại, tuy nhiên việc “dán nhãn, ghi danh”, có hồ sơ quản lý cũng là một trở ngại rất lớn khi người đó hòa nhập cộng đồng. Bởi họ thường bị kì thị, khó xin việc hay làm việc gì cũng không được tin tưởng.

Nhìn lại gần 10 năm trước về công tác cai nghiện ma túy, bà Ninh Xuân chia sẻ, Đề án đổi mới công tác cai nghiện được ra đời trong bối cảnh những năm 2009-2012, hàng chục ngàn lượt người cai nghiện ma túy trong cơ sở cai nghiện hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc, chủ yếu là 2 năm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, sau 4 năm “kiêng cữ”, trở về cộng đồng, sau vài ba tháng thì phần lớn số người này đã tái nghiện.

Cũng trong các năm 2010-2013, tại nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế đã đưa ra kết luận nghiện ma túy là bệnh của não bộ, mãn tính, làm ảnh hưởng đến các chức năng của não bộ, gây những tác động về tâm lý và hành vi, nhưng có thể điều trị được và cần thực hiện đồng bộ các biện pháp y tế, tâm lý xã hội, hỗ trợ hòa nhập; đồng thời cũng đưa ra các kết quả thực hiện các liệu pháp y tế, xã hội hiệu quả đã được chứng minh trong nhiều năm ở các nước.

Đề án Đổi mới công tác cai nghiện đã được ra đời trong một tiếp cận toàn diện về y tế, pháp lý, tâm lý xã hội, giảm cai nghiện bắt buộc, tăng cường năng lực chuyên môn của cán bộ, giảm cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng thêm các cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Đến nay, việc giảm gần 25.000 lượt người cai nghiện tập trung tại cơ sở cai nghiện bắt buộc trong các năm vừa qua tương đồng với việc có khoảng 20.000 lượt người tăng cơ hội việc làm, có thể ở nhà với vợ con, cha mẹ, tăng cơ hội cải thiện các quan hệ gia đình.

Theo bà Ninh Xuân, nếu xem xét tỉ lệ tái nghiện phổ biến sau cai một năm ở trung tâm và cộng đồng đều tương đương 90% thì cai nghiện tại cộng đồng đầu tư chi phí thấp hơn, trong một năm chỉ tương đương 10-15% so với cai nghiện bắt buộc tại trung tâm.

Các trường hợp ngáo đá gây nguy hiểm cho xã hội hiện nay chủ yếu do tác động của biện pháp can thiệp dự phòng thứ cấp đã không giáo dục, can thiệp kịp thời cho người bắt đầu sử dụng làm xảy ra hành vi nguy cơ đột ngột. Chúng ta mới chỉ chủ yếu phòng ngừa dựa trên tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan tới xử lý hành vi vi phạm, bà Xuân nhấn mạnh.

Đánh thức… quyết tâm cai nghiện!

Hiện bên cạnh hình thức tổ chức cai nghiện tại gia đình cộng đồng, có 23 tỉnh thành phố thí điểm thành lập Điểm tư vấn cai nghiện tại cộng đồng. Từ năm 2014, 4 tỉnh thành phố: Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, TP HCM đã triển khai thí điểm mô hình Điểm tư vấn với sự hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng ở 22 xã, phường, thị trấn.

Dịch vụ tại Điểm bao gồm tiếp cận cộng đồng, sàng lọc nguy cơ, sàng lọc các rối tâm các rối loạn tâm thần do sử dụng ma túy, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm, tư vấn gia đình, cắt cơn giải độc, giảm hại, cứu sốc, hỗ trợ quá trình hồi phục, nội trú ngắn hạn, ngoại trú, chuyển gửi điều trị Methadon. Điểm tư vấn đã góp phần tạo thành một hệ thống cơ sở điều trị theo các mức độ khác nhau, với dải dịch vụ từ chuyên môn sâu là bệnh viện, cơ sở cai nghiện chuyên trách đến cấp độ y tế cộng đồng.

Đến nay hầu hết các Điểm (đặc biệt là ở tỉnh Khánh Hòa) thường xuyên cung cấp dịch vụ cắt cơn giải độc cho người nghiện heroin, chuyển gửi điều trị Methadone, điều trị triệu chứng cho người sử dụng ma túy đá, tư vấn dự phòng tái nghiện. Trong đó, Khánh Hòa đạt ít nhất 50% không tái nghiện sau 1 năm.

Điều trị Methadone được Tổ chức Y tế Thế giới coi là tiêu chuẩn điều trị vàng cho người nghiện chất dạng thuốc phiện. Theo báo cáo Tổng kết 10 năm của Bộ Y tế, 93,6% số người trước khi tham gia điều trị đã dùng heroin 4-6 lần/ngày, sau 2 năm điều trị Methadone chỉ còn dùng 2-3 lần/tháng. Tình hình vi phạm pháp luật cũng giảm cơ bản, từ trên 40% người sử dụng heroin vi phạm pháp luật, chỉ còn 4% đến dưới 10% theo báo cáo của 44/63 tỉnh thành phố.

Tác động kinh tế, xã hội của điều trị Methadone là khá rõ ràng, trên 90% bệnh nhân nhận thấy được giảm cơ bản sự kỳ thị, tăng cơ hội việc làm, tăng sự tự tin của bản thân và tin tưởng của gia đình, đặc biệt là giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ 20-25% chỉ còn khoảng 5% ở người điều trị Methadone.

Nếu hàng năm điều trị Methadone cho 52.677 bệnh nhân thì mỗi năm tiết kiệm 4.327 tỷ đồng do giảm chi phí cho sử dụng heroin, xử lý các ca vi phạm pháp luật và giảm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Trưởng phòng Phòng chống tệ nạn xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, từ tháng 12/2015 -10/2019, đã có 18 Điểm tư vấn được thành lập và duy trì hoạt động ở 8 huyện, thị xã, thành phố. Từ thực tế của người đã có 30 năm công tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước về tệ nạn xã hội, bà Hương cho rằng, khi người sử dụng ma túy đến trung tâm cai nghiện đã là thành công được một phần.

Bởi, họ đã bỏ được ít nhiều mặc cảm xã hội, chấp nhận sự tiết lộ danh tính. Tuy nhiên, để mô hình này phát huy được hiệu quả cần có cơ chế hỗ trợ cho cán bộ y tế, tư vấn viên, cũng như sự hỗ trợ của cộng đồng, nhất là sự đồng hành của gia đình người sử dụng ma túy. Đến với các điểm tư vấn này, người nghiện được thụ hưởng các dịch vụ cơ bản như: điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị rối loạn tâm thần, sốc thuốc do sử dụng ma túy và các bệnh liên quan.

Ngoài ra, các trường hợp còn được tư vấn sức khỏe, thực hiện nhiều liệu pháp điều trị tâm lý, phòng tái nghiện... Việc tư vấn, xét nghiệm, điều trị cắt cơn đều được miễn phí toàn bộ tại các điểm tư vấn.

Khác với cai nghiện bắt buộc, với mô hình này, trong khoảng 5-7 ngày dùng thuốc cắt cơn, giải độc, người bệnh hoàn toàn được tự do, thoải mái, không bị ràng buộc giam giữ, nếu không chịu đựng nổi có thể ngừng điều trị ra về.

Đặc biệt, việc cho phép người thân, gia đình bệnh nhân cùng tham gia trong quá trình cai nghiện cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực giúp bệnh nhân quyết tâm vượt qua khó khăn, đau đớn. Đồng thời, phải giữ liên hệ với bác sĩ của điểm tư vấn để được hỗ trợ kịp thời, cho bệnh nhân dùng các loại thuốc phù hợp sức khỏe chống lại cơn thèm thuốc và dần quên đi ma túy.

Tuy nhiên, theo bà Thanh Phương, với mức kinh phí hạn hẹp, hàng năm tỉnh hỗ trợ 58 triệu đồng/năm. Thế nên, gần 3 năm cán bộ y tế gần như không có tiền nhưng vẫn làm, dù phải trải qua vô vàn khó khăn ban đầu. Và rồi, từ vận động được vài người cai nghiện, đến nay tại Long Điền, quân số là 20 người, nhưng nhiều khi họ rủ nhau tới đông hơn. Hàng tháng đến sinh hoạt, các Điểm hỗ trợ 30 ngàn /người/lần sinh hoạt.

Cũng có em chia sẻ mới tái sử dụng, tư vấn viên lại tìm cách hỏi thì nói do buồn vì gia đình bất hòa, vợ nhận lương của chồng, nói không tin chồng… khiến chồng chán nản, đi tìm thuốc. Có những bạn đã hoàn toàn bỏ, có những bạn chỉ đi uống, điều trị Methanod ở cộng đồng. Bởi như bạn Phan Tiến Sỹ, sinh năm 1982, trưởng nhóm tại điểm Long Điền chia sẻ, đến đây, anh em được giải tỏa mọi nỗi niềm như khi gia đình không tin tưởng sẽ rất dễ buồn chán, đi chích ma túy trở lại.

Thế nhưng, nếu được nói với nhau và nói chuyện với cô Hồng tư vấn, họ thấy có thể chống lại được cơn thèm thuốc hay buông xuôi. Bởi thế, theo bà Đỗ Thị Ninh Xuân, khi được nhân viên ở điểm cai nghiện đối xử tử tế, tin tưởng thì bệnh nhân sẽ tuân thủ và hợp tác.

Cùng với đó, bà Khuất Thị Hải Oanh (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng) cũng từng chia sẻ, cai nghiện tại cộng đồng là cách tiếp cận mới. Vì vậy, nhân viên, cán bộ điều trị nên tiếp cận người bệnh bằng sự chân tình sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc áp đặt, đưa đi cai nghiện cưỡng bức.

Các điểm cai nghiện tại cộng đồng không nên quan tâm đến việc bệnh nhân có tái nghiện hay không mà điều quan trọng là họ có quyết tâm cai nghiện không. Và chỉ khi cắt cơn quá nhiều lần không thành công thì mới phải tư vấn cho người bệnh điều trị bằng thuốc thay thế Methadon…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/song-khoe/nghien-ma-tuy-duoc-xem-la-can-benh-man-tinh-547251.html