'Nghiện' mạng xã hội: Con cái sẽ nhìn vào cha mẹ
Nhiều bậc cha mẹ bất lực vì con cái 'nghiện' smartphone, mạng xã hội, nhưng lại quên mất nguyên nhân cốt yếu là từ sự thiếu gương mẫu của cha mẹ mà ra.
Bất lực khi con “nghiện” mạng xã hội
Thời gian này, vợ chồng anh Trần Thái H., ngụ Bình Chánh, TP HCM đang hết sức lo lắng về tình trạng “nghiện” mạng xã hội của con trai 10 tuổi. Đến mức, hai vợ chồng còn nghĩ đến cả chuyện tạm cho con nghỉ học, gửi về quê để nhờ ông bà theo sát, rèn “cai nghiện” thiết bị điện tử và mạng xã hội.
Cách đây 3 năm, anh chị cho con sử dụng máy tính, smartphone chủ yếu để học tiếng Anh và một số chương trình học khác, đồng thời cho con xem một số chương trình giải trí sau giờ học. Sau một thời gian, cháu trở nên “nghiện” smartphone. Đến khi giật mình nhìn lại, anh chị mới thấy con suốt ngày chỉ thích cắm mặt vào điện thoại, máy tính bảng để xem clip Youtube, xem TikTok, chơi game online... Cháu không giao tiếp nhiều với ba mẹ, không đi chơi với bạn bè, ngày nghỉ cũng chỉ biết ở nhà lang thang trên mạng, lại có nhiều biểu hiện thiếu tập trung hay bồn chồn...
Lo lắng, anh chị bắt đầu muốn con hạn chế thời gian dùng thiết bị điện tử, không cho lên mạng nữa nhưng không dễ dàng chút nào. Cháu vẫn lén lút tìm mọi cách lên mạng xem clip, thậm chí nói dối cha mẹ đi chơi để lên mạng. Giấu giếm không được, cậu bé bắt đầu tỏ thái độ chống đối, nổi loạn để giành được quyền sử dụng thiết bị điện tử. Hai vợ chồng đang rất bế tắc không biết làm sao để kéo con ra khỏi thế giới ảo đang bủa vây con.
Vợ chồng anh H. không phải trường hợp hiếm gặp khi đối mặt với việc con bị “nghiện”, lâm vào mạng xã hội và thế giới giải trí trên mạng ảo. Đặc biệt là trong 3 năm qua, dịch bệnh hoành hành, nhiều trẻ (nhất là ở TP HCM) phải nghỉ đến trường, học online, không được ra ngoài hay giao lưu cùng bạn bè. Trong thời điểm giãn cách ấy, nếu không cẩn thận, các bậc cha mẹ sẽ để con sa chân vào thế giới mạng, bị cuốn vào đó và thành thói quen khó bỏ.
Theo khảo sát mới đây của Bộ LĐ-TB&XH, trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5 - 7 tiếng/ngày. Đồng thời, chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17, được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.
Đó cũng không phải là nỗi lo riêng của các bậc cha mẹ ở TP HCM hay ở Việt Nam. Xu thế trẻ em tham gia vào mạng xã hội và trở nên “nghiện” đã xuất hiện trên khắp toàn cầu. Như tại Mỹ, kết quả từ một cuộc khảo sát do tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Common Sense Media công bố thời gian qua cho thấy, thời lượng sử dụng thiết bị điện tử ở thanh, thiếu niên tại Mỹ (từ 8 - 18 tuổi) đã tăng 17% trong giai đoạn 2019 - 2021.
Cha mẹ là bài học trực quan cho con
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ sa đà vào mạng xã hội và nghiện các thiết bị điện tử, trong đó có lý do dịch bệnh, trẻ đi theo xu thế chung và cả do sự buông lỏng, dễ dãi của gia đình...
Việc trẻ “nghiện” mạng xã hội sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như dễ bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm, chống đối. Trẻ có thể thay đổi tính nết, lệch lạc về suy nghĩ, nhận thức, thậm chí có hành vi bạo lực hoặc có xu thế thử quan hệ tình dục sớm do những ảnh hưởng tiêu cực từ trên mạng.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, khi phát hiện ra con “nghiện” mạng xã hội, cha mẹ thường có xu hướng ép buộc, mắng mỏ, hoặc tìm mọi phương cách từ nhẹ nhàng đến vũ lực để “cai nghiện” cho con. Cha mẹ cũng thường than trách, đổ lỗi cho con, cộng với thái độ bất lực khi sự việc ngoài tầm kiểm soát. Nhưng điều rất quan trọng là phải làm sao để ngăn chặn từ đầu, không để con trẻ có cơ hội trở thành những “con nghiện” mạng xã hội thì nhiều phụ huynh lại không nghĩ đến.
Theo chuyên gia Lê Thị Minh Nga, có một yếu tố rất quan trọng dễ dẫn đến trẻ “nghiện” mạng mà phụ huynh không để ý, đó chính là con trẻ học từ thói quen hằng ngày của phụ huynh. Nhiều bậc phụ huynh hiện nay rõ ràng là không thể “sống xa” chiếc điện thoại thông minh. Họ sử dụng điện thoại thông minh để lên mạng mọi lúc, mọi nơi, kể cả khi đang ăn, khi đi vào nhà vệ sinh hay cả lúc đang dạy dỗ con. Trẻ con nhìn thấy cha mẹ mình như thế, làm sao không học theo. Rồi cha mẹ đã như vậy thì làm sao có thể bảo ban, ngăn cản không cho con dùng điện thoại, lên mạng?
Chính vì thế, trước hết, cha mẹ cần tự có ý thức sống chuẩn mực. Như thế, con tự khắc học theo để có một lối sống lành mạnh, hữu ích, chứ đừng để đến khi hậu quả xảy đến mới tìm mọi phương cách xử lý.