Nghiện rượu từ năm 18 tuổi, nam thanh niên tự đâm thấu bụng

Trong 2 người thoát chết hy hữu do vết thương rất nguy kịch, có nam thanh niên nghiện rượu 10 năm rồi tự đâm thấu bụng.

Ngày 16-1, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết vừa kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện để phẫu thuật khẩn cấp, cứu sống 2 bệnh nhân bị chấn thương bụng kín và vết thương bụng có nguy cơ tử vong rất cao.

Bệnh nhân thứ nhất là chị N.T.C.T (SN 1996; TP Cần Thơ). Trước nhập viện, chị T. đi ghe máy rồi gặp tai nạn giao thông đường thủy khiến phần bụng bị chèn giữa mũi thuyền và cột bê tông.

Chị T. đã qua cơn nguy kịch sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ

Chị T. đã qua cơn nguy kịch sau ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ

Bệnh nhân được cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ trong đêm với tình trạng rất nguy kịch.

Ê-kíp phẫu thuật đánh giá và xử trí các tổn thương vỡ gan hạ phân thùy III khoảng 3cm, cắt một phần tụy giập, hoại tử, đóng đầu tụy, đem ruột non nối với thân tụy, nối dạ dày – ruột, rửa sạch ổ bụng, dẫn lưu theo dõi…

Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã được truyền 10 đơn vị máu và chế phẩm máu. Thời gian phẫu thuật 4 giờ. Quá trình hồi sức sau phẫu thuật gặp rất nhiều khó khăn nhưng với năng lực chuyên môn của khoa gây mê hồi sức, tình trạng bệnh nhân ổn định và tiến triển theo hướng tốt dần.

Ê-kíp phẫu thuật vui mừng sau khi cứu sống nam thanh niên nghiện rượu tự đâm thấu bụng

Ê-kíp phẫu thuật vui mừng sau khi cứu sống nam thanh niên nghiện rượu tự đâm thấu bụng

Bệnh nhân thứ 2 là anh V.H.P (SN 1994; ngụ tỉnh Hậu Giang), tự đâm thấu bụng với 3 vết thương, có tiền sử nghiện rượu 10 năm. Bệnh nhân được đánh giá rất nghiêm trọng, các bác sĩ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện. Ca phẫu thuật kéo dài 3 giờ đã diễn ra thành công.

Theo BS.CKII Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, thời gian qua, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp chấn thương bụng kín, vết thương thấu bụng nguy kịch nhờ kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện cùng với năng lực chuyên môn và sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa.

Việc triển khai quy trình báo động đỏ là tối ưu hóa nguồn lực và thời gian "vàng" để cứu sống nhiều bệnh nhân đang đối diện với nguy cơ tử vong rất cao.

TÂM QUÂN - QUANG TRƯỜNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/nghien-ruou-tu-nam-18-tuoi-nam-thanh-nien-tu-dam-thau-bung-20220116105812279.htm