Nghiêng nghiêng chiếc nón bài thơ
'Ai ra xứ Huế mộng mơ/Mua về chiếc nón bài thơ làm quà!'. Đã từ lâu, khi ngành du lịch còn sơ khai, những ai đến Huế đều tìm mua cho mình chiếc nón bài thơ về làm quà tặng.
"Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt
Còn tia mắt anh…
Có sao đâu mà em cúi đầu từ khước".
Hình tượng xứ Huế
Bài thơ "Nghiêng nón" của tác giả Trần Quang Long viết vào năm 1960, mở đầu như vậy đã làm người đọc mường tượng hình ảnh nữ sinh Huế với mái tóc thề, e lệ trong tà áo dài đến trường. Cứ mỗi lần bắt gặp ánh mắt nhìn ngắm của chàng trai là thiếu nữ ấy lại nghiêng nón bài thơ che mặt vì ngượng ngùng, e ấp nhưng đầy duyên dáng.
Nón bài thơ cũng như bao chiếc nón khác nhưng ở giữa 2 lớp lá được chèn một lớp giấy đã được thợ đục lỗ (chạm lộng) gọi là giấy bài thơ, nhằm tạo ra nét chữ, vần thơ, hình ảnh về Huế. Người chằm nón sắp xếp lớp giấy đó tạo ra 4 mặt đối xứng. Hai mặt đối diện nhau thường là hình ảnh tháp chùa Thiên Mụ - cầu Trường Tiền; 2 mặt còn lại là những câu thơ, ca dao về Huế và cặp tình nhân…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét nếu như những hình ảnh, vần thơ đó được vẽ lên ở mặt ngoài chiếc nón thì nhìn khá thô thiển. "Giấy bài thơ nằm giữa 2 lớp lá, khi dong lên trước ngọn đèn, ánh trăng, mặt trời thì mới thấy. Đó là sự tinh tế!" - ông Hoa đúc kết.
Giờ đây, có nhiều loại nón như nón làm từ cỏ bàng, lá sen… Nón lá người ta có thể thêu, vẽ hình ảnh cầu Trường Tiền, chùa Thiên Mụ, cặp tình nhân nhưng nhiều người đến chợ vẫn muốn chọn một chiếc nón bài thơ mình thích. Rồi lựa thêm chiếc quai nón hợp với màu da, gương mặt... Đó cũng là một thú vui nho nhỏ của các chị, các cô, đồng thời cũng là cái cớ cho những trái tim đang yêu bày tỏ nỗi nhớ thương da diết với Huế.
Bà Nguyễn Thị Mạnh, một tiểu thương bán nón hơn 40 năm tại chợ Đông Ba, nhớ lại câu chuyện xảy ra vào năm 1963. Khi đó người đẹp Thẩm Thúy Hằng - một minh tinh màn bạc, biểu tượng nhan sắc của điện ảnh miền Nam Việt Nam trước năm 1975 - ra Huế. Thẩm Thúy Hằng mặc chiếc áo dài, đội nón bài thơ và dạo bước bên công viên Thương Bạc cạnh dòng Hương giang. Hình ảnh đó lan truyền, thu hút nhiều người bởi vẻ đẹp của người phụ nữ. Từ đó chiếc nón bài thơ xứ Huế khá nổi tiếng, người nào đến cố đô cũng mua về tặng bạn bè, người thân.
Theo ông Dương Hồng Lam, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế), hình ảnh nón lá Huế và áo dài từ lâu đã trở thành biểu trưng hay dấu hiệu nhận diện cho các sản phẩm, địa danh du lịch ở vùng đất cố đô. Đặc biệt, những giá trị văn hóa Huế được thể hiện thông qua hình ảnh, những câu thơ trên nón bài thơ... Vì vậy, nón lá Huế đã trở thành thương hiệu của một sản phẩm văn hóa đặc sắc.
Về Tây Hồ nghe kể nón bài thơ
Tây Hồ, thuộc xã Phú Hồ, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) là ngôi làng thuần nông với những cánh đồng "cò bay thẳng cánh", được bồi đắp phù sa bởi con sông Như Ý. Nón bài thơ xứ Huế hiện nhiều nơi còn chằm như ở làng Tân Mỹ (phường Thuận An, TP Huế); Hải Trình, Quy Lai (xã Phú Thanh, TP Huế)… nhưng nón làng Tây Hồ vẫn đẹp nhất nên có giá hơn 100.000 đồng/chiếc.
Hỏi chuyện làm nón, ông Đào Hữu Thanh, Phó Chủ tịch HĐND xã Phú Hồ, kể rằng những thế hệ sinh năm 1970 trở về trước của làng Tây Hồ, dù nam hay nữ đều biết chằm nón. "Cứ sau buổi học thì những đứa trẻ như chúng tôi thời ấy được cha mẹ giao phải chằm xong một chiếc nón. Làng này có thể được xem là nơi đầu tiên làm nón bài thơ" - ông Thanh nói thêm.
Giờ đây, làng Tây Hồ chỉ còn vài nhà chằm nón bởi thu nhập quá thấp. Bà Dương Thị Yến (63 tuổi) là một trong số ít người làng Tây Hồ hiện nay còn chằm nón. Tuổi cao, mắt yếu nhưng đường kim mũi chỉ của bà còn rất tinh tế. Lá nón mua về, bà mang vào nhà, đóng hết cửa rồi ủ trong 10 giờ cho lá dịu. Phải đến 5 giờ chiều, khi trời mát, lá nón mới được mở ra để là ủi cho thẳng. "Phải làm vậy để gió không lùa vào khi ủ, tránh lá bị chong mà nhăn nhúm, nứt gãy, nón không đẹp" - bà Yến giải thích.
"Người làng vẫn lưu truyền về chuyện ông Dương Văn Ngữ - một người làm nón ở làng đã nảy sinh ý tưởng đục bài thơ "Ai ra xứ Huế mộng mơ/mua về chiếc nón bài thơ làm quà" trên một tấm giấy, sau đó ép vào giữa 2 lớp lá để tạo vẻ đẹp tinh tế cho chiếc nón. Lúc đầu người làng làm loại nón này để tặng nhau, sau được yêu thích nên họ làm nhiều, cung ứng cho thị trường" - ông Bùi Quang Lớn (chồng bà Yến) kể.
Tôi đi tìm người đục giấy bài thơ ép vào nón như cố nhân Dương Văn Ngữ thì được biết ở Huế nay chỉ còn một nơi bán thứ này là quầy hàng vật liệu làm nón của bà Hồ Thị Xuyến - người đã gắn bó với ngôi chợ Đông Ba ngót 30 năm.
Bà Xuyến giới thiệu về tờ giấy bài thơ do vợ chồng con trai mình là anh Nguyễn Bá Thiện Trí và chị Nguyễn Thị Mai (ngụ đường Đào Duy Từ, TP Huế) đục, tạo thành hình ảnh cầu Trường Tiền, tháp chùa Thiên Mụ, cặp tình nhân, các câu thơ. "Nghề này ngồi cả ngày đục được tầm vài trăm tờ, mỗi tờ bán khoảng 1.000 đồng nên thu nhập thấp lắm" - bà Xuyến nói.
Trang phục tạo nên nét duyên dáng
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, chiếc nón lá Huế du nhập từ những cuộc di dân của người dân vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, đồng bằng Bắc Bộ. Thời kỳ đầu, mảnh đất Châu Hóa (Thừa Thiên - Huế ngày nay) là biên cương cực Nam của Tổ quốc, đời sống vùng biên viễn còn khó khăn nên chiếc nón chưa biến đổi nhiều. Nhưng từ khi trở thành thủ phủ triều nguyễn, do tính chất kinh kỳ đã làm thay đổi hình thái sinh hoạt của người dân và chiếc nón cũng thay đổi.
Đầu thế kỷ XX, khi Huế bắt đầu có tầng lớp thị dân ảnh hưởng một phần từ sinh hoạt cung đình và một phần lối sống Âu - Tây, đặc biệt sau khi có trường nữ sinh Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng) vào năm 1917 thì chiếc nón lá Huế đi liền với tà áo dài.
Trường nữ sinh Đồng Khánh và Trường Quốc Học dành cho nam sinh nằm sát nhau, cùng trên trục đường chính cạnh sông Hương. "Mỗi ngày nữ sinh đến trường dưới sự nhìn ngắm của học trò nam nên các cô gái tạo ra cốt cách e ấp, làm duyên như nghiêng nón. Và từ chiếc nón đơn giản đã phát sinh ra chiếc nón bài thơ" - ông Nguyễn Xuân Hoa phân tích.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nghieng-nghieng-chiec-non-bai-tho-196240206090202312.htm