Nghiệp chướng
Tiếng khóc oe oe từ trong phòng sinh vọng ra khiến những người được làm bố đang đứng chờ ở ngoài hồi hộp. Giờ là lúc hạnh phúc, khoảnh khắc được lên chức bố khó mà diễn tả bằng lời. Anh còn hồi hộp hơn khi cánh cửa phòng sinh sực mở. Trao đứa bé còn đỏ hỏn được bọc trong lớp tã màu trắng tinh, vị bác sĩ đỡ đẻ nói 'con anh chị có phần khiếm khuyết, nhưng bệnh viện không thể phẫu thuật vào lúc này, đợi khi bé được vài tuổi mới tiến hành phẫu thuật được'.
“Với những bằng chứng không thể chối cãi, nhân danh chủ tọa phiên tòa, tôi tuyên bố bị cáo Vàng Văn Mưu, Vàng Văn Đáy tội tử hình, Giàng Tu Ton tội chung thân... Bãi tòa”. Nói xong chủ tọa Lê Trọng Luật cùng hội đồng xét xử đồng loạt đứng dậy. Giữa mùa đông giá lạnh nhưng có không ít người toát mồ hôi. Trước khi bước vội ra khỏi phòng Luật vuốt hai cánh tay áo lên đến bắp tay để lộ ra vết chàm trên cổ tay. Vết chàm hình viên kim cương đập vào mắt Mưu làm ông chấn động mạnh.
“Ơ,…” Mưu chỉ kịp ơ lên một tiếng trong cổ họng. Luật đã đi ra khỏi cửa, hai anh Công an cũng đã đến đưa phạm nhân ra xe hòm đi về trại giam chờ ngày thi án. Trước khi bước lên xe, ông còn ngoái đi ngoái lại hòng tìm bóng dáng ông chủ tọa phiên tòa trẻ tuổi, cao ráo, oai phong, mực thước, khuôn mặt thanh tú, khi bình thường luôn trực nụ cười, nhưng khi ngồi ghế chủ tọa trong những lần xét xử lại cương nghị, kiên quyết.
Cha con Mưu bước lên xe, hai cánh cửa thùng được đóng lại, bóng tối ập đến. Lẽ nào… Cái vết chàm trên cánh tay ông chủ tọa ám ảnh Mưu suốt chặng đường về trại giam. Buôn bán hàng quốc cấm, một khi bị bắt ông không thể thoát tù tội. Ngày nhúng tay vào việc buôn bán vận chuyển hàng trắng, ông đã xác định được số phận của mình khi ngày nào đó phải đối mặt với luật pháp. Mưu biết mình sẽ đau đớn. Nhưng lẽ nào trước khi chết ông trời lại còn muốn khơi lại nỗi day dứt cả đời ông trước khi xuống địa ngục?
- Bố đang nghĩ gì thế? Từ khi rời khỏi tòa bố không nói câu nào? Thằng Đáy hỏi.
- Ờ… bố không nghĩ gì cả.
- Bố không cần phải giấu con. Con xin lỗi vì đã kéo bố vào, nên giờ cả bố con ta…
- Không thể trách con, bố tự trách mình thôi, lẽ ra bố phải cương quyết kéo con ra khỏi vũng bùn lầy. Nhưng khi nhìn thấy cả đống tiền bố đã nhảy vào để rồi cả hai bố con ta sẽ phải chịu hình phạt cao nhất. Bố là người có lỗi…
- Giờ bố hối hận à?
- Không, trên đời này không có loại thuốc nào chữa được hối hận đâu. Nếu có thì đã có bao nhiêu người mua dù phải trả bằng cả núi vàng núi bạc. Cuộc đời đã bước đến đây rồi thì làm gì có nếu. Bố chỉ tiếc…
*
Tiếng khóc oe oe từ trong phòng sinh vọng ra khiến những người được làm bố đang đứng chờ ở ngoài hồi hộp. Giờ là lúc hạnh phúc, khoảnh khắc được lên chức bố khó mà diễn tả bằng lời. Anh còn hồi hộp hơn khi cánh cửa phòng sinh sực mở. Trao đứa bé còn đỏ hỏn được bọc trong lớp tã màu trắng tinh, vị bác sĩ đỡ đẻ nói “con anh chị có phần khiếm khuyết, nhưng bệnh viện không thể phẫu thuật vào lúc này, đợi khi bé được vài tuổi mới tiến hành phẫu thuật được”.
Anh đưa đôi cẳng tay gầy nhẳng, đen đúa vì suốt ngày làm lụng trên nương, gom củi bán ở chợ thị trấn Tắp Ná đón lấy đứa con. Anh không cầu mong con sẽ thông minh làm ông này bà kia, chỉ cần con là một người bình thường như bố nó, đủ chân tay, mặt mũi, tai, miệng không méo mó là được. Khi những người đỡ đẻ đi rồi, anh mới lật đứa con lại. Và anh thốt lên một câu hãi hùng, đôi tay run run suýt nữa làm rơi đứa con. Con anh gần như không có môi trên. Từ lúc nhỏ đến lớn anh chưa nhìn thấy đứa nào bị sứt môi, hở hàm ếch, cũng chưa nghe người già nói về chuyện người có môi không che nổi hàm răng. Môi sứt thì thôi, nó còn có vết nám đen ở cổ tay hình kỳ quái.
“Người này không phải con cháu họ Vàng chúng ta đâu. Nó là loài ma quỷ về thắc rí (tái sinh), nếu đem nó về nuôi nhất định sẽ hại cả họ cả tộc đấy. Giàng sẽ không tha cho chúng ta đâu”. Người thân của anh khi nhìn thấy đứa trẻ đều nói vậy. Cho đến khi bác sĩ quát cho một trận mọi người mới chịu ngậm miệng lại. Họ nghe bác sĩ nói trong quá trình phân ly cặp nhiễm sắc thể nào đó đã không phân ly thuận lợi nên đẻ ra mới vậy. Họ nghe mà cứ như chuyện xa lắc tận trên trời xa tít tắp.
“Con anh chị phải đem về nuôi, không được để lại bệnh viện. Vứt đi càng không, Công an bắt được sẽ đem bỏ tù cả lũ”. Nghe mà thấy sợ. Cứ tưởng con mình vứt hay đem về là quyền của người làm cha mẹ, nào đâu phải thế. Phải đem về thôi, nó là máu mủ, con cháu dòng họ Vàng thì phải đem về bản thôi. Có người đồng tình, nhưng cũng có người tỏ ra không chấp nhận sự thật.
Mấy ngày ở viện tốn kém nửa con bò, ngày mai anh cùng vợ, con đi về bản. Anh gói ghém chăn màn, chậu rửa, bát đũa vào hai cái bao tải lớn. “Không được rồi. Mai chưa ra được đâu. Đứa bé sơ sinh phát bệnh vàng da sinh lý phải đem vào trong lồng chiếu, khi nào hết vàng mới được ra viện. Người nhà làm thủ tục rồi bế con lên tầng trên tý cho vào lồng luôn”. Bà bác sĩ thăm khám cho con anh nói. Anh nghe thấy váng cả đầu. Anh thấy nhiều người đẻ ở bản có phải cho vào lồng ấp gì đâu. Đến đây sao mà rắc rối quá. Nếu vợ dễ đẻ anh đã cho đẻ ở ở trạm xá rồi.
Anh không ngủ được, định giở gói thuốc lá sợi ra quấn một điếu hút cho đỡ buồn. Nhưng trong phòng này cấm hút thuốc lá, bác sĩ đã dặn đi dặn lại vậy rồi, đành cất túi thuốc vào trong túi quần. Thỉnh thoảng anh lại nhìn vào những đứa trẻ trong lồng, vết chàm từ cánh tay đứa con còn đỏ hỏn luôn đập vào mắt anh. Ghé sát mặt vào chiếc lồng kính, cái môi toang hoác của con như dán vào đôi mắt càng làm anh thêm đau lòng.
Những chuyện mà người thân nói với anh ban chiều lại nhen nhóm lên từ đáy lòng. Cảm giác bất an khi những chuyện qua miệng con người kể càng làm anh mờ mịt đầu óc. Anh càng ngắm con càng thấy buồn, khi bên cạnh những đứa trẻ trắng trẻo và đáng yêu biết chừng nào. “Hay là mình đánh đổi”, một ý nghĩ táo tợn lóe lên trong đầu. Nhưng ai sẽ bế đứa trẻ ra khỏi đây mà không bị phát hiện. Vợ chồng anh không thể rời khỏi phòng này, người ta sẽ nghi ngờ khi anh hoặc vợ mất tích cùng đứa trẻ thơ lành lặn…
Tiếng má phanh sít vào vành làm chiếc xe dừng lại. Cánh cửa sau được mở ra, người ta bảo anh bước xuống. Trại giam này nằm sâu trong rừng núi, một nơi hoang vu hẻo lánh. Nhìn ngút tầm mắt bốn bề không thấy bóng dáng một ngôi nhà. Không biết anh còn được sống bao lâu nữa. Chỉ là trong lúc nằm ngẫm nghĩ những gì đã qua và mơ hồ thấy những gì đang đợi ở phía trước, anh vẫn thôi không nghĩ về chủ tọa đẹp trai, phong độ, lịch thiệp, người đã tuyên bố xử anh tội chết. Lẽ nào nó chính là người bị cả dòng họ Vàng từ chối đón nhận khi xưa?
Nhưng rồi Mưu gạt đi ý nghĩ ông chủ tọa có chung dòng máu với mình. Bởi ngày hôm đó vợ chồng Mưu đã tính toán, bàn rất kỹ về việc tráo đổi con. Sau khi nhờ cô họ xa bên nhà vợ bế đứa bé đi về trong đêm, vợ chồng Mưu ở lại trông trực con đẻ đang trong lồng ấp. Sáng sớm, khi chưa đến giờ làm việc người trong dòng họ Vàng lại kéo đến bảo vợ chồng Mưu phải bỏ đứa trẻ. Không thể đem tai họa về làng bản được.
“Nếu mày kiên quyết nuôi đứa trẻ này nhất định phải rời bỏ bản mà đi. Tao không muốn Giàng phạt cả họ cả làng”. Vợ chồng Mưu có hai lựa chọn, chọn con hay chọn người thân, bản làng. Con có thể đẻ tiếp, còn người thân, làng bản đâu đẻ được, có tiền mua cũng chẳng được. Suy đi nghĩ lại Mưu đã chọn bản, chọn người thân.
Bỏ mặc những lời khuyên của những cặp vợ chồng cùng sinh con, lờ đi sự đau đớn của đôi vợ chồng trẻ khi đứa con mất tích đang khóc ngất lên ngất xuống, vợ chồng Mưu rơi nước mắt rời khỏi bệnh viện. Trước khi đi, vợ chồng Mưu còn ngó vào trong lồng nói nhỏ với đứa con khiếm khuyết “không phải bố mẹ muốn bỏ con mà bố mẹ không thể đem con về gây tai họa cho cả họ cả bản được. Mong con hiểu và tha thứ cho người làm cha mẹ”. Vợ chồng Mưu ra thẳng bến xe khách, đón xe về Tắp Ná.
- Việc tráo đổi đã được người trong họ Vàng thống nhất. Người nào hé lộ tin hoán đổi ra ngoài sẽ bị đuổi ra khỏi họ. Trưởng họ Vàng Văn Mâu nói.
Không chỉ bằng lời nói, trưởng họ còn cho từng người có mặt lăn dấu tay vào bản cam kết được viết với ngôn ngữ mộc mạc, đôi câu cụt ngủn nhưng chắc như đinh đóng vào cột nhà. Việc xong đâu đấy, mọi người ngồi uống rượu. Tiếng cười, nói chuyện rôm rả, khi đứa trẻ được trình ma xong, trưởng họ được vợ chồng Mưu mời đặt tên cho cháu. Sau khi suy nghĩ kỹ ông trưởng họ đặt tên cho cháu là Vàng Văn Đáy.
Mọi người tán dương trưởng họ đặt tên hay. Họ lại nâng bát chúc rượu trưởng họ và vợ chồng Mưu. Họ chúc mừng Mưu có được đứa con khỏe mạnh, lành lặn, nhất định sau này sẽ khỏe mạnh như con trâu mộng. Đáy sẽ cầm chắc cái rìu, tay vững cái cuốc, tiếng thét làm lũ chim hoảng sợ không dám bén mảng về nương nhổ cây bắp. Khi Đáy gầm lên sẽ làm đàn khỉ trên núi phải co ro trong hang không dám đến bẻ ngô. Con lợn rừng không dám đến nương ăn thóc, ngô. Đáy sẽ săn được con nai to, bắt được con cầy hương béo tốt, bẫy được những con chim quý. Những lời chúc tốt đẹp làm bát rượu cạn, những lời nói đẹp như bông hoa rừng làm cái mặt của những người đàn ông đỏ lên. Cuộc vui đang dần về cuối thì có người bước chân vào nhà.
- Thế nào rồi? Trưởng họ Mâu hỏi cụt lủn.
- Về cả rồi. Người thanh niên trả lời.
- Ai về?
- Vợ chồng mất con chứ còn ai nữa.
- Nó không nhận đứa trẻ bị bỏ lại?
- Không. Vợ chồng đó dắt nhau ra khỏi bệnh viện, khóc lóc đáng thương, tội nghiệp lắm.
- Chưa ai nhận đứa bé đó?
- Chưa? Nhưng…
- Nhưng làm sao?
- Nghe nói nó đã chết.
- Chết ư? Hừ, nếu nó chết được cũng tốt. Nó sẽ không làm hại người. Trưởng họ nói.
Tháng ngày lặng lẽ trôi đi, Đáy lớn lên, chiều theo bố mẹ lên nương, sáng xuống trường học chữ. Nhưng Đáy học khá chậm, chỉ vì thích chơi. Những cuộc đánh lộn trong trường thường không thiếu mặt Đáy, kẻ lỳ lợm và có phần lạnh lùng. Đáy đẹp trai, cao gần mét tám, là niềm mơ ước của nhiều đứa con gái hay mơ mộng. Nhưng những cô gái yêu kiều, muốn phô trương tài nghệ, với những đường cong mềm mại quyến rũ với con người mang trong mình dòng máu dân tộc, còn bề ngoài lại được che phủ bởi thứ công tử nhà thị trấn. Một người ngang tàng như Đáy làm sao có thể đi thích những đứa con gái quê mùa được.
Đôi khi những đứa con gái liếc mắt đưa tình thì anh lại tỏ ra khó chịu. “Đúng là cái đồ nhà quê, kiêu sĩ diện rởm”. Nhiều đứa con gái đã thì thầm với nhau khi không được Đáy để mắt. Đáy còn phải kiếm tiền, ở một huyện biên giới có cửa khẩu giao thương tấp nập, nếu không biết cách kiếm tiền há chẳng phải đần lắm sao? Khi đã có được nhiều tiền lo gì không có con gái đẹp xin theo về làm bếp nấu nướng, giặt giũ quần áo cho mình?
Nhưng kiếm tiền bằng cách nào, khi trong tay không có đồng vốn. Học hết mười hai hay học cao hơn nữa, mục đích cuối cùng cũng là tìm việc, tóm lại là làm ra đồng tiền. Học chẳng bao giờ đủ, học đủ để biết là được rồi. Ngày nào Đáy cũng lân la ở cửa khẩu biên giới, anh muốn xem họ kiếm tiền bằng những mánh khóe thủ đoạn nào. Những ngày lang thang vô định, chưa biết con đường đi bắt đầu từ đâu, Đáy không biết mình đã lọt vào tầm mắt của một tài chủ.
- Có muốn kiếm tiền không? Tài chủ Loàng hỏi.
- Có. Nhưng làm gì? Đáy hỏi lại.
- Việc nhẹ thôi, nhưng cậu phải gan lỳ và mưu trí mới được. Có làm được không?
- Được. Đáy chắc chắn.
- Vậy hãy theo tôi.
Lần gặp Loàng ở cửa khẩu đã làm thay đổi cuộc đời anh.
*
Có một sức mạnh nào đó đã thúc giục vợ chồng Canh thay đổi suy nghĩ. “Hay là mình đem đứa trẻ đó về nuôi, đằng nào…”, Canh nói với vợ. Vợ Canh gạt nước mắt ngồi xuống vệ đường. Cô hiểu câu nói lấp lửng của chồng. Sau lần sinh này bác sĩ nói cô không thể tiếp tục sinh con được nữa. Muốn có con sẽ phải tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, nhờ người mang thai hộ. Ai sẽ chịu mang nặng đẻ đau thay mình? Thụ tinh trong ống nghiệm vô cùng tốn kém mà tỉ lệ thành công chỉ là một nửa. Vợ chồng cô làm nông nghiệp, buôn bán nhỏ ven chợ thì lấy đâu ra cả trăm triệu đồng để làm thụ tinh trong ống nghiệm? Nếu ông trời đã cố tình trêu ngươi mà sắp đặt vợ chồng Canh sẽ phải nhận đứa trẻ sứt môi làm con ruột, vợ chồng cô không thể chối từ. Nuôi con của người khác, đau đớn lắm, nhưng còn có cách nào hơn thế?
Tính đi nghĩ lại, cân nhắc nặng nhẹ, gánh nặng của ngày hôm nay sẽ có thể là điều nhẹ bẫng, là vinh hạnh của ngày mai chăng? Không ai có thể biết được tương lai, số phận của những đứa trẻ rồi sẽ ra sao. Tuy không xua đi nỗi xót xa, cảm giác trống rỗng trong lòng, nhưng khi ẵm đứa bé trên tay trong lòng vợ chồng Canh có phần ấm lại. Nhìn kỹ nó cũng không đến nỗi nào. Khiếm khuyết trên môi nó sẽ có ngày được vá lại không để lại một vết sẹo. Nó sẽ là người bình thường như bao đứa trẻ khác. Còn vết chàm kia mặc áo dài tay sẽ chẳng ai nhìn thấy được. Với lại các cụ chẳng bảo “mái đắm le phèng, mái đéng le xen” (người đánh dấu đen là sang, người có đánh đấu đỏ là hèn) là gì.
Bốn tuổi Luật là đứa trẻ được ưu tiên vá môi đầu tiên trong đợt các bác sĩ Đan Mạch về tỉnh phẫu thuật tạo hình miễn phí cho những đứa trẻ sứt môi hở hàm ếch. Các bác sĩ đã tạo cho Luật một cái môi đẹp như ý. Vết sẹo để lại rất nhỏ, nếu không để ý chẳng ai phát hiện Luật đã từng hở môi. Những năm học phổ thông anh luôn là người đứng đầu lớp, một lớp trưởng gương mẫu, luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác.
Tin Luật đỗ thủ khoa Trường Luật làm bố mẹ anh vui sướng rơi nước mắt. “Khần pho rương (khiếm khuyết) là những người tài làm nên chuyện lớn”. Cơ hội đang mở ra trước mắt, nó sẽ là người có ích cho đời, nó sẽ là người đại diện cho công lý, đem lại công bằng cho mọi người. Vợ chồng Canh nghèo đấy, nhưng dù có phải ăn rơm ăn cháo, phải đi vay mượn thì cũng phải cho Luật đi học. Kiến thức vào đầy người sẽ bù đi những khiếm khuyết mà người đời buôn chuyện.
Bố mẹ ông bà mất sớm, không người thân thích, những ngày vợ ở cữ chỉ có anh chăm sóc vợ con. Cho đến bây giờ người trong bản vẫn không biết Luật là đứa con đã được người ta đánh tráo. Bí mật thân thế Luật cũng không bao giờ biết. Bốn năm học xa nhà, vợ chồng Canh nhận được thư con đều đặn. Những lá thư nhận được Tuyết không bao giờ đốt hay bỏ đi. Cô lặng lẽ cất nó vào trong hòm xem như vật kỷ niệm. Bốn năm trôi qua, thư Luật đã được nửa chiếc hòm tôn.
Phải nhận con người khác về nuôi, thời gian đầu Tuyết, Canh vẫn không thôi nhớ về đứa con bị tráo đổi. Theo mùa lá rụng rồi xanh, nỗi nhớ về con cũng nhạt dần, vợ chồng cô dành toàn tâm toàn ý vào đứa con khiếm khuyết. Nó càng lớn càng đẹp trai khỏe mạnh, từ khi môi được vá Luật trở thành người bình thường. Nó không chỉ là đứa con ngoan ngoãn, biết vâng lời cha mẹ, không những thế nó còn là một học sinh giỏi toàn diện. Nó học trên lớp, tự học ở nhà, vợ chồng Canh đâu thể giúp con học, vốn kiến thức quanh cối xay làm sao chỉ con biển trời mênh mông được.
Cầm lá thư trên tay, Tuyết như nhìn thấy con đang học ở phương trời xa lắc. Nhìn nó giản dị mà thanh tao, đạo cốt khi ngồi ở bàn học hay khi đang trên bục tập thuyết giảng. Tuy Luật không nói trong thư, nhưng Tuyết biết con trai cô có nhiều cô gái yêu. Tốt nghiệp loại ưu, Luật được giữ ở lại trường để đào tạo trở thành giảng viên, anh có thể cộng tác với một văn phòng luật sư nào đó để kiếm thật nhiều tiền. Nhưng anh đã từ chối những lời mời đầy thành ý, anh chỉ muốn về quê làm việc.
Hơn ba mươi tuổi anh đã trở thành chủ tọa của những phiên xét xử có phần gay cấn, nhiều tình tiết lắt léo, phức tạp. Đã xử bao nhiêu vụ việc, Luật chưa để vụ nào trở thành oan sai. Không để lọt kẻ có tội cũng không gán hình phạt cho người thiện lương. Đã có nhiều người mang cả túi tiền đến nhờ anh, muốn anh làm thay đổi bản án, giảm nhẹ hình phạt, nhưng anh đã gạt đi. Mỗi khi tuyên án anh đều tỉnh táo, đầy lý trí, mỗi hình phạt đều có khung định sẵn trong luật, Luật chỉ là người định họ vào khung hình phạt đúng mà thôi. Đến khi anh tuyên bố bãi tòa, cảm thấy trong người nhẹ hẳn.
Nhưng khi chuẩn bị tuyên án bố con Vàng Văn Mưu, Vàng Văn Đáy tội tử hình trong lòng anh dấy lên một mối hoài nghi xao xuyến, cảm giác rất khó nói thành lời. Trong khán phòng rộng lớn, bốn góc bốn máy lạnh tỏa ra đều gió lạnh nhưng trong người Luật lại thấy nóng, mồ hôi làm ướt áo sơ mi. Luật không thể hiểu nổi vì sao như vậy. Có lẽ nào đây là một vụ án oan sai chăng? Không thể nào, anh đã nghiên cứu hồ sơ rất nhiều ngày, viện kiểm sát đã điều tra đi điều tra lại, thu thập đầy đủ chứng cứ, lời khai. Tất cả đều trùng khớp, đầy đủ, vậy mà sao khi tuyên án anh lại thấy xốn xang trong lòng? Kẻ phạm tội đã cúi đầu nhận hết mọi hành vi, không lời oán thán, nhưng tại sao anh lại thấy run khi phải tuyên kẻ mắc tội với mức án cao nhất.
Lần lục trong trí nhớ, từng trang hồ sơ như hiện ra trước mắt, những chứng cứ cũng theo đó dần hiện lên, tất cả đều được phơi ra dưới ánh nắng của mặt trời. Không. Mình không thể sai được. Bản án này không thể là bản án oan sai. Cảm giác run khi cầm tờ giấy đọc tuyên án của mình tại phiên tòa có lẽ là do nhìn thấy kẻ phạm tội bất ngờ ủ rũ, vẻ ăn năn hối hận muộn màng và những giọt nước mắt hiếm hoi của hai bố con trong đường dây buôn bán vận chuyển ma túy xuyên quốc gia rơi xuống chân vành móng ngựa tác động vào tâm lý mà thôi. Anh là người đại diện thực thi luật pháp, nhưng anh cũng là một con người, con người thì phải có tình người, tình người luôn biết đồng cảm với đồng loại khi người đó biết hối hận thật sự. Nước mắt của kẻ phạm tội đã làm tình người trong anh rúng động chăng?
*
Một bữa cơm thịnh soạn được dọn lên. Cuối cùng ngày đó cũng đã đến. Nhìn mâm cơm có cơm trắng dẻo thơm, có thịt, có cá, có cả rượu và thuốc lá nhưng bố con Đáy không muốn động đũa. Chỉ bữa hôm nay nữa thôi, ngày mai không còn được ăn nữa rồi. Ăn cũng chết, không ăn đâu thể được sống thế thì hà cớ gì ta không ăn? Đáy nghĩ. Người ta chẳng nói có chết cũng phải làm con ma no đó sao? Trước khi chết ta phải làm một bữa no mới được. Đáy mở nắp chai rượu và làm một hơi làm chai rượu vơi đi một nửa. Tiện tay cầm đũa lên xới cơm chấm với thịt cá ngon lành. Không biết bố ở phòng cuối kia có cầm vào đũa, có uống chút rượu không? Không ăn sẽ dại đấy, ngày mai đâu còn được ăn, không còn cơ hội nhìn thấy bầu trời bao la và nắng ấm áp nữa rồi. Điềm tĩnh đến với cái chết, Đáy cố ăn hết phần cơm nhân đạo, không trừ lại thứ gì.
- Ông có muốn nói lời cuối cùng, nhắn gửi gì đến người thân không? Ông cán bộ già trông coi nhà giam nói.
- Tôi có thể gặp con trai tôi để nói vài lời trước khi chết không? Mưu hỏi lại cán bộ.
- Không được. Ông chỉ có thể nhắn gửi, không thể gặp để nói chuyện trực tiếp.
- Thôi vậy.
Gặp con trai lúc này để làm gì? Có nên nói ra sự thật thân thế của nó cho nó biết? Làm như thế để làm gì? Ông đã giấu nó mấy chục năm qua, chưa bao giờ ông có ý định nói ra thân thế của nó. Từ ngày gặp chủ tọa Luật, ông có linh tính nó là thằng con mà ông và vợ đã bỏ lại bệnh viện mấy chục năm trước. Không biết nó có phải là người đã bị ông bỏ rơi thật không? Con trai ruột phán quyết hành hình bố đẻ, sao lại trớ trêu với con thế hả Giàng? Nếu ngày xưa Mưu không bỏ nó, có thể ông sẽ không lâm vào con đường buôn bán ma túy làm hại người hại mình? Nếu ta có thể tua lại thời gian, ta sẽ không đánh tráo con với người khác. Luật là một luật sư giỏi có tiếng, ông cảm thấy mừng cho nó. Nó với thằng Đáy hai người ở hai thế giới khác. Kẻ hung tàn, người chí nhân. Ông cần gì phải nói ra sự thật với Đáy. Ông chết rồi, Đáy cũng đi rồi. Dòng dõi nhà ông từ nay tuyệt tự tuyệt tôn, nhưng dòng máu của ông vẫn còn truyền tiếp mãi sau. Ông không việc gì phải buồn cả. Mưu còn cảm thấy vui. “Ta ăn cơm uống rượu thôi”, Mưu tự nói với lòng mình. Ông quản giáo cảm thấy kỳ lạ trước sự thay đổi sắc mặt của phạm nhân già. Tên Mưu này quả là kẻ lạ lùng thay đổi thất thường. Mới tháng trước, chỉ sau một đêm, mái tóc đang đen đã biến thành bạc trắng, nhuộm cũng không được đều như thế. Bây giờ biết trước cái chết sẽ đến trong giây lát, đang buồn mà bỗng trở nên vui vẻ lạ thường.
Mưu ngước mắt lên nhìn trời. Bầu trời hôm nay thật đẹp, chỉ một màu mây xanh, nắng vàng như mật. Ngày mai ông không còn cơ hội nhìn thấy bầu trời bao la. Trước mắt ông, lúc này đây mây đen đang kéo về. Con đường ông đang đi sao mà tối quá, thằng Đáy đi quá nhanh ông không đuổi kịp, gọi nó cũng chẳng thưa, chẳng thèm ngoái lại sau lưng. Mệt quá. Ông không thể đi được nữa. Ông ngồi xuống, quay lưng về phía con đường đang đi, chợt ông nhìn thấy Luật đang đứng ở đầu cầu Nhị Hà, nơi có ánh nắng chói chang.
Nó chỉ tay về phía ông và miệng đang gọi ông. Nhưng ông không nghe thấy gì cả. Xung quanh ông chỉ là những cơn gió lạnh gầm rú. Ông cố nhoài người về phía ánh sáng, nhưng dường như có một sức mạnh nào đó đang lôi ông đi vào con đường tăm tối. Con đường này sẽ đưa ông đi về đâu? Nó không thể dẫn ông đi lên thiên đường. Phía cuối của con đường là tòa nhà địa ngục, thằng Đáy đã nhanh chân đến đó rồi. Mưu vẫn đang đi lùi, cố giăng mắt ra để nhìn về cầu Nhị Hà xem còn nhìn thấy Luật không? Nhưng Luật đã biến mất tự bao giờ.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/truyen/nghiep-chuong-i673691/