Nghiệp đoàn - điểm tựa cho người lao động khu vực phi chính thức

Thành phố Hồ Chí Minh có 152 nghiệp đoàn với hơn 7.000 đoàn viên đang lao động, làm việc ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề như: phụ giúp việc nhà, bốc xếp, chạy xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ...

Đoàn viên Nghiệp đoàn Bốc vác chợ Bình Tây (thuộc Liên đoàn Lao động quận 6) bốc xếp, vận chuyển hàng hóa cho tiểu thương trong chợ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đoàn viên Nghiệp đoàn Bốc vác chợ Bình Tây (thuộc Liên đoàn Lao động quận 6) bốc xếp, vận chuyển hàng hóa cho tiểu thương trong chợ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các cấp Công đoàn Thành phố Hồ Chí Minh tập trung thực hiện với đa dạng các lĩnh vực ngành nghề để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Kết nối những hoàn cảnh khó khăn

Thành phố Hồ Chí Minh có 152 nghiệp đoàn với hơn 7.000 đoàn viên đang lao động, làm việc ở đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề như: phụ giúp việc nhà, bốc xếp, chạy xe ôm truyền thống, xe ôm công nghệ, giáo viên mầm non, xây dựng… Hầu hết, họ đều có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Chị Trịnh Ngọc Trân (ngụ phường 16, quận 8) là thành viên nữ duy nhất ở Nghiệp đoàn Bốc vác chợ Bình Tây (Liên đoàn Lao động quận 6) từ năm 1986 đến nay. Công việc mỗi ngày của chị bắt đầu từ 5 giờ ở chợ để kịp bốc xếp, vận chuyển hàng hóa từ các chuyến xe miền Tây lên giao cho tiểu thương trong chợ.

Hoàn cảnh khó khăn, chị Trân học hết lớp 4 đã đi làm để phụ giúp gia đình và theo nghề bốc vác ở chợ Bình Tây hơn 37 năm.

"Trước đây, mỗi ngày bốc vác kiếm hơn 170.000 đồng. Giờ nhiều khó khăn, hàng hóa ế ẩm, cả ngày chỉ được từ 70.000-80.000 đồng. Sự hỗ trợ từ chính sách hộ nghèo của địa phương, tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn cùng anh chị em trong Ban Quản lý chợ Bình Tây đã giúp gia đình vượt khó...," chị Trân chia sẻ.

Cuộc sống tuy vất vả song hầu hết những người lao động bốc vác nơi đây cũng tạm bằng lòng. Chị Trân mong có chút vốn để bán thêm vé số; sửa chữa ngôi nhà 24m2 đang xuống cấp.

Chia sẻ nhiều hoàn cảnh tương tự chị Trân, anh Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Nghiệp đoàn Bốc vác chợ Bình Tây, cho biết nghiệp đoàn hiện có 5 tổ với 64 thành viên hoạt động khá nề nếp. Nghiệp đoàn đã phối hợp cùng lực lượng bảo vệ ở 5 cổng nhằm đảm bảo hàng hóa cho tiểu thương; đồng thời, tích cực tham gia phòng cháy, chữa cháy, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia bắt nhiều vụ trộm, cướp được địa phương khen thưởng.

"Từ khi thành lập đến nay, đoàn viên Nghiệp đoàn ngày càng có ý thức về pháp luật và trách nhiệm hơn trong công việc của mình. Nhiều người trong số họ mong được vay vốn để làm thêm, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo," anh Nguyễn Thanh Phong chia sẻ.

Anh Hoàng Văn Quang (Đội trưởng Đội Xe ôm Tự quản tại Ga Sài Gòn hơn 20 năm) nhìn nhận từ khi thành lập Nghiệp đoàn đến nay, mọi hoạt động tại bến bãi đều tốt hơn. Anh em lao động đoàn kết, gắn bó, san sẻ, mời gọi khách hàng. Đặc biệt, họ ý thức, trách nhiệm hơn trong việc đưa đón, giữ gìn bảo vệ tài sản cho khách; tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường khu vực Ga Sài Gòn.

Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN phát)

Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh trao quà cho đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: TTXVN phát)

"Dãi nắng, dầm mưa nhiều năm, nghề xe ôm của anh cùng với nghề buôn bán của vợ đã giúp gia đình đủ nuôi hai con ăn học đến khi trưởng thành. Đến lúc đời sống ổn định, tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm dần, việc chạy xe ôm dần vắng khách. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, cuộc sống khó khăn, nhiều xe công nghệ mới ra đời và nhiều người chuyển sang máy bay giá rẻ khiến Ga Sài Gòn ngày càng vắng khách. Cả năm, anh chỉ chạy được sau mấy ngày Tết, những ngày sau Hè. Những tháng còn lại chỉ có khách trong khoảng thời gian từ 4-8 giờ," anh Quang chia sẻ.

Công việc của hầu hết đoàn viên Nghiệp đoàn đơn thuần là lao động chân tay, lao động phổ thông. Một số ngành nghề truyền thống cần quen việc hoặc sơ cấp nghề. Tuy đơn giản nhưng công việc này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, nhất là sức khỏe bởi họ làm công nhật, sản phẩm hoặc tính theo ngày, giờ.

Để nghiệp đoàn luôn là "ngôi nhà thứ hai"

Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm nghiệp đoàn được thành lập với nhiều thuận lợi, khó khăn. Nhiều nghiệp đoàn đã hình thành từ cách đây hơn 50 năm, từ đó hình thành điểm kết nối giữa các thế hệ, giữ gìn, phát huy truyền thống ngành nghề.

Với nhiều người, nghiệp đoàn còn là ngôi nhà thứ hai. Trải qua năm tháng gắn bó với nghề, nghiệp đoàn đã giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Võ Anh Kiệt ở Nghiệp đoàn Xe ôm phường Tân Định, quận 1 đã hơn 12 năm chở khách, giao hàng cho các tiểu thương.

"Chiếc áo đồng phục Nghiệp đoàn xe ôm phường Tân Định đã giúp các tiểu thương chợ Tân Định yên tâm hơn khi gửi hàng cho tôi và các anh em khác đi giao rồi thu tiền sau đồng thời, giúp tôi tự tin hơn, trách nhiệm hơn để đảm bảo công việc, cuộc sống ổn định," ông Kiệt chia sẻ.

Ông Võ Anh Dũng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Xe ôm quận 1, cho biết thành viên nghiệp đoàn đều khó khăn nhưng rất đoàn kết. Họ luôn chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống cũng như những lúc khó khăn, hoạn nạn. Những điều nhỏ nhất trong cuộc sống đã khơi dậy trong mỗi người sự đồng cảm, thương yêu, đùm bọc, nhất là khi mọi người đều trải qua COVID-19 nhiều khó khăn. Mỗi đoàn viên Nghiệp đoàn ngày càng ý thức hơn trong việc giữ "miếng cơm, manh áo" thông qua công việc hằng ngày.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn, song hầu hết các Nghiệp đoàn từ nghề truyền thống đến hiện đại bằng nhiều cách làm khác nhau đã tạo được sự gắn kết, sẻ chia, động viên cùng nhau vượt khó. Thông qua hoạt động Nghiệp đoàn, họ không chỉ nâng cao ý thức pháp luật, thích ứng linh hoạt trước tình hình mới mà còn giúp nhau về kinh nghiệm sống, đồng thời xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Theo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2019 đến nay, các quận, huyện, thành phố Thủ Đức đã thành lập 118 nghiệp đoàn, phát triển gần 6.000 đoàn viên; nâng tổng số thành 152 nghiệp đoàn với hơn 7.000 đoàn viên. Các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động hướng đến đoàn viên nghiệp đoàn; vận động chăm lo, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe máy; chương trình “Phúc lợi đoàn viên”; thăm hỏi, hỗ trợ khó khăn, ốm đau; tổ chức ôn luyện nâng cao tay nghề; hỗ trợ pháp lý…

Công đoàn tổ chức họp mặt, tặng quà cho hơn 5.700 đoàn viên các nghiệp đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện đón Tết; thăm và tặng quà Tết nghiệp đoàn với tổng kinh phí 5,9 tỷ đồng; tuyên truyền, giáo dục, tập huấn, bồi dưỡng; phát triển đoàn viên, xây dựng nghiệp đoàn cơ sở vững mạnh.

Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho con em công nhân lao động, đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Bà Lê Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh tặng quà cho con em công nhân lao động, đoàn viên nghiệp đoàn có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trải qua thời gian dịch COVID-19 và những tác động của kinh tế thế giới, tổ chức công đoàn, nghiệp đoàn đã đa dạng hóa các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, nhất là người hoàn cảnh khó khăn; thực hiện tốt nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, qua đó, tăng niềm tin của đoàn viên, người lao động khu vực phi chính thức vào tổ chức công đoàn.

Nhiều năm gắn bó với các nghiệp đoàn, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh, khẳng định hoạt động nghiệp đoàn đã từng bước ổn định, định kỳ họp mặt, sinh hoạt, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, tay nghề chuyên môn.

Đoàn viên nghiệp đoàn đã tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, giúp nhau trong nghề nghiệp, cuộc sống, đấu tranh phòng ngừa các tệ nạn xã hội; tham gia các phong trào tại địa phương như: Toàn dân Đoàn kết Xây dựng Nông thôn Mới, Đô thị Văn minh; Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Toàn dân Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Xây dựng Gia đình Văn hóa…

Ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc phát triển nghiệp đoàn vẫn chưa thật sự bao phủ hết lực lượng lao động phi chính thức theo ngành nghề; chưa theo kịp xu thế phát triển kinh tế hiện nay; chưa có chính sách quản lý bởi phần lớn lao động phi chính thức là nhập cư, trình độ học vấn, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ chưa cao. Trong khi đó, một số nghiệp đoàn cơ sở là đơn vị ghép; việc thu đoàn phí gặp nhiều khó khăn…

Để xây dựng nghiệp đoàn vững mạnh, ông Nguyễn Thành Đô cho rằng cần tăng cường tuyên truyền, chăm lo, động viên đội ngũ cán bộ, đoàn viên, người lao động tại các Nghiệp đoàn; quan tâm sâu sát, kịp thời các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh nan y; mở rộng đối tượng, cách thức và chất lượng chăm lo, hỗ trợ.

"Tổ chức công đoàn cần xác định nơi nào có người lao động sẽ tuyên truyền, vận động để họ đến với nghiệp đoàn và thấy được sự quan tâm, bình đẳng, giúp đoàn viên khu vực này tự tin hơn, qua đó khẳng định nghiệp đoàn là điểm tựa cho người lao động khu vực phi chính thức, là nơi giúp họ ổn định công việc mưu sinh, hỗ trợ các vấn đề về pháp lý...," ông Nguyễn Thành Đô khẳng định./.

Thanh Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nghiep-doan-diem-tua-cho-nguoi-lao-dong-khu-vuc-phi-chinh-thuc/905530.vnp