Nghiệp vụ sư phạm: Cần thay đổi gì từ phía giáo viên?

Giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, không chỉ ảnh hưởng đến danh dự, sự nghiệp của bản thân mà cả uy tín của ngành Giáo dục.

Tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có sự tham gia của cả học sinh và giáo viên.

Tổ tư vấn tâm lý Trường THPT Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) có sự tham gia của cả học sinh và giáo viên.

Liên quan đến vấn đề trên, TS Thái Huy Vinh (Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Nghệ An – Phó Chủ tịch thường trực Hội Bảo vệ quyền trẻ em và Bảo trợ người khuyến tật Nghệ An) cho rằng: Ngoài chuyên môn, giáo viên cần chủ động nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống giáo dục.

Thất bại khi giáo dục bằng “roi vọt”

- Có ý kiến cho rằng, giáo viên thiếu công cụ để xử phạt học sinh. Quan điểm của ông về việc kỷ luật học sinh bằng hình phạt?

- Đội ngũ giáo viên hiện nay tận tụy với nghề, tận tâm với học sinh, coi các em như con cái của mình. Nhưng cách quan tâm, giáo dục học sinh lại không phù hợp, dẫn đến ứng xử sai, không đặt quyền lợi của trẻ lên trên hết. Do không phân biệt được kỷ luật và hình phạt, một số giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, ảnh hưởng đến danh dự, sự nghiệp của bản thân và cả uy tín của ngành Giáo dục.

Theo tôi, trong bối cảnh giáo dục hiện nay, nhà giáo cần phải có 3 thay đổi lớn. Trước hết, thay đổi về quan điểm giáo dục. Từ xưa đến nay, đất nước ta luôn đề cao sự học, có truyền thống tôn sư trọng đạo. Vị thế của người thầy trong xã hội luôn được tôn kính “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Nhưng cũng vì vậy, không ít người dạy học cho mình có quyền quát mắng, thậm chí xúc phạm đến thân thể, tinh thần học sinh như: Đánh đập, cô lập, thờ ơ, bỏ mặc, không tôn trọng... các em. Mặc dù trên thực tế, có tình huống học sinh có lỗi, vi phạm kỷ luật và vô lễ, giáo viên cũng không được phép làm như vậy.

Nền giáo dục “thương cho roi cho vọt” chính là nền giáo dục bất lực, lỗi thời, lạc hậu. Việc kỷ luật học sinh vi phạm không có nghĩa là trừng phạt. Mà thay vào đó, là phương pháp kỷ luật hướng đến sự tích cực. Giáo viên cần quan tâm, tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh, môi trường dẫn đến việc vi phạm của học sinh. Từ đó chỉ ra những cái chưa tốt, không hay, từng bước động viên, sửa chữa khuyết điểm.

Dần dần, khích lệ thế mạnh, sở trường, tạo sự tự tin để học sinh hình thành ưu điểm. Và sau mỗi lần vấp ngã, biết đứng dậy làm lại, chuyển biến tích cực, chính là những bài học đáng nhớ trong sự trưởng thành của các em.

- Vậy theo ông, ngoài năng lực chuyên môn, giáo viên cần kỹ năng gì để xử lý tình huống phù hợp, tích cực?

- Giáo viên ngoài kiến thức chuyên môn, phương pháp dạy học còn cần có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm. Trên thực tế, nghiệp vụ sư phạm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo vẫn còn một số hạn chế. Điều đó dẫn đến việc giáo viên rất giỏi chuyên môn nhưng lại kém trong xử lý tình huống như trường hợp thầy giáo ở Trường THCS Châu Quang, huyện Quỳ Hợp vừa qua.

Để nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trước hết giáo viên phải hiểu tâm lý lứa tuổi học sinh. Mỗi em đều có tính cách, khí chất, ước mơ và hoàn cảnh gia đình khác nhau. Thấu hiểu mới đồng hành, chia sẻ, từng bước nâng đỡ các em vượt qua thử thách, khó khăn; tìm ra ưu điểm để động viên học sinh vươn lên trong học tập.

Giáo viên cần biết làm chủ bản thân

Ông Thái Huy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Nghệ An.

Ông Thái Huy Vinh – Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Nghệ An.

- Không ít tình huống sư phạm xuất phát từ lỗi của học sinh. Vậy, giáo viên phải ứng xử thế nào trước học sinh cá biệt?

- Trường hợp học sinh vi phạm, có hành động bột phát, giáo viên phải giữ cảm xúc, không nóng nảy, nhẹ nhàng giải quyết. Có thể không xử lý được ngay trong tiết học ấy, mà để sang thời điểm khác phù hợp. Bởi nếu dừng tiết học lại để xử phạt 1 học sinh, sẽ ảnh hưởng đến bài học và những em còn lại trong lớp. Tuyệt đối không bêu riếu, phê bình, nói xấu học sinh trước lớp, hoặc toàn trường và kể cả phụ huynh.

Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Đây là điều mà nhiều thầy cô hiện nay còn rất thiếu. Những hoạt động xã hội, trước hết giúp giáo viên nâng cao hiểu biết xã hội của mình, nắm rõ chính sách, pháp luật. Đặc biệt là luật bảo vệ quyền lợi trẻ em. Đồng thời, mở rộng mối quan hệ, phối hợp với gia đình, cộng đồng, xã hội, liên hệ thực tế địa phương vào bài dạy để chung tay giáo dục học sinh.

- Giáo viên hiện có quá nhiều áp lực, từ yêu cầu của nghề nghiệp, học sinh, phụ huynh, xã hội... Làm thế nào để vượt qua áp lực đó?

- Quả thực giáo viên hiện nay có nhiều áp lực mà xã hội cần phải chia sẻ. Thu nhập của họ còn khiêm tốn trong khi công việc nhiều yêu cầu: Nâng cao chất lượng giáo dục, thành tích dạy học, các kỳ thi... Áp lực về sự quan tâm quá khích, sự kỳ vọng lớn của phụ huynh với con em.

Nhiều phụ huynh thiếu hiểu biết về giáo dục và không chia sẻ với giáo viên. Có phụ huynh lại thờ ơ, không quan tâm đến việc học của con em, bỏ mặc cho thầy cô. Và còn cả áp lực đến từ chính học sinh, khi một giáo viên dạy cho nhiều lớp, nhiều em và em nào cũng cần có sự quan tâm, tìm hiểu nhất định.

Trước những áp lực này, giáo viên phải hết sức bình tĩnh để đối phó với tình huống bất thường trong quá trình dạy học. Dù thế nào đi nữa, cũng cần giữ sự lạc quan, yêu nghề, học sinh. Cũng đừng so bì giữa nghề giáo và nghề nghiệp khác về vật chất, địa vị trong xã hội. Bởi thành quả, giá trị của nghề giáo không đong đếm được vào 1 thời điểm.

Ảnh hưởng của người thầy, sự giáo dục sẽ theo học sinh đến nhiều năm sau mà chính các em đến khi trưởng thành mới nhận ra. Cũng không có nghề nghiệp nào, khi về hưu, lại nhận được nhiều sự quan tâm, tri ân như nghề giáo.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nghiep-vu-su-pham-can-thay-doi-gi-tu-phia-giao-vien-E4V7rAyMg.html