Nghìn lẻ kiểu liều mạng băng rừng, vượt sông đi học

Để tới trường học con chữ, nhiều học sinh ở Việt Nam và các nước châu Á phải liều mạng băng rừng vượt sông bằng nhiều cách, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.

Ngày ngày dù trời mưa lạnh hay nắng nóng chói chang, nhiều học sinh ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) muốn tới trường học con chữ phải đi lại bằng thuyền, đò vượt qua một con sông khá rộng.

Dù không có áo phao, nguy hiểm tới tính mạng nhưng các em vẫn liều mạng đi học bởi đây là cách duy nhất để các em có thể tiếp cận với con chữ.

Bé gái học sinh lớp 1, trường tiểu học Cửa Vạn (Hùng Thắng, Hạ Long) cũng như những học sinh khác nơi đây hàng ngày phải một mình chèo con thuyền nan mỏng manh đi học.

Vào mùa lũ, các thầy cô giáo, học sinh ở bản Sam Lang (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) phải chui vào túi ni-lông và nhờ người dân biết bơi kéo qua suối.

Những người đàn ông hoặc thanh niên trai bản biết bơi sẽ túm gọn miệng túi ni-lông bên trong có cô giáo hoặc học sinh đang ngồi, rồi họ vừa bơi vừa kéo túi ni-lông để vượt qua suối, bất chấp con suối mùa lũ nước đang băng băng chảy xiết. Nếu chiếc tui ni-lông bị rách vỡ hoặc cô trò ở trong túi bị ngộp thở thì tính mạng của họ không biết ra sao.

Nhiều em nhỏ ở xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi muốn tới trường phải đi qua một cây cầu treo tạm bợ bắc ngang sông Re ở xã này. Cây cầu treo dài khoảng 50m, cao 15m nằm vắt vẻo hai bên vách núi là nỗi ám ảnh của người dân nơi đây, nhưng cũng là con đường duy nhất để vượt qua sông Re.

Cây cầu được dựng tạm từ tre nứa, lồ ô cùng với những sợi dây thép, dây kẽm mỏng manh, hiện đã xuống cấp trầm trọng sau nhiều năm sử dụng.Cho đến khi địa phương có đủ ngân sách xây cây cầu khác kiên cố hơn thì những em học sinh ở vùng quê nghèo này vẫn phải hằng ngày đi học trên một cây cầu treo mới nhìn qua đã thấy "thót tim".

Nhiều học sinh tiểu học người H’ Mông ở bản Mu Màn (Thượng Nung, Võ Nhai, Thái Nguyên) để đến được Trường Tiểu học Lũng Cà phải mất gần 2 giờ băng rừng, leo đồi núi, bám đá bằng cả hai tay. Nhiều đoạn đồi núi dốc, đất đá lởm chởm rất nguy hiểm.

Tại hai làng Suro và Plempungan trên đảo Java của Indonesia, các em nhỏ phải vượt qua máng (hệ thống dẫn và cung cấp nước) khá lớn giữa hai làng, để tới trường.

Đương nhiên, cầu máng không phục vụ hoạt động đi lại, nhưng học sinh chọn làm lối tắt đến trường. Dù di chuyển trên cầu máng nguy hiểm, học sinh vẫn chấp nhận, bởi nó giúp các em không phải vượt qua quãng đường dài 6 km để tới trường.

Sanghiang Tanjung là tên một làng bên sông Ciberang ở Indonesia. Hàng ngày, học sinh trong làng phải qua cầu treo để sang bờ bên kia, rồi tiếp tục đi bộ tới trường.

Thực ra, học sinh có thể vượt sông bằng cầu khác, nhưng sẽ lâu hơn 30 phút. Vì thế, nhiều em chấp nhận mạo hiểm để tiết kiệm thời gian. Đôi khi phụ huynh cũng phải vượt cầu treo cùng con em mình để đảm bảo an toàn cho chúng.

Hình ảnh thót tim này là một cây cầu gỗ ở Dujiangyan, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.Cây cầu gỗ này đã bị hư hỏng nặng trong một trận bão, nhưng để đến trường thì các em học sinh vẫn phải vượt qua nó mỗi ngày.

Minh Hiếu (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tin-tuc-tuyen-sinh/nghin-le-kieu-lieu-mang-bang-rung-vuot-song-di-hoc-493353.html