Nghìn năm khúc hát môn đình
Trải bao dâu bể mấy nghìn năm, những làn điệu dân ca, diễn xướng độc đáo này đã có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một do phải 'va đập' với thị trường giải trí 'vàng thau lẫn lộn'.
Trong mỗi dịp Lễ hội đền Hùng, nhân ngày giỗ Tổ, luôn có tiến hành nghi lễ hát thờ, tục gọi là hát xoan hay hát cửa đình. Đây là một lễ thức rất quan trọng và độc đáo. Trải bao dâu bể mấy nghìn năm, những làn điệu dân ca, diễn xướng độc đáo này đã có lúc đứng trước nguy cơ bị mai một do phải “va đập” với thị trường giải trí “vàng thau lẫn lộn”.
“Báu vật” của cha ông để lại
Cũng giống như các môn nghệ thuật truyền thống khác, đã có những lúc hát xoan ít được mọi người quan tâm, nhất là lớp trẻ và phần lớn chỉ được thể hiện, được “sống” trong các lễ hội. Những cụ “đào, kép” am hiểu sâu và nắm kỹ lối hát, cách hát cổ, các bài hát xoan cổ cũng như các nghi thức thực hành trong tục kết giao với các phường xoan khác thì tuổi đã cao, trí nhớ hạn chế, nhiều cụ đã thành người thiên cổ. Đứng trước nguy cơ bị mai một, đã có những tiếng kêu thống thiết được cất lên. Và đó cũng là một trong những lý do để Tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã từng đưa Hát xoan Phú Thọ vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.
Nói là vậy, nhưng trên thực tế việc giữ gìn các điệu xoan không hề đơn giản. Bởi đây là một nghệ thuật diễn xướng độc đáo, tồn tại từ lâu đời, là một vốn quý trong kho tàng văn học dân gian giàu có của Việt Nam. Thế nên, vấn đề mang tính quyết định nhất trong phục hồi hát xoan là con người, trước hết là các nghệ nhân và ký ức quý giá của họ. Thật may, cho đến thời điểm này, xoan vẫn còn những “báu vật sống”, tuy trong số đó đã có vài cụ xấp xỉ tròn trăm tuổi. May mắn hơn, các cựu đào, cựu kép này vẫn còn mê xoan đến độ mắt lòa, lưng còng, chân yếu rồi mà vẫn cố gắng hằng đêm truyền tình yêu hát xoan cho con cháu, vẫn sẵn lòng dẫn dắt lớp trẻ đến với xoan và làm cố vấn cho đám trẻ biết chơi xoan. Họ hiểu rằng quyết định cuối cùng cho sự sống còn của xoan thuộc về thế hệ trẻ.
“Các làn điệu xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ, hình thành từ thời các vua Hùng dựng nước. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát xoan thường được trình diễn vào mùa xuân, trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh, nên còn được gọi là hát cửa đình. Có những thời điểm trên địa bàn Phú Thọ có tới 18 - 20 phường hát xoan. Giờ ở TP. Việt Trì cũng còn rất nhiều phường xoan như phường xoan Thét, phường xoan Phù Đức, phường xoan Kim Đới, phường xoan An Thái... Và có một điều đáng mừng là tại những phường xoan này vẫn hoạt động thường xuyên”, bà Nguyễn Thị Lịch, Nghệ nhân dân gian của phường xoan An Thái (Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ) chia sẻ.
Chính nhờ sự hoạt động hiệu quả của các phường xoan mà các điệu xoan của cha ông ta từ mấy ngàn năm truyền lại đến hôm nay vẫn được giữ gìn. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, ngành văn hóa Phú Thọ và các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành của Trung ương đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học về hát xoan Phú Thọ.
Từ việc lưu giữ các sắc phong, thần phả đến những công trình sưu tầm, nghiên cứu về hát xoan; từ việc duy trì các phường xoan “gốc” hàng mấy trăm năm, khi các nghệ nhân cao tuổi ra đi thì lại có lớp người trẻ thay thế, đến việc hình thành một số câu lạc bộ hát xoan ở Phù Ninh, Lâm Thao, Việt Trì…, tất cả đã cho thấy sức sống tiềm tàng của loại hình nghệ thuật hát xoan Phú Thọ mà UNESCO đã vinh danh.
Quyết tâm “giữ lửa cho xoan”
Để hát xoan, không thể không nhắc tới các nghệ nhân. Họ chính là những người có công bảo tồn, phát triển và “giữ lửa” cho xoan. Tuy đều ở cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy” nhưng họ vẫn nặng lòng với xoan, vẫn hằng ngày truyền dạy lối hát đặc sắc này cho lớp trẻ.
Trong số các nghệ nhân có khả năng trình diễn và truyền dạy lối hát xoan gốc ở Phú Thọ phải kể đến cụ Lê Xuân Ngũ (SN 1937) ở phường xoan Phù Đức. “Bố tôi xưa kia cũng là “trùm” xoan của làng. Cha con tôi cùng chung niềm đam mê và cùng chung trọn một đời say đắm với câu xoan. Hơn nửa thế kỷ trước, ông cụ đã từng mang câu xoan từ làng về trình diễn ở Thủ đô; và 50 năm sau, đến lượt tôi mang “đặc sản” đó đến với bạn bè các nước”, cụ Ngũ tâm sự.
Cũng “một đời đắm đuối” với khúc hát môn đình, bà Nguyễn Thị Lịch ở phường xoan An Thái là một trong số các nghệ nhân đã dốc lòng “giữ lửa” cho xoan. “Trong gia đình tôi thì từ ông nội cho đến bố tôi đều làm “trùm” hát xoan. Hằng ngày, mọi người trong làng thường đến nhà tôi học hát, chính vì thế mà xoan “ngấm” vào tôi từ thuở nhỏ”, bà Lịch kể. Năm 1996, được sự động viên của gia đình, bà Lịch bắt tay vào khôi phục các làn điệu hát xoan An Thái bằng cách thành lập câu lạc bộ (CLB) hát xoan gồm 20 người.
Đến năm 2006, CLB hát xoan An Thái được công nhận là phường xoan cấp tỉnh, do bà Lịch làm chủ nhiệm, gồm 42 thành viên. Mỗi năm phường xoan An Thái thường đi biểu diễn chừng 20 buổi ở trong và ngoài tỉnh. Năm 2007, tại Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ tổ chức liên hoan văn hóa, văn nghệ truyền thống các dân tộc, phường xoan An Thái đạt giải Nhất. Cá nhân bà Lịch cũng được trao giải Nhất.
Về huyện Cẩm Khê, hỏi thăm Câu lạc bộ hát xướng Đồng Lương không ai là không biết, bởi hầu hết các chương trình văn hóa văn nghệ, các hội nghị của địa phương, đều có các tiết mục đặc sắc do CLB biểu diễn. Các tiết mục được biên soạn và dàn dựng bởi một người nghệ sĩ tài hoa, đó là ông Lê Văn Chê - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Phú Thọ, người đã gắn bó gần như trọn cuộc đời mình với các loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian. Từ lúc "lang thang” qua các đoàn ca, múa nhạc cho đến khi đã về hưu, ngọn lửa nghệ thuật trong ông vẫn luôn cháy bỏng.
Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, rất nhiều tác phẩm của ông Chê đã để lại dấu ấn sâu đậm trong giới chuyên môn, cũng như trong lòng khán giả. Như vở: “Ngọc sáng không phai”, “Tìm lại người anh”, “Liên khúc hát Xoan”, “Giữ mãi màu xanh”… Có nhiều tác phẩm đoạt huy chương trong các hội diễn nghệ thuật quần chúng toàn quốc, cũng như của tỉnh Phú Thọ.
Tuy đã về hưu năm 2007, nhưng với tâm hồn của người nghệ sĩ, nỗi lòng của người con sinh ra trên quê hương của nghệ thuật hát xoan truyền thống, ông Chê thấy mình “cần phải làm một cái gì đó cho xoan”. Sau 3 năm thai nghén ấp ủ dự định, ông vận động bà con trong xã đến nhà văn hóa học hát Xoan. Ban đầu, tất cả mọi kinh phí đều do ông tự bỏ ra từ đồng lương hưu ít ỏi của mình. Sau đó các chị em trong hội tự vận động nhau đóng góp đỡ đần cho ông. Bà con nông thôn nên ai cũng nghèo, số tiền đóng góp cũng chỉ đủ thuê trang phục và đạo cụ.
Từ ngày có câu lạc bộ của ông Chê, xóm làng rộn ràng hẳn lên. Qua các buổi tập và trình diễn, bà con thêm hiểu và chia sẻ với nhau hơn, tình nghĩa xóm làng thêm gắn bó khăng khít. Năm 2014, Câu lạc bộ hát xướng Đồng Lương do ông Chê làm Chủ nhiệm được công nhận là CLB hát xoan của tỉnh Phú Thọ. Ngoài phục vụ ngay chính tại địa phương, CLB còn thường xuyên được mời biểu diễn trong các hội nghị của huyện cũng như của tỉnh, đặc biệt là được mời biểu diễn trong các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tại đền Hùng…
Nhờ ngọn lửa nghệ thuật luôn cháy bỏng trong tâm hồn những nghệ nhân lão làng như cụ Ngũ, bà Lịch, ông Chê cùng nhiều người khác nữa mà khúc hát môn đình còn vang đến ngày nay và vinh dự được trở thành Di sản phi vật thể của thế giới. Cũng nhờ có họ, những người cả đời ấp ủ than hồng để thốc thổi, trao truyền ngọn lửa giữ xoan mà “báu vật” của cha ông để lại mới không bị phôi pha.
Nguồn Công Lý: http://congly.vn/giai-tri/van-hoa/nghin-nam-khuc-hat-mon-dinh-338352.html