Nghìn tỷ 'chôn' tại các quỹ ngoài ngân sách - Bài 2: Chủ yếu gửi ngân hàng lấy lãi
Ra đời từ năm 2013, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có số vốn lên tới 2.000 tỷ đồng, do Bộ KH&ĐT quản lý nhưng đến nay, quỹ gần như 'đắp chiếu', vốn chủ yếu dùng để... gửi ngân hàng.
Quỹ nghìn tỷ, cho vay được trăm tỷ
Với mục tiêu hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn nhưng thực tế hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV đã không đạt được, dù có vốn ban đầu lên tới 2.000 tỷ đồng.
Tính tới năm 2020, quỹ đã được ngân sách cấp 938 tỷ đồng vốn điều lệ và cho vay được 8 dự án của DNNVV, tổng số vốn hỗ trợ hơn 107 tỷ đồng (chỉ bằng 1/20 vốn điều lệ). Trong đó, cả năm 2020 chỉ cho vay được 1 dự án, với số tiền 1,5 tỷ đồng. Quỹ hoạt động bằng hình thức ủy thác cho vay qua ngân hàng thương mại nên bản chất không khác gì vay vốn ngân hàng. Số tiền còn dư của quỹ được cơ quan quản lý đem gửi ngân hàng lấy lãi.
Trong 100 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước đã chi trong 13 năm cho hoạt động hỗ trợ người lao động, gồm: Chi 3,3 tỷ đồng chi ổn định thị trường truyền thống và mở thị trường mới, tổ chức hội nghị, hoạt động văn hóa phục vụ lao động ở nước ngoài; chi 15 tỷ đồng cho thông tin, tuyên truyền; chi 9,9 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn lao động; chi 71 tỷ đồng hỗ trợ rủi ro cho người lao động và doanh nghiệp phái cử.
Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước được thành lập năm 2007. Tính đến hết năm 2020, quỹ này thu được hơn 390 tỷ đồng từ người lao động, DN đưa lao động ra nước ngoài làm việc.
Trong 13 năm tồn tại, quỹ chi ra 126,5 tỷ đồng, trong đó có tới 26,5 tỷ đồng cho việc quản lý quỹ (bình quân mỗi năm chi hơn 2 tỷ đồng cho quản lý); hơn 100 tỷ đồng chi hỗ trợ ngược lại cho người lao động và DN. Tới cuối năm 2020, quỹ này còn kết dư trên 263 tỷ đồng.
Trong số các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thì Quỹ hỗ trợ hội nông dân, Quỹ giải quyết việc làm địa phương; Quỹ viễn thông công ích, Quỹ phòng chống tác hại rượu bia, thuốc lá... bị phản ánh nhiều là hoạt động không hiệu quả, không rõ mục đích.
Đủ lý do chôn tiền
Là cơ quan quản lý Quỹ phát triển DNNVV, trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ KH&ĐT thừa nhận, quỹ này rất khó cho DN vay. Đặc biệt là từ năm 2017 tới nay, với các cơ chế hoạt động và đối tượng hỗ trợ thay đổi (theo Luật hỗ trợ DNNVV), quỹ khó giải ngân hơn.
Theo quy định mới, quỹ chỉ có thể cho vay hỗ trợ với dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tham gia chuỗi liên kết ngành, chuỗi giá trị và phải có tài sản đảm bảo... Do đó, rất khó có DNNVV đáp ứng được yêu cầu để nhận hỗ trợ. Bộ KH&ĐT đang sửa đổi, bổ sung quy định để báo cáo Chính phủ.
Về việc Quỹ phát triển DNNVV phải thông qua hình thức ủy thác cho vay qua ngân hàng thương mại, lãnh đạo Bộ KH&ĐT lý giải, do nhân sự quản lý quỹ chỉ có hơn 20 người, chưa đáp ứng được việc cho vay trực tiếp. Trong khi hình thức cho vay hỗ trợ rất rủi ro, đòi hỏi nghiệp vụ tương tự tổ chức tín dụng, như quản lý rủi ro, thu hồi nợ.
Đại diện Bộ KH&ĐT cũng “đổ lỗi” cho thiếu cơ chế pháp lý đầy đủ, rõ ràng, thống nhất cho hoạt động của quỹ tài chính ngoài ngân sách, nên đã đề xuất Bộ Tài chính cần có các quy định để thống nhất mô hình hoạt động các quỹ này.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, hiện tại, ở mỗi bộ có ít nhất 1 mô hình quỹ tương tự. Như Bộ KH&CN có Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Bộ VHTT&DL có Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Bộ TN&MT có Quỹ bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, số tiền rót cho các quỹ này thế nào và hiệu quả ra sao rất ít người nắm được.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV (nguyên thành viên Hội đồng quản lý Quỹ phát triển DNNVV) cho biết, quỹ ra đời trên cơ sở học tập kinh nghiệm các quỹ hỗ trợ DNNVV của Nhật Bản, Hàn Quốc... Tới nay, đa số dự án được hỗ trợ giải ngân ngay trong năm đầu hoạt động (năm 2013), từ năm 2017 bắt đầu vướng quy định mới nên kém hiệu quả. DNNVV thường ít tài sản đảm bảo nên khó tiếp cận vốn tín dụng, cần tới quỹ để hỗ trợ với hy vọng cơ chế thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, thực tế quỹ vẫn yêu cầu DN phải có tài sản đảm bảo, trong khi chuỗi liên kết thường rơi vào những DN vốn nước ngoài...
“Nếu tiếp cận được vốn của quỹ, DN đã có thể vay ngân hàng”, ông Nam nói. Do đó, ông Nam đề xuất quỹ trên chuyển sang mô hình DN tài chính, mở rộng điều kiện cho vay với DNNVV; bỏ yêu cầu tài sản đảm bảo và cho vay ủy thác.
Với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, quỹ đã đạt nhiều mục đích đặt ra, như hỗ trợ người lao động, DN phái cử gặp rủi ro.
Tuy nhiên, thực tế chi hỗ trợ quỹ đạt tỷ lệ thấp (chi bằng 1/3 số thu), nhiều nhiệm vụ chi chưa thực hiện hoặc kết quả thấp. Điều này do mức chi hỗ trợ người lao động gặp rủi ro khi làm việc ở nước ngoài còn thấp, nhiều trường hợp gặp rủi ro về nước nhưng khó hỗ trợ vì thiếu quy định; thủ tục, hồ sơ hỗ trợ còn rườm rà, khó thực hiện...