Nghìn tỷ thuyết phục người dân khó tính
Giai đoạn II của Nhà máy Điện mặt trời Sao Mai (Sao Mai Solar) bước vào lộ trình tăng tốc giải phóng mặt bằng đến đâu thực hiện đóng cọc nhồi đến đó. Dự kiến đến giữa tháng 9 sẽ hoàn tất khâu quỹ đất 200 ha để nhà thầu nước ngoài chính thức triển khai thi công. Và cũng làm lễ khởi công công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ của tỉnh vào ngày 15/9/2020.
Theo chia sẻ của lãnh đạo đơn vị, ngay sau khi dịch Covid tạm lắng, dưới sự chủ trì của lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo địa phương và các ban ngành chức năng, những cuộc họp dân liên tục được tổ chức để lấy ý kiến. Cuối cùng, tất cả đều thống nhất với mức 300 triệu đồng/công (cao hơn giá thị trường gấp nhiều lần). Hàng trăm hộ Khmer nghèo tại xã An Hảo - huyện Tịnh Biên bỗng chốc trở thành tỷ phú xứ núi chỉ qua một đêm khi họ đồng thuận, một lòng giao đất cho Nhà đầu tư sớm triển khai trọn vẹn dự án tầm cỡ, để cuối năm nay, giai đoạn II của Sao Mai Solar sẽ hòa lưới điện quốc gia.
"Thuyết chinh phục"
Cách nay gần 1 năm, Nhà máy quang năng nơi biên giới Tây Nam đã long trọng được khánh thành, hòa vào lưới điện quốc gia. Ở giai đoạn I, Sao Mai Solar trải rộng trên diện tích 120 ha, công suất 104 Mwp.
Tọa lạc dưới chân Núi Cấm, Sao Mai Solar như một phép màu đã làm thay đổi không gian, cảnh sắc và đặc biệt là đời sống cư dân toàn vùng bước sang trang mới thoát kiếp nghèo. Sức lan tỏa của Nhà máy không chỉ ở phương diện thu bức xạ nhiệt chuyển thành điện năng mà còn phát huy tính ổn định kinh tế - chính trị - xã hội khu vực biên giới Tây Nam.
Sự tử tế của Nhà đầu tư đã thể hiện rất rõ ở tính nhân văn, tầm nhìn của doanh nghiệp được chứng minh bởi sức sống của dự án, tiềm lực của Tập đoàn được ghi nhận ở lĩnh vực đầu tư. Tất cả là thước đo quyết định đến tốc độ của bước sải triển khai giai đoạn II của Nhà máy điện mặt trời mà không vấp phải sự cản trở nào. Cho đến nay, gần 90% hộ trong phạm vi 200 ha đất dự án đã nhận tiền đền bù. Sao Mai đã chạm mốc sở hữu quỹ đất rộng khoảng 300 ha (giai đoạn 1+2), với kinh phí cho phần giải phóng mặt bằng gần 1.000 tỷ đồng.
Song song với việc thực hiện minh bạch giá đất chuyển nhượng thì Nhà đầu tư còn ban hành chính sách an sinh xã hội đặc biệt dành cho các hộ dân trong dự án. Theo đó, nhiều người dân tộc đã được nhận vào làm việc trong Nhà máy, các học sinh - sinh viên là con em đối tượng này đều được hỗ trợ học bổng.
Đội kinh phí đầu tư, doanh nghiệp quặn thắt - miễn sao dân vui.
Theo kế hoạch, Nhà máy điện mặt trời Sao Mai có tổng vốn ban đầu khoảng 5.800 tỷ đồng, công suất 210Mwp. Trong đó giai đoạn I, có kinh phí đầu tư gần 3.000 tỷ đồng. Giai đoạn II của dự án sẽ được Tập đoàn hòa lưới điện quốc gia cuối năm nay, tuy nhiên đến thời điểm này, vốn đầu tư đã đội cao nhiều so với kế hoạch, bởi chỉ riêng đền bù đất cho dân đã cao gấp 8 lần so với cùng thời điểm năm trước.
Hiện nay, đại dịch Covid đang chực chờ tái bùng phát, mưa lũ cực đoan ở Trung Quốc diễn biến phức tạp….. gây ra những hệ lụy rất lớn, có thể là mồi lửa cho cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bất cứ lúc nào. Thị trường hàng hóa bị co cụm, thiết bị không đủ cung cấp cho thị trường thế giới, dòng lưu thông vận chuyển cung ứng thiết bị trên phạm vi toàn cầu bị gãy khúc kéo theo giá cước phí tăng chóng mặt. Trong bối cảnh khó khăn, Sao Mai đã thực hiện phương án dự phòng phát sinh do 2 đại dịch (dịch bệnh và khủng hoảng kinh tế toàn cầu), 1.000 tỷ đồng (tiền giữ lại không chia cổ tức 2019 đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên ASM thông qua). Một cách làm được xem là khá hào hiệp với cộng đồng.
Sao Mai phải chấp nhận chịu thiệt thòi vì cộng đồng và uy tín cho An Giang trong chủ trương thu hút đầu tư. Tập đoàn đã mang lại cái “được” rất lớn cho Nhà nước và người dân thụ hưởng. Còn doanh nghiệp phải quặn thắt với hàng loạt chi phí đầu vào cao ngất ngưởng khiến việc cân đối giá thành đầu ra nan giải hơn.
Ở một góc phân tích khác, trong khi Luật Đất Đai đang làm cho nhiều nhà đầu tư hụt hơi thì Tập đoàn này biết cách xử lý những bất cập của Luật để hóa giải nút thắt để có đất sạch cho dự án. Những luận điểm chung chung và mơ hồ từ Luật này cũng khiến cho mỗi nơi hiểu một kiểu và đôi khi sự khập khiễng đó cũng là cái cớ để không ít người vịn vào, phá vỡ nguyên tắc trong chuyển nhượng đất với nhà đầu tư.
Thực tế trong câu chuyện giải phóng mặt bằng tại xã An Hảo cho thấy, bên cạnh khá nhiều hộ dân vui vẻ nhận tiền, sẵn sàng di dời nhường đất cho dự án thì vẫn còn 1 số hộ “nằm vạ” đòi hỏi mức giá cao quá đáng, nếu không muốn nói rằng họ đang ngầm chống lại chủ trương của Nhà nước. Khi những thửa đất lẻ loi còi cọc, lọt thỏm vào giữa dự án thì liệu có làm được gì? Và sự so kè ấy sẽ kéo dài trong bao lâu? Nếu áp dụng các biện pháp mạnh tay thì khó có thể trách ai được bởi dự án đang tiến rất nhanh trên lộ trình về đích.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/nghin-ty-thuyet-phuc-nguoi-dan-kho-tinh-611489/