Ngộ độc do hóa chất ngày càng tăng
Trung bình mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) ghi nhận 1.500 - 2.000 bệnh nhân đến khám và điều trị do ngộ độc cấp. Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất ngày càng tăng, đồng thời xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp.
Thông tin trên được Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra tại Hội nghị Quốc tế về bệnh lý nhiễm độc vào ngày 25/2, do bệnh viện tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và các trung tâm chống độc trong cả nước.
Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, nếu như từ 10 năm trước thì chỉ có 800 - 1.000 bệnh nhân/năm bị ngộ độc cấp đến khám và điều trị tại bệnh viện, đến nay số lượng bệnh tăng lên đến 1.500-2.000 bệnh nhân/năm. Trong đó, nhóm ngộ độc do các loại hóa chất như tân dược và thuốc bảo vệ thực vật ngày càng gia tăng; đồng thời, xuất hiện các loại ngộ độc hiếm gặp (botulinum, ngộ độc khế…); các sản phẩm chứa nhiều loại độc chất (cypermethrin + phospho hữu cơ…) làm thay đổi triệu chứng lâm sàng hay độc chất mới như ngộ độc thuốc Glufosinate ammonium… chưa có phác đồ điều trị chuẩn.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt Đới Bệnh viện Chợ Rẫy, nhóm ngộ độc có tỷ lệ tử vong cao gồm ngộ độc thuốc gây nghiện; ngộ độc thuốc bảo vệ thực phẩm và ngộ độc rượu. Tỷ lệ nữ giới bị ngộ độc rượu và chất gây nghiện gia tăng theo thời gian và ngộ độc rượu có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ tử vong cao trong ngộ độc rượu là do tỷ lệ ngộ độc methanol tăng. Ngoài ra, ngộ độc không rõ tác nhân chiếm số lượng nhỏ nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao.
“Các tác nhân gây ngộ độc ngày càng phong phú và xuất hiện nhiều tác nhân gây độc mới, thế nhưng các phương tiện xét nghiệm hỗ trợ cho chẩn đoán xác định ngộ độc chất còn hạn chế. Bên cạnh đó, thiếu thuốc giải độc đặc hiệu, đặc biệt là những loại ngộ độc hiếm gặp và thiếu các chuyên gia chuyên ngành độc học”, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng thông tin thêm.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho rằng, hiện ngành chống độc của Việt Nam nói chung và Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng đang đối diện với hàng loạt khó khăn và thách thức như phác đồ điều trị chưa được bổ sung, cập nhật theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật; chưa có sự kết nối giữa các đơn vị hồi sức cấp cứu chống độc ở các vùng miền của cả nước, góp phần dẫn đến sự hạn chế trong chẩn đoán, điều phối các thuốc và điều trị nhiễm độc cấp; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực bệnh nhiễm độc rất hạn chế; thiếu chuyên gia về hồi sức chống độc, đặc biệt là đối với những bệnh lý nhiễm độc mãn tính có liên quan tới bệnh lý ung thư, xơ gan… do độc chất gần như còn trống.