'Ngó lơ' trừng phạt khắc nghiệt, EU vẫn làm ăn với Nga, lĩnh vực nào đang thu 'bộn tiền'?

Phần lớn hoạt động thương mại vẫn diễn ra giữa 27 quốc gia của Liên minh châu Âu (EU) và Nga, một phần là bởi nhiều quốc gia không muốn phải chịu tác động kinh tế nặng nề hơn.

'EU vẫn đang làm ăn với Nga trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Bloomberg)

'EU vẫn đang làm ăn với Nga trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: Bloomberg)

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, EU đã đưa ra 10 vòng trừng phạt, với một số hình phạt được xem là khắc nghiệt nhất.

Khối 27 thành viên cho biết, các biện pháp trừng phạt nhằm cắt giảm doanh thu của Moscow và khả năng tiếp cận công nghệ của Điên Kremlin. Nhưng tác động “sẽ không đủ nghiêm trọng để hạn chế khả năng phát động chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine vào năm 2023”, một lưu ý của Nghị viện châu Âu khẳng định. Vì sao lại thế?

Bất chấp trừng phạt, nhiều hoạt động thương mại vẫn diễn ra giữa 27 quốc gia của khối và Nga. Một số quốc gia thuộc EU không sẵn sàng chịu tác động kinh tế nặng nề hơn và lo ngại về tác động lan tỏa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nên vẫn tiếp tục làm ăn với Moscow.

Dòng chảy thương mại

Số liệu của Ủy ban điều hành châu Âu cho thấy, vào năm 2021, Nga là đối tác thương mại lớn thứ năm của EU, với giá trị trao đổi hàng hóa trị giá 258 tỷ Euro (tương đương 280 tỷ USD). Các mặt hàng nhập khẩu chính của EU từ Nga là nhiên liệu, gỗ, sắt thép và phân bón.

Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, giá trị nhập khẩu của EU từ Nga đã giảm một nửa, xuống còn khoảng 10 tỷ Euro (10,85 tỷ USD). Con số này được ghi nhận vào tháng 12 năm ngoái.

Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất có sẵn từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tổng cộng, từ tháng 3/2022 cho đến hết tháng 1/2023, EU đã nhập khẩu hàng hóa trị giá 171 tỷ Euro (186 tỷ USD) từ Nga.

Con số đó vượt xa mức 60 tỷ Euro (65 tỷ USD) - số tiền mà EU đã viện trợ cho Ukraine trong hơn một năm kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.

Khí tự nhiên hóa lỏng (LNG)

EU đã trừng phạt nhập khẩu than và dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga vào năm ngoái. Khí đốt không nằm trong lệnh trừng phạt của EU, nhưng Moscow đã cắt giảm việc vận chuyển khí đốt đường ống tới châu Âu kể từ khi chiến dịch quân sự bắt đầu.

Vào năm 2022, EU nhận được lượng khí đốt của Nga ít hơn khoảng 40% so với những năm gần đây.

Song, LNG lại là một câu chuyện khác. Theo phân tích của EU, việc cung cấp LNG của Nga tới châu Âu đã tăng lên kể từ sau xung đột - lên 22 tỷ m³ vào năm 2022, tăng từ mức xấp xỉ 16 tỷ m³ vào năm 2021.

Mới nhất, ngày 28/3, các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ở Brussels đã đề xuất những quy tắc thị trường khí đốt mới của EU. Những quy tắc này sẽ giúp các chính phủ tạm thời ngăn các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga và Belarus đấu thầu các cơ sở hạ tầng cần thiết để cung cấp LNG tại châu lục này.

Nếu được thông qua, đề xuất này sẽ cung cấp cho các nước thành viên một lộ trình để ngừng nhập khẩu LNG từ Nga mà không cần phải dùng đến các biện pháp trừng phạt, vốn khó được thông qua hơn về mặt chính trị vì cần có sự nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Tuy nhiên, Hungary cho biết không thể ủng hộ quan điểm đàm phán của các nước EU về luật này.

Nhà máy LNG của dự án Sakhalin-2 ở Nga. (Nguồn: Sakhalin Energy)

Nhà máy LNG của dự án Sakhalin-2 ở Nga. (Nguồn: Sakhalin Energy)

Năng lượng hạt nhân

Tương tự như LNG, không có biện pháp trừng phạt nào đối với ngành công nghiệp hạt nhân của Nga. Đây là lĩnh vực Hungary - nơi công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom dự kiến mở rộng nhà máy điện Paks - và Bulgaria đã công khai phản đối.

Theo Eurostat, EU nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp hạt nhân của Nga đạt tổng trị giá gần 750 triệu Euro (814 tỷ USD) vào năm 2022.

Cơ quan hạt nhân của EU (Euratom) cũng cho biết, Nga đã cung cấp 1/5 lượng uranium được sử dụng bởi các cơ sở của EU vào năm 2021.

Kim cương

Số liệu của Eurostat cho thấy, EU đã mua số kim cương trị giá 1,4 tỷ Euro (1,52 USD) của Nga vào năm ngoái. Khối này không cấm nhập khẩu đá quý cũng như không đưa công ty khai thác Alrosa do nhà nước Nga kiểm soát vào danh sách đen thương mại.

Bỉ, nơi có trung tâm giao dịch kim cương lớn nhất thế giới Antwerp, đã làm "mất lòng" một số quốc gia trong khối bằng cách vận động hành lang chống lại việc siết trừng phạt kim cương của Nga. Các quốc gia nhập khẩu kim cương của Nga cho rằng, nỗ lực trừng phạt sẽ vô ích, vì các giao dịch sẽ đơn giản chuyển sang nơi khác mà không có cơ chế truy tìm dấu vết.

Trong tháng 2/2023, EU, Mỹ và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận về cách theo dõi kim cương của Nga xuyên biên giới. Động thái này mở đường cho những hạn chế đối với mặt hàng kim cương của Nga trong tương lai.

Hóa chất và nguyên liệu

Theo Eurostat, EU nhập khẩu 2,6 tỷ Euro (2,82 tỷ USD) phân bón của Nga vào năm ngoái, tăng hơn 40% so với năm 2021.

Kali từ Nga và Belarus bị hạn chế hoặc cấm rất nhiều ở EU. Nhưng các loại phân bón khác bao gồm cả urê, niken của Moscow vẫn được "lưu thông" tại nhiều quốc gia trong khối.

Trong số các nguyên liệu thô không bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt có niken, chủ yếu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. EU đã nhập khẩu 2,1 tỷ Euro niken Nga vào năm 2021 và 3,2 tỷ Euro (3,47 tỷ USD) vào năm ngoái.

Lệnh trừng phạt "vắng bóng" doanh nghiệp lớn

Trong danh sách trừng phạt của EU có gần 1.700 cá nhân và tổ chức bị cấm tham gia khối, song, nhiều doanh nghiệp lớn của Nga không có mặt. Đơn cử như Alrosa và Rosatom vắng mặt trong danh sách đen. Hay Gazprombank - chi nhánh tài chính của công ty độc quyền khí đốt Gazprom của Nga - và nhà sản xuất dầu mỏ tư nhân lớn thứ hai của Nga Lukoil cũng "mất tích".

(theo Reuters, Al Jazeera)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngo-lo-trung-phat-khac-nghiet-eu-van-lam-an-voi-nga-linh-vuc-nao-dang-thu-bon-tien-221587.html