Ngỡ ngàng nông thôn mới
Lạ là đường rộng nhưng không có cảnh phóng xe bạt mạng thường thấy. Thi thoảng có giỏ rác, phân loại hữu cơ, vô cơ để xử lý. Việc giản đơn mà Sài Gòn, Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang mơ ước.
Tôi vốn thành kiến với các hoạt động kiểu phong trào, thường chỉ để báo cáo và khoe thành tích, căn bệnh hình thức cố hữu. Nhất là phong trào nhân bản danh hiệu văn hóa. Từ gia đình, tổ dân phố, khu phố cho đến thôn làng, phường xã. Cả nước tràn ngập bảng hiệu văn hóa.
Nhận lời mời của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Tĩnh về việc tư vấn cho các xã nông thôn mới làm du lịch cộng đồng, tôi chẳng có khái niệm gì. Tôi cũng không quan tâm mấy kiểu làm phong trào đó. Nhưng khi về các xã nông thôn mới ở Hà Tĩnh thì không chỉ bất ngờ mà còn ngỡ ngàng. Nông dân, lâu nay được xem là bảo thủ. Người dân lại ít học, nghèo khó, thiếu thốn đủ bề nên lắm chuyện.
Mọi người đều nghĩ người nhà quê ăn ở mất vệ sinh, nói năng thô lỗ, suy nghĩ nông cạn, chẳng biết tính toán. Quanh năm cứ bắt thiên hạ giải cứu hết dưa hấu đến thanh long, hết rau củ đến cà phê và vật nuôi. Tôi vốn là dân hai lúa. Vào Sài Gòn gần nửa thế kỷ, thoát ly nghề nông nhưng chất hai lúa vẫn trong máu. Thỉnh thoảng vẫn bị người khác chê “Đúng là dân hai lúa” vì cách suy nghĩ và hành xử của mình không giống người phố thị.
Làng xã nông thôn đa phần nhếch nhác. Chỉ có cổng chào là hoành tráng. Rồi phân gia súc, gia cầm và rác rưởi. Luộm thuộm từ ăn mặc đến nhà cửa. Những tay giàu có mới nổi thì nghênh ngang kiểu trọc phú, coi trời bằng vung. Lớp trẻ thì đua đòi và ăn nhậu xả láng, karaoke thi nhau tra tấn láng giềng.
Những xã nông thôn mới mà tôi đến khảo sát thì ngược lại. Tôi xấu hổ và cảm thấy mình có lỗi. Tự nhận là đi nhiều, biết nhiều thứ, trừ nông thôn mới, chẳng biết gì.
Tôi ngỡ ngàng vì đường sá sạch đẹp, thoáng đãng. Đường nào cũng bê tông hóa 5 - 7m, sạch sẽ, tinh tươm. Cạnh tường rào gạch có vẻ cát cứ là những hàng cây xanh mát mắt, là hàng rào cây kiểng gọn gàng. Nhiều nhất là nguyệt quế. Hương thơm ngát tỏa khắp làng.
Lạ là đường rộng nhưng không có cảnh phóng xe bạt mạng thường thấy. Thi thoảng có giỏ rác, phân loại hữu cơ, vô cơ để xử lý. Việc giản đơn mà Sài Gòn, Hà Nội và nhiều đô thị lớn đang mơ ước.
Những ruộng lúa và hoa màu đan xen nhà cửa. Tuyệt nhiên không thấy mùi thuốc trừ sâu. Nhà nào cũng có vườn nhỏ trồng cây ăn trái, rau củ; một cách lớp lang bài bản để tiết kiệm diện tích và tận dụng không gian. Mùi mướp hương nồng nàn, trĩu quả. Mùi hương bưởi dịu dàng, mùi rau quế thoảng nhẹ, đong đưa với những chùm khổ qua, cà tím và đủ loại rau xanh.
Nhìn là no mắt, cứ muốn mang cả vườn về Sài Gòn. Nhiều nhà có thêm ao nuôi cá. Tất cả đều là rau trái sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Nhà ăn sao thì khách hàng ăn vậy để bảo vệ sức khỏe gia đình, thôn làng và xã hội. Đó là đạo đức tối thiểu của người dân nông thôn mới.
Chưa có nước máy thì dùng nước giếng, toàn giếng cổ, lọc và đun sôi, được ngành y tế kiểm định. Có người đã ví von “sạch như nông thôn mới” và đề nghị cho dân thành phố hay xả rác bậy tham quan, học tập.
Nhà sạch thì mát và khỏe. Nhà nào cũng sạch sẽ và ngăn nắp; cũng có mái sân ngồi uống nước chè hoặc nước lá vằng, lá vối, lạc tiên và các loại trà cây cỏ khác. Toàn là dược liệu.
Chất nông thôn mới còn thể hiện rõ trong tính cách mỗi người dân, chân quê, mộc mạc, niềm nở và hiếu khách. Tôi đã được mời dùng thử bữa trưa đạm bạc với gia đình. Chỉ vài món cây nhà lá vườn dân dã mà hơn cả cung đình, cao lương mỹ vị. Có lẽ do tình người, tâm lý và cả không gian cùng hương đồng gió nội.
Chiều xuống cả làng nhộn nhịp với các hoạt động thể thao, văn hóa. Nhất là thứ 7 và chủ nhật. Từ bóng đá mini, bóng chuyền, cờ tướng đến các câu lạc bộ văn nghệ, đủ các lứa tuổi và nhiều hoạt động lành mạnh khác.
Để có những quả ngọt hôm nay, nông thôn mới đã trải qua nhiều năm gian nan, có lúc tưởng không thể vượt qua. Nhờ những lãnh đạo “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”; năng nổ, nhiệt tình, hết lòng với nông thôn mới như Dương Kim Huy (Chủ tịch xã Tượng Sơn, Thạch Hà), Trần Thị Lành (Trưởng thôn Giang Phong, xã Tiên Điền, Nghi Xuân), Nguyễn Thanh Hải (Bí thư xã Sơn Kim 2, Hương Sơn)… nên nông thôn đã lột xác.
Họ đã kiên trì vận động, thuyết phục và gương mẫu. Bắt đầu từ nhà mình, lan sang bà con, thân thuộc, rồi hàng xóm. Từ cách sống, quan hệ xóm làng đến việc thay đổi thói quen phân loại và xử lý rác, chăn nuôi, trồng trọt và quyết chí đổi đời. Cứ như vết dầu loang dần theo năm tháng.
Nghe bà con nói về những cán bộ địa phương, mới hiểu vì sao có những thôn làng đẹp như vậy, cả vật chất và tinh thần. Những thành quả thấm đẫm mồ hôi, công sức của người dân và cả tiền bạc nhà nước.
Dạo chơi giữa làng quê thanh bình, sung túc, cứ ngỡ như lạc vào nông thôn các nước phát triển. Vẫn lam lũ nhưng không còn đói nghèo. Tôi ganh tị với những nông dân giàu có về văn hóa và môi trường.
Bà con đang háo hức với những khát vọng làm du lịch cộng đồng để bảo tồn và phát triển bền vững. Tôi tin là họ sẽ thành công nếu đi đúng hướng, chọn đúng nhà tư vấn, dám thật sự đồng hành và bảo hành dự án. Dẫu còn nhiều điều chưa hoàn hảo, tôi vẫn rất nể phục những đồng chủ nhân của nông thôn mới. Họ vẫn đang tiếp tục hoàn thiện làng quê mình.
Muốn cho bớt cỏ dại, phải trồng thêm hoa. Nông thôn mới chính là những vườn hoa đời thắm sắc. Nhất định, tôi sẽ trở lại với bạn bè và du khách. Sẽ đưa mọi người dạo chơi giữa những đêm lênh láng vàng trăng và ngạt ngào hương đồng gió nội, nghe hát ví dặm và ngủ giữa vườn hương.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ngo-ngang-nong-thon-moi-1565752921396.htm