Ngỡ ngàng vẻ đẹp những 'Báu vật hoàng cung Thăng Long'

Từ ngày 8/9, hàng trăm cổ vật thuộc các triều đại phong kiến Việt Nam thuộc bộ sưu tập 'Báu vật Hoàng cung Thăng Long' đang được giới thiệu tới du khách.

Từ năm 1999, tại Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện rất nhiều di tích mang dấu ấn của Kinh thành xưa, khẳng định vai trò trung tâm xuyên suốt của Thăng Long - Hà Nội.

Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội

Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội

Khai quật từ năm 2002, với diện tích khai quật lớn nhất từ trước đến nay, di tích 18 Hoàng Diệu đã phát lộ một hệ thống di tích, di vật vô cùng phong phú, đa dạng. Những khám phá của ngành khảo cổ tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng Thành cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều.

Bên cạnh những dấu tích kiến trúc đan xen, chồng xếp lên nhau qua nhiều thời kỳ lịch sử là hàng triệu hiện vật được tìm thấy trong lòng đất huyền bí. Nhiều hơn cả là những di vật vật liệu trang trí kiến trúc cung đình cùng các đồ dùng ở Hoàng cung xưa kia, minh chứng cho sự phát triển của Kinh đô Thăng Long, Kinh đô của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện công ước Di sản thế giới và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản, từ ngày 8/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh thành tổ chức trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất khai quật tại Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long từ năm 2002 đến nay.

Không gian trưng bày độc đáo, nổi bật hơn với những hình ảnh trình chiếu tái hiện cung điện nhà Lý và bức tường bao thể hiện sự tươi đẹp bốn mùa trong Hoàng cung xưa kia. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên giới thiệu công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng lại những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và tính sang quý của đồ gốm ngự dụng.

Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây, thời Lý, thế kỷ XI - XII

Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây, thời Lý, thế kỷ XI - XII

Hộp và nắp hộp thời Lý được phục dựng

Hộp và nắp hộp thời Lý được phục dựng

Các hiện vật bằng vàng dùng để trang trí thời Lý - Trần

Các hiện vật bằng vàng dùng để trang trí thời Lý - Trần

Thanh kiếm “Cẩn Tam Khí” thời Trần, hoa văn hình người và hoa lá dát vàng

Thanh kiếm “Cẩn Tam Khí” thời Trần, hoa văn hình người và hoa lá dát vàng

 Chậu gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ XIII - XIV

Chậu gốm hoa nâu thời Trần, thế kỷ XIII - XIV

Lá đề khuyết điêu khắc hình rồng trang trí trên diềm mái cung điện, thời Lý – Trần

Lá đề khuyết điêu khắc hình rồng trang trí trên diềm mái cung điện, thời Lý – Trần

Đồ gốm men xanh ngự dụng thời Lê, thế kỷ XV – XVIII

Đồ gốm men xanh ngự dụng thời Lê, thế kỷ XV – XVIII

Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng cảm nhận tận cùng vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật Hoàng cung.

Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đánh giá: “Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Ngày nay, các tầng văn hóa khảo cổ phản ánh những bước phát triển nối tiếp nhau của các triều đại đã trị vì. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long”.

Với những giá trị di sản chứa đầy niềm tự hào, sự tinh hoa của lịch sử Việt Nam cũng như của thành phố Hà Nội, Khu di tích Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là điểm đến đầy hấp dẫn với những người ham thích tìm hiểu và rất nhiều du khách nước ngoài.

Hoàng Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngo-ngang-ve-dep-nhung-bau-vat-hoang-cung-thang-long-219722.html