Ngỡ ngàng vẻ đẹp sinh vật biển

Được đến Khu trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Bảo tàng Viện Hải dương học) để phám phá vẻ đẹp của tiêu bản các loài sinh vật biển là một trải nghiệm đặc biệt thú vị. Bằng phương pháp nhuộm màu trong suốt giúp người xem có cái nhìn “xuyên thấu”, để rồi ngỡ ngàng với vẻ đẹp của các sinh vật biển.

Bộ sưu tập ấn tượng

Ánh đèn chiếu ngược xuyên qua, bộ sưu tập mẫu sinh vật biển trong suốt như những bức tranh nghệ thuật về các loài cá được treo lơ lửng giữa không trung. Những con cá tưởng chừng đã rất quen mắt như có chiếc đũa thần chỉ tới, vụt biến hình trong suốt phần da và thịt, khoe ra vẻ đẹp khác lạ. Từng chiếc xương, từng đường viền vây cá nổi bật óng ánh trong màu hồng của cánh sen, màu tím của hoa oải hương, màu xanh rợn ngợp của biển, khác hẳn khi ở trong tự nhiên.

Cá thù lù trong tự nhiên và sau khi được chế tác bằng phương pháp nhuộm trong suốt.

Cá thù lù trong tự nhiên và sau khi được chế tác bằng phương pháp nhuộm trong suốt.

Cá mao tiên sư tử trong tự nhiên và sau khi được chế tác bằng phương pháp nhuộm màu trong suốt.

Cá mao tiên sư tử trong tự nhiên và sau khi được chế tác bằng phương pháp nhuộm màu trong suốt.

Ấn tượng nhất là cá đuối, nó trông như chiếc quạt cỡ lớn phô ra vô vàn nan quạt li ti vốn là những chiếc xương mảnh hơn sợi tóc. Cá thù lù, loài cá cảnh biển với 3 màu vàng - đen - trắng bắt mắt cũng trở nên khác lạ với kết cấu xương cân xứng đến kỳ lạ. Cá thoi mình dẹp với màu hồng quen thuộc bỗng rực rỡ hẳn bởi đường diềm vây xương được nhuộm màu hồng - tím. Cá mao tiên sư tử thường ngày đầy uy lực bởi bộ cánh trắng xen nâu đỏ với vây ngực hình quạt, những tia vây thuôn dài rườm rà, những chiếc gai dài có độc..., sau khi được nhuộm màu xương lại nổi rõ kết cấu thân gọn ghẽ đến không ngờ. Cá bướm mõm dài vốn có thân mình vàng óng, thường ngày diêm dúa trong bộ vây xòe rộng, sau khi được nhuộm trong suốt trở nên cuốn hút hơn bởi bộ khung uốn lượn thon gọn…

Một số mẫu sinh vật biển trong suốt.

Một số mẫu sinh vật biển trong suốt.

Những tiêu bản nêu trên được tạo ra bằng cách dùng hóa chất để phá đi cấu trúc tế bào ở các mô mềm nhưng vẫn giữ nguyên cấu trúc xương, vây, sụn trong suốt rồi tiếp tục nhuộm xương bằng các màu xanh, đỏ, hồng... tùy vào bản chất, thành phần cấu tạo xương. Người xem có thể nhìn một cách trực quan đến từng chi tiết nhỏ cấu trúc khung xương, sụn của sinh vật biển mà không cần quan sát bằng kính lúp hoặc kính hiển vi. Phương pháp này giúp mẫu chế tác có độ bền màu sắc; hóa chất bảo quản không độc hại với người sử dụng và môi trường. Bộ sưu tập mẫu vật sống động và nghệ thuật này của các nhà khoa học có thể khiến người xem thay đổi cách nhìn nhận về công tác nghiên cứu khoa học vốn bị cho là khô khan.

Kỹ thuật đặc biệt

Theo giới thiệu của hướng dẫn viên, trên thế giới, phương pháp nhuộm màu xương sinh vật biển đã được sử dụng từ thế kỷ XVIII bằng màu nhuộm từ chất chiết của rễ cây thiên thảo, ban đầu để hỗ trợ nghiên cứu về phân loại động vật. Những năm 60 của thế kỷ XX, các nhà khoa học đã phát triển phương pháp nhuộm xương bằng cách làm trong cấu trúc mô cơ và các mô mềm khác trên động vật xương sống kích thước nhỏ. Khoảng những năm 1970 - 1980, các nhà khoa học đã quan tâm nghiên cứu nhuộm màu xương, làm trong mô cơ cùng với nhuộm sụn sinh vật. Từ đó, cho ra những mẫu vật thấy rõ được phần xương, sụn xuyên qua lớp cơ trong suốt. Phương pháp này được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu về động vật có xương sống, góp phần làm sáng tỏ cây phả hệ của các loài cá, đặc biệt, hỗ trợ rất đắc lực để nghiên cứu quá trình hình thành xương, sụn trong các giai đoạn phát triển của ấu trùng cá, hoặc áp dụng trong phòng thí nghiệm.

Khách tham quan bộ sưu tập mẫu sinh vật biển trong suốt.

Khách tham quan bộ sưu tập mẫu sinh vật biển trong suốt.

Tại Viện Hải dương học, từ năm 2018, phương pháp nhuộm màu trong suốt được thử nghiệm trên 10 mẫu cá kích thước dưới 10cm. Trải qua nhiều khó khăn trong quá trình thu thập, bảo quản, xử lý mẫu vật, thao tác kỹ thuật.., sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, nhóm nghiên cứu đã tự đúc kết kinh nghiệm và thực hiện thành công các mẫu vật có chất lượng, hình thức đẹp mắt. Trong năm 2019 và 2020, Viện Hải dương học tiếp tục thử nghiệm trên các mẫu vật cá sụn (cá đuối) có khối thịt tương đối dày, chiều dài cơ thể tới 20 - 25cm (thế giới mới thực hiện thành công phương pháp này trên động vật kích thước dưới 10cm). Đến nay, Viện Hải dương học đã chế tác được hơn 50 mẫu cá xương, cá sụn khác nhau của vùng biển Việt Nam bằng phương pháp nhuộm màu trong suốt. Tuy các mẫu sinh vật biển vẫn được thực hiện chủ yếu bằng phương thức thủ công, phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm cá nhân và đòi hỏi thời gian dài, nhưng thành quả của khoa học và nghệ thuật hiện diện trong mẫu vật trong suốt đã cho thấy sự kỳ diệu từ bàn tay, khối óc của những nhà khoa học Việt Nam.

Thế giới đại dương rất đa dạng và bộ sưu tập sinh vật biển trong suốt ở Viện Hải dương học đã góp phần kể thêm câu chuyện về vẻ đẹp bất tận, huyền ảo của thế giới đại dương bao la đó.

THIỀU HOA - THẢO LY

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/bao-xuan-2024/202402/ngo-ngangve-dep-sinh-vat-bien-8213829/