Ngỡ ngàng với cảnh sắc của cánh đồng muối đẹp nhất nhì Vịnh Bắc Bộ
Xã Bạch Long thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là một trong những cánh đồng muối lớn, đẹp nhất khu vực miền Bắc với khoảng 1.000 hộ làm nghề muối.
Cánh đồng muối Bạch Long
Mùa làm muối của những diêm dân ở Bạch Long bắt đầu từ tháng 3 và kết thúc vào tháng 8 hàng năm, khi mùa mưa đến. Để làm được muối những diêm dân phải bắt đầu công việc từ sáng sớm tinh mơ, khi những tia nắng đầu tiên còn chưa bắt đầu. Công việc này nếu ai đã một lần trải nghiệm mới thấu hiểu được hết khó khăn, vất vả mà người dân phải trải qua để tạo nên những hạt muối trắng, tinh khiết.
Công đoạn đầu tiên là làm đất, người dân phải tạo thành nhiều ô đất vuông vức to bằng manh chiếu, sao cho đất mịn trên bề mặt. Sau đó ngâm cát cùng nước biển và đem cát san đều, phơi trên ruộng đất, lấy nước biển tưới lên sân phơi. Khi cát khô, trên bề mặt từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.
Giữa trưa nắng, độ 12h đến 1h là khoảng thời gian người dân sử dụng công cụ đo độ mặn nước biển để xác định nồng độ muối. Trời càng nắng, muối càng mau tạo hình, cái nắng bỏng rát da thịt là ưu ái của thượng đế để vụ mùa được bội thu, để những hạt muối thêm trắng trong, tinh khiết. Muối bắt đầu kết tinh vào khoảng 14h hằng ngày, diêm dân lại hối hả bắt tay vào công đoạn thu hoạch muối. Từng ụ muối được gom lại, trắng tinh được phản chiếu dưới cái nắng của mặt trời càng thêm lấp lánh như những hạt ngọc trời ban.
Trên khúc sông tấp nập là hình ảnh những con thuyền nặng trĩu chở muối về kho. Diêm dân cứ mải miết cho công việc ấy cho đến lúc hoàng hôn, khi cuối chân trời xa tít tắp, ông mặt trời đang dần dần lui về sau những hàng phi lao, hình ảnh người nông dân trên ruộng muối vẫn tất tả những công việc cuối ngày…
Những người cõng nắng
Có lẽ, không có nghề nào dãi dầu mưa nắng như nghề làm muối. Hạt muối trắng mặn mòi là kết tinh hương vị của biển cả và những giọt mồ hôi của các diêm dân rỏ xuống cánh đồng. Đời diêm dân bao đời nay vẫn oằn mình “cõng nắng”, cõng cả những mằn mòi của cuộc sống trên vai.
Như bất cứ một nghề lao động tay chân nào, làm muối là nghề nặng nhọc. Nếu cả đời làm muối, nghĩa là cả đời diêm dân gắn với cái cào và đôi quang gánh. Bảo hộ lao động cho diêm dân đều là những vật dụng đơn giản, quen thuộc như đôi găng tay, ủng, khăn bông và chiếc nón. Phụ nữ còn “chăm” mang chúng để tránh cái nắng chói gắt khiến mắt nheo lại, còn đàn ông thì chỉ đầu trần chân đất. Nắng càng to, diêm dân càng cặm cụi làm việc trên cánh đồng muối. Những ngày nắng tới 39 độ C, cánh đồng muối bốc hơi nghi ngút, hơi mặn của muối, cái nóng như rang áp vào đôi bàn chân, phả vào mặt mũi thì diêm dân vẫn bì bõm, dầm gót chân trần dưới ruộng để cào muối.
Ông Nguyễn Mạnh Huy và bà Phạm Thị Mơ là một trong những người làm muối lâu năm nhất ở Bạch Long. Hơn 50 năm làm muối, ông bà đã trải qua biết bao nhiêu mùa nắng khác nhau. Nhà ông bà có khoảng 3 sào ruộng làm muối và mỗi tháng thu nhập vào khoảng 1,5 triệu đồng từ việc làm muối. Mùa hè oi ả, nắng chiều chẳng dịu đi là bao, bóng nắng của diêm dân in trên từng ruộng muối trắng. Quan sát đồng muối, du khách sẽ thấy hầu hết những diêm dân nơi đây là nữ giới hoặc người lớn tuổi bởi thanh niên trai tráng đều đã lên thành phố kiếm việc làm.
Những bóng nắng in dài trên ruộng cát, bằng sự chăm chỉ và cần mẫn của mình, những con người “cõng nắng” nơi đây đang từng ngày chắc lọc sự tinh túy của biển. Còn gì đẹp hơn khi được ngắm nhìn những cánh đồng muối tít tắp, cứ thế trải dài tưởng chừng như vô tận dưới cái nắng chiều, với hình ảnh người làm muối đổ bóng in lên. Ở mỗi khoảng thời gian khác nhau trong ngày, bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của cánh đồng muối ở những góc độ khác nhau, vừa bình yên, vừa mộc mạc lại có gì đó nao nao lòng người. Nếu đã một lần đến cánh đồng muối Bạch Long, chắc chắn bạn sẽ chẳng thể nào quên!